"Thượng đế" cũng khóc vì bão giá
Cơm gà, món ăn đặc sản ngon, giá rẻ, đồng thời cũng là món ăn ưa thích và phổ biến nhất của người dân Singapore, đang ngày càng đắt đỏ hơn.
"Cơm gà là món ăn yêu thích nhất của tôi vì nó dễ ăn và dễ tìm kiếm", Rachel Chong, một người dân Singapore chia sẻ. Giá cho một suất cơm gà tại "quán ruột" của Rachel có tên Ah Keat Chicken Rice, có giá khoảng 2,9 USD.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, cơm gà đang ít dần đi và giá cả cao hơn vì thịt gà, nguyên liệu chính trong món ăn bị hạn chế xuất khẩu. "Nếu nhà cung cấp tăng chi phí lên thì giá thành phẩm sẽ đội lên rất nhiều. Điều đó làm cho chúng tôi gặp khó khăn trong kinh doanh", ông Foo Kui Liam, chủ một chuỗi nhà hàng cơm gà nổi tiếng ở Singapore cho biết.
Singapore là một trong những quốc gia giàu có bậc nhất châu Á, song quốc gia này vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thực phẩm nhập khẩu, lên tới 90%. Theo một báo cáo mới đây của Hiệp hội Thực phẩm Singapore, gần 50% lượng gà tiêu thụ hàng năm tại Singapore là nhập khẩu, trong đó 34% đến từ Malaysia, 49% từ Brazil và 12% từ Mỹ.
Lệnh hạn chế xuất khẩu gà của Malaysia đã dẫn đến tình trạng thực khách xếp hàng dài trước các quán cơm gà ở nhiều khu phố ẩm thực ở Singapore. "Tôi đang xếp hàng chờ đến lượt mua cơm gà. Tôi sẽ cố gắng tận hưởng món ăn này nhiều nhất có thể, trước khi chúng trở nên quý hiếm và giá cả tăng cao trong thời gian tới", ông Lucielle Tan (Singapore) chia sẻ với CNN.
Lệnh ngừng xuất khẩu của Malaysia không chỉ khiến cho các thực khách Singapore lo lắng, những chủ tiệm cơm gà cũng bày tỏ quan ngại về việc chi phí tăng cao buộc họ phải tăng giá món ăn khi nguồn cung đang bị thu hẹp.
Ông Lim Wei Keat, chủ nhà hàng Ah Keat Chicken Rice, cho biết nhà hàng của ông không muốn tăng giá dù cho nhà cung cấp gà Malaysia đã tăng giá khoảng 20% từ đầu năm nay. "Chúng tôi không muốn tăng giá các món ăn vì sợ mất khách. Điều chúng tôi hy vọng là có thể chịu được mức giá này trong 1 tháng nữa. Trường hợp xấu nhất, chúng tôi buộc phải tăng giá thêm 0,36 USD cho mỗi đĩa".
Ông Lim cũng lo lắng về nguồn cung thịt gà trong thời gian tới. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, có thể ông sẽ phải sử dụng thịt đông lạnh thay thế, tuy nhiên loại nguyên liệu này không được lòng nhiều khách hàng. "Nếu lệnh cấm kéo dài, chúng tôi sẽ gặp rắc rối lớn", một chủ tiệm cơm gà tại phố ẩm thực Singapore chia sẻ.
Chính quyền Singapore cũng khuyến khích người tiêu dùng không nên quá lo lắng trước lệnh ngừng xuất khẩu, và chỉ nên mua những thực phẩm cần thiết, tránh tình trạng tích trữ. "Lần này là thịt gà và lần sau có thể là thứ khác. Chúng ta cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo.
Không chỉ Singapore, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang vật lộn với lạm phát tăng cao. Theo CEIC, lạm phát hàng năm tại Ai Cập đã chạm mức 13% trong tháng 4 qua. Tại Ghan, Iran và Argentina, con số lạm phát lần lượt là 24%, 36% và 58%. Tại Lebanon, lạm phát hàng năm lên tới 207% vào tháng trước.
"Về tổng thể, tôi cho rằng các lệnh cấm xuất khẩu sẽ làm gia tăng áp lực lên giá lương thực", bà Priyanka Kishore, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics chia sẻ.
Khi giá cả hàng hóa trên thế giới tăng cao, một số quốc gia đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu các loại thực phẩm chính nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa.
Mới đây, Malaysia đã ra lệnh ngừng xuất khẩu gà, Argentina ra lệnh cấm xuất khẩu thịt bò, Ghana cấm xuất khẩu ngô, gạo và đậu nành. Iran ngừng xuất khẩu khoai tây, cà tím và cà chua. Ai Cập cấm xuất khẩu đậu, dầu ô liu, đậu lăng đỏ, lúa mì, ngô và dầu ăn. Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu lúa mì và hạn chế xuất khẩu đường ra nước ngoài. Hồi tháng 4, Indonesia cũng tạm ngừng xuất khẩu dầu cọ để bình ổn giá dầu ăn trong nước và lệnh cấm được dỡ bỏ trong tháng 5.
Động thái trên được các quốc gia đưa ra sau khi lạm phát lương thực toàn cầu tăng mạnh. Chỉ giá số thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đối với các loại thực phẩm bao gồm thịt, sữa, ngũ cốc, dầu thực vật và đường đạt 158,5 vào tháng 4, tăng 30% so với một năm trước đó.
Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Anh và Australia cũng áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu thực phẩm. Tuy nhiên, những hạn chế của các nước này chỉ nhắm vào Nga như một phần của đòn trừng phạt Moscow.
David Laborde, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington (Mỹ) cho biết: "Đối với quốc gia đang phát triển và các hộ gia đình thu nhập thấp, thực phẩm tăng giá, leo thang là vấn đề rất đáng lo ngại".
Ông Laborde cũng cảnh báo về tác động nghiêm trọng của việc hạn chế xuất khẩu đối với người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. "Trong khi thực phẩm vẫn như thế nhưng giá lại đắt hơn thì người nghèo chính là nạn nhân đầu tiên. Thậm chí họ sẽ phải cắt giảm mức chi tiêu cho y tế hoặc giáo dục".
Theo ông Akio Shibata, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên Nhật Bản, chuỗi cung ứng thực phẩm đã được toàn cầu hóa. Những năm gần đây, xu hướng này đã bị đảo ngược vì nhiều yếu tố như nhu cầu gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, biến đổi khí hậu và đứt gẫy chuỗi cung ứng do dịch Covid-19.
Paul Teng, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam cho biết, khi các quốc gia hạn chế xuất khẩu, chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng từ nhà sản xuất, chuỗi bán lẻ và khách hàng. "Một số nhà sản xuất lo lắng cho hoạt động trong tương lai. Đặt cương vị là nhà bán lẻ, nếu bạn tăng giá các mặt hàng thì khách hàng sẽ rời đi và không mua hàng của bạn", ông Teng nhận định.
Giáo sư Teng dự báo, lạm phát đối với giá lương thực và các nhu yếu phẩm khác sẽ tăng khi xung đột giữa Nga và Ukraine không hạ nhiệt.
Khác với ông Teng, bà Priyanka Kishore tại Oxford Economics cho rằng, vào giữa năm 2023, giá hàng hóa thực phẩm và năng lượng sẽ giảm 10 - 15% so với một năm trước đó, giúp hạ nhiệt lạm phát trên toàn cầu. "Giá hàng hóa sẽ giảm đi. Dù hiện giá vẫn ở mức cao kỷ lục, tuy nhiên sẽ không có khả năng tiếp tục đi lên", bà Kishore nói.
Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.