Lào Cai quyết tâm, nỗ lực hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát
PV Tây Bắc
19/10/2024 1:07 PM (GMT+7)
Đồng chí Đặng Xuân Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai chủ trì hội nghị trực tuyến thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng bão số 3 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Vũ Xuân Cường - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tại điểm cầu cấp huyện, xã tham dự có Thường trực cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các thành phần khác có liên quan.
Tại hội nghị đã thông báo Quyết định số 972-QĐ/TU ngày 15/10/2024 thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ban Chỉ đạo tỉnh gồm 34 thành viên: Đồng chí Đặng Xuân Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giữ vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh. Ban Chỉ đạo tỉnh có 3 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và 30 thành viên. Các Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh gồm: Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh gồm 24 thành viên.
Lào Cai phấn đấu 6/2025 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - Trịnh Xuân Trường đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát và khắc phục thiệt hại nhà ở do bão số 3 trên địa bàn. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án 590-ĐA/BCSĐ ngày 14/6/2024 về hỗ trợ làm nhà cho cho hộ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025, với số nhà làm mới và sửa chữa là 8.227 nhà (làm mới 4.886 nhà, sửa chữa 3.341 nhà).
Năm 2024 hoàn thành 70% (tương ứng 5.883 nhà) nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh: Các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành 100% chỉ tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024: Huyện Si Ma Cai, huyện Văn Bàn, huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai. Các huyện hoàn thành 70% chỉ tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024: Huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát, huyện Mường Khương.
Đối với số hộ hỗ trợ nhà ở cho hộ người có công với cách mạng, hộ thân nhân liệt sĩ (413 nhà ở trong đó làm mới 140 nhà, sửa chữa 273 nhà) hoàn thành 100% trong năm 2024.
Đến hết tháng 6/2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu 30% số hộ còn lại hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát và huyện Mường Khương. Tuy nhiên, sau khi ban hành Đề án 590-ĐA/BCSĐ, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát và đề nghị bổ sung số nhà nhà tạm, nhà dột nát.
Về cân đối nguồn lực thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án trên 337 tỷ đồng (kinh phí hỗ trợ trích đo địa chính thửa đất là 8 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở trên 329 tỷ đồng); kinh phí đề nghị bổ sung số nhà ngoài Đề án gần 25 tỷ đồng. Tổng nhu cầu kinh phí xoá nhà tạm, nhà dột nát trên 360 tỷ đồng. Tổng kinh phí đã huy động để triển khai thực hiện trên 373 tỷ đồng.
Lào Cai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc khắc phục thiệt hại về nhà ở do bão số 3
Theo số liệu thống kê của các huyện, thị xã, thành phố đến nay có khoảng 6.689 hộ bị thiệt hại về nhà ở, trong đó thiệt hại sập, đổ hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng phải làm mới là 758 nhà, thiệt hại phải sửa chữa 1.383 nhà, thiệt hại nhà phải di dời khẩn cấp khỏi khu vực nguy hiểm là 4.548 nhà.
Hiện, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang hoàn thiện hồ sơ rà soát danh sách các hộ bị thiệt hại về nhà ở theo Hướng dẫn số 414/HD-UBND và Văn bản số 5763/UBND-XD ngày 14/10/2024 của UBND tỉnh Lào Cai. Đến ngày 25/10/2024 UBND các huyện, thị xã, thành phố phải hoàn thành phê duyệt danh sách các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà để thực hiện hỗ trợ.
Tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại nhà ở gần 470 tỷ đồng, bao gồm: Làm mới 758 nhà, sửa chữa 1.383 nhà, tổng kinh phí trên 104 tỷ đồng; Đối với nhà ở phải di dời khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo số liệu của các địa phương đề nghị là 4.548 nhà, kinh phí 364 tỷ đồng.
Đến nay kinh phí cho làm mới và sửa chữa nhà ở bị thiệt hại do bão số 3 (104.035 triệu đồng) đã được đảm bảo và được cấp đủ cho các địa phương.
Tuy nhiên, trong thực hiện thống kê, báo cáo danh sách số hộ, số nhà, mức độ bị ảnh hưởng thiệt hại do bão còn chưa đồng nhất, số liệu thường xuyên thay đổi, làm ảnh hưởng đến xây dựng phương án hỗ trợ khắc phục sau thiên tai. Cơ sở hạ tầng giao thông gặp rất nhiều khó khăn cho công tác triển khai vận chuyển vật liệu xây dựng thực hiện làm nhà ở cho người dân sau bão; vật liệu xây dựng thiếu, giá cước vận chuyển tăng. Khối lượng thực hiện xoá nhà tạm và khắc phục thiệt hại về nhà ở do bão số 3 là rất lớn, thực hiện đồng bộ trên khắp địa bàn các thôn, xã, huyện toàn tỉnh, do vậy tiến độ xây dựng gặp nhiều khó khăn do thiếu đội thợ.
Việc bố trí vị trí để sắp xếp di dời làm mới cho các hộ bị sập, đổ hoàn toàn không thể xây dựng tại vị trí cũ gặp nhiều khó khăn, do thiếu quỹ đất. Một số hộ không có khả năng làm mới do bị thiệt hại cả về người và tài sản, nên phải trông chờ vào Chính quyền và người dân giúp đỡ mới có thể làm được nhà. Do phong tục tập quán, xem tuổi, xem ngày để làm nhà do vậy nhiều hộ dân chưa triển khai thực hiện. Số hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét rất lớn, nguy cơ tiếp tục xảy ra còn tiềm ẩn nhiều. Trong thực hiện hỗ trợ di dời khỏi khu vực nguy hiểm để làm mới, việc xác định khu vực nguy hiểm rất khó xác định do vậy việc thực hiện hỗ trợ nhóm đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương báo cáo tiến độ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng bão số 3, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện rà soát số liệu; cách thức tổ chức thực hiện, tính hợp pháp của đất đai, đẩy nhanh chính sách đất ở, đất sản xuất…
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Đặng Xuân Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh nhấn mạnh, việc quan tâm người nghèo, khó khăn, người dân bị ảnh hưởng bão lũ cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, đây là nhiệm vụ quan trọng, rất trăn trở của tỉnh, nhất là cơn bão số 3 vừa rồi.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của người đứng đầu, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của cả cộng đồng. Cùng với đó, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương, các tỉnh, thành phố, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế giúp Nhân dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai
Với quyết tâm chính trị cao nhất, khối lượng công việc nhiều, thời gian ngắn, sử dụng hợp lý nguồn lực, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Yêu cầu các huyện rà soát, thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, có kế hoạch, phương án rõ ràng. Về số liệu, địa phương chịu trách nhiệm số liệu, giao Công an tỉnh cùng điều tra, xác nhận số liệu các hộ cần hỗ trợ.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, chậm nhất 31/12/2024 hoàn thành xong nhà bị sập hoàn toàn do bão số 3. Chậm nhất 30/6/2025 hoàn thành xong nhà tạm, nhà dột nát. Quyết liệt, quyết tâm, nỗ lực đạt được nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng bão số 3
Giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp để đảm bảo phân bổ Quỹ "Vì người nghèo", Quỹ Cứu trợ kịp thời theo tiến độ triển khai hỗ trợ nhà ở cho nhân dân. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tăng cường công tác truyền thông tạo đồng thuận trong cộng đồng xã hội. Quản lý, sử dụng có hiệu quả tối đa nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, các địa phương và nguồn vận động xã hội hóa để thực hiện.
Rà soát, đánh giá chính xác, phân loại mức độ thiệt hại nhà ở bị ảnh hưởng để có phương án hỗ trợ kịp thời. Có giải pháp thực hiện một mức hỗ trợ chung, thống nhất về nhà ở (xây mới, cải tạo, sửa chữa). Khẩn trương hỗ trợ khôi phục nhà ở các gia đình bị sập, đổ, cuốn trôi, hư hỏng. Có phương án bố trí chỗ ở cho người dân trong thời gian chưa kịp sắp xếp dân cư ổn định lâu dài.
"Huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai sẽ phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao năm 2025 và lên thị xã vào năm 2030" - Đó là phát biểu của Bí thư Huyện uỷ Bảo Thắng Trần Minh Sáng tại cuộc gặp mặt Báo chí nhân dịp đón Xuân Ất Tỵ 2025.
Thông tin từ ngành Nông nghiệp huyện Bảo Thắng (Lào Cai), năm 2024, sản lượng na toàn huyện đạt gần 1.500 tấn, giá trị đạt trên 44 tỷ đồng; cây na là một trong những cây trồng mũi nhọn giúp người nông dân ở huyện Bảo Thắng làm giàu.
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị (khối chính quyền) trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Nghị quyết 18 của Trung ương.
Chiều ngày 7/1, Huyện uỷ Mường Khương, tỉnh Lào Cai tổ chức gặp mặt gần 600 người là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác mặt trận thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, người có uy tín của 157 thôn, tổ dân phố trên địa bàn.
"Huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai sẽ phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao năm 2025 và lên thị xã vào năm 2030" - Đó là phát biểu của Bí thư Huyện uỷ Bảo Thắng Trần Minh Sáng tại cuộc gặp mặt Báo chí nhân dịp đón Xuân Ất Tỵ 2025.
Thông tin từ ngành Nông nghiệp huyện Bảo Thắng (Lào Cai), năm 2024, sản lượng na toàn huyện đạt gần 1.500 tấn, giá trị đạt trên 44 tỷ đồng; cây na là một trong những cây trồng mũi nhọn giúp người nông dân ở huyện Bảo Thắng làm giàu.
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị (khối chính quyền) trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Nghị quyết 18 của Trung ương.
Chiều ngày 7/1, Huyện uỷ Mường Khương, tỉnh Lào Cai tổ chức gặp mặt gần 600 người là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác mặt trận thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, người có uy tín của 157 thôn, tổ dân phố trên địa bàn.