Thảo Anh (27 tuổi, quận 7) đã lên đủ list nhà hàng, quán cà phê để gặp mặt và ăn uống cùng bạn bè, người thân từ mùng 4 đến mùng 6 Tết. Cô đặc biệt quan tâm đến lịch mở cửa của những chuỗi cà phê, nhà hàng lớn.
“Tôi thích gặp mọi người ở hàng quán để đỡ mất công nấu nướng, dọn dẹp. Tuy vậy, tôi cũng sợ cảnh cả nhà kéo nhau đến rồi chỗ đó đóng cửa hay ăn uống chán chê rồi quay ra bị phụ thu 30-40%. Đầu năm, gặp những chuyện như thế rất dễ bực bội, khó chịu”.
Mở xuyên Tết
Đây là cái Tết đầu tiên người Việt hoàn toàn không còn lo ngại về Covid-19 nên rất thoái mái ăn uống, gặp gỡ ở nơi công cộng. Chuyên gia dự báo đây sẽ là thời điểm ngành F&B vào mùa bùng nổ về doanh thu khi nhu cầu của khách hàng tăng cao.
Theo khảo sát của Zing, năm nay, nhiều hàng quán vẫn mở cửa xuyên Tết để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Pizza 4P, Baozi, L'Usine, Sumo BBQ, Sukiya, Warning Zone… đều có cửa hàng mở cửa xuyên Tết. Tuy nhiên, một số chi nhánh đóng, mở cửa theo lịch riêng nên khách hàng cần lưu ý để không đến và ra về trong trạng thái “chưng hửng”.
Bên cạnh đó, có khá nhiều chuỗi trà, cà phê cũng mở cửa xuyên Tết như Highland Coffee, Phúc Long, Katinat, Cộng, The Coffee House, Phin Deli, Gong Cha… Một số chuỗi khác mở lại từ mùng 2 hoặc mùng 3 Tết tùy chi nhánh.
Phụ thu ngày Tết cũng là vấn đề được doanh nghiệp lẫn khách hàng quan tâm. Về phía doanh nghiệp, họ phải giải bài toán chi phí nguyên liệu và nhân sự tăng cao dịp Tết. Khách hàng cũng “nhấp nhổm” nếu quán phụ thu quá nhiều hay mập mờ ở khoản phụ thu.
“Tôi từng đọc nhiều bài bóc phốt hàng quán phụ thu lên đến 30-50% dịp Tết hay lấy Tết là cái cớ để ‘chặt chém’ khách hàng nên thường hay hỏi rõ nhân viên về khoản này khi đi ăn”, anh Nam Hải (quận 7) nói.
Năm nay, nhiều quán xá không phụ thu Tết hoặc chỉ phụ thu ở mức 10%. Starbucks, Phúc Long, Highland, Gong Cha đều không phụ thu Tết. Một số địa điểm có mức phụ thu 10% là Pizza 4P's, Phin Deli, L’Usine…
Hầu hết thương hiệu đều ghi rõ lịch mở cửa, mức phụ thu tại các bài đăng trên mạng xã hội để khách hàng tiện theo dõi.
Bài toán nhân sự
Chia sẻ về vấn đề nhân sự dịp Tết, đại diện L’Usine cho biết: “Tết 2023 là Tết đầu tiên sau dịch Covid-19. Vì vậy, nhiều nhân sự mong muốn về thăm gia đình cũng như lên kế hoạch đón năm mới xa nhà. Bài toán thiếu hụt nhân sự dịp lễ Tết nay càng nan giải hơn, đối với các chuỗi nhà hàng - cà phê như chúng tôi".
Vị này cho biết thêm chi phí vận hành những ngày Tết rất cao do chi phí nhân sự và các chi phí liên quan đến đầu vào, nguyên liệu cũng tăng cao hơn hẳn với các ngày thường. Không chỉ chi phí, việc đảm bảo hiệu suất, chất lượng của dịch vụ cũng như nguyên liệu thực phẩm những ngày Tết là bài toán khó.Nhân sự ngày Tết là bài toán khó với nhiều thương hiệu. .
L’Usine sẽ phụ thu 10% từ ngày 30 Tết đến mùng 4 Tết (21-25/01) cho tất cả hoá đơn nhằm cân bằng chi phí tăng cao mà vẫn có thể mở cửa phục vụ thực khách xuân Quý Mão.
Tương tự, đại diện nhiều thương hiệu F&B thuộc Golden Gate cũng cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nhân sự thời vụ vì chi phí cao, nguồn cung không dồi dào, các bạn trẻ sinh viên về quê… nên việc tìm nhân sự partime rất khó.
Vị này cho biết Golden Gate sẽ huy động tối đa các nhân sự, kể cả nhân sự khối văn phòng cũng đăng ký đi hỗ trợ theo khung giờ cao điểm tại các cửa hàng phục vụ trong Tết.
Theo đại diện công ty dịch vụ tư vấn và tuyển dụng nhân sự Talentnet Việt Nam, phục vụ nhà hàng là một trong những ngành nghề có thu nhập hấp dẫn trong dịp Tết. Ngoài mức chi trả ít nhất là gấp 3 lần ngày làm việc bình thường theo luật lao động quy định, nhân sự còn được hưởng mức tiền tips cao hơn ngày thường.
Tuy nhiên, khó khăn trong vấn đề nhân sự thời vụ dịp Tết là bởi lượng lao động phần lớn đã về quê hoặc nếu không cũng muốn nghỉ ngơi ngày Tết. Ngoài ra, năm nay tình hình còn khó khăn hơn bởi rất nhiều lao động đã về quê do đợt dịch từ năm trước hoặc do làn sóng sa thải nhân sự trong nửa cuối năm.