Thứ năm, 25/04/2024

Nhớ Tết tha hương

28/01/2023 1:00 PM (GMT+7)

Tết năm 1978, tôi vừa tròn 18 tuổi. Tuy là dân quê, nhưng tôi cũng cảm được nhiều điều về cuộc đời. Với tôi, đó là một cái Tết vừa có niềm vui lẫn nỗi đau, cứ ám ảnh đeo đẳng tôi suốt nhiều chục năm sau đó.

Tết tha hương  - Ảnh 1.

Mừng má đi chợ Tết về. Ảnh: DUY KHÔI


Tôi còn nhớ rất rõ năm đó khi gió chướng về, sông Bạc Liêu bắt đầu nổi những con sóng bạc đầu thì tôi nghe dân gặt mướn từ Cửu Long, Bến Tre, Tiền Giang... chèo ghe kẽo kẹt kéo về. Cái lạ của năm đó, là họ đổ về vùng Bạc Liêu, Cà Mau nhiều hơn mọi năm gấp nhiều lần, những đoàn ghe xuồng cứ nối đuôi dài dằng dặc, cỡ cấp binh đoàn. Trong những đêm sông Bạc Liêu trở lạnh, trăng sáng vằng vặc, tiếng khua chèo, tiếng í ới gọi nhau và cả những câu vọng cổ khàn đục vì khói thuốc lá... làm rộn rã những vàm sông. Thường thì dân gặt mướn chở theo một ít trái cây để làm “sở phí” đi đường thôi nhưng năm nay họ chở cả tủ, bàn ghế, có những chiếc ghe chở cả gia đình với con cái nheo nhóc. Cho đến khi gặp cậu Út, người Vĩnh Long là khách thương hồ thường niên về tá túc với gia đình tôi vào mỗi mùa gặt thì tôi mới am tường mọi lẽ. 

Số là suốt ba năm qua (mà năm đó là năm nặng nề nhất) vùng Cửu Long, Bến Tre bị hạn hán lũ lụt và nạn sâu rầy làm hại mùa màng... nên dân đói khổ lắm, không còn chịu nổi nên gần như cả nửa số dân của các tỉnh miệt vườn Tiền Giang kéo đi tha phương cầu thực. Và họ lại đi theo con đường truyền thống đã được thiết lập từ hơn 300 năm nay là về miền Hậu Giang (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) để làm mướn kiếm ăn. Sau này tôi biết, năm 1978 là 1 trong 3 đợt di dân lớn nhất trong tiến trình “hành phương Nam” khẩn hoang Nam bộ của dân miệt Tiền Giang về Hậu Giang.

Năm đó vùng Bạc Liêu mùa màng cũng không được như ý. Thời ấy cấy lúa Thần nông đỏ, Thần nông 5, Thần nông 8... đã được gọi là lúa cao sản, là “mút đọt” của khoa học kỹ thuật rồi. Vụ mùa 4 tháng của các loại Thần nông này ngắn hơn lúa mùa muộn 2 tháng. Thế nhưng nó rất kỵ phèn, mặn. Năm đó từ tháng 10 âm lịch trở đi, không biết vì sao nước rong dâng cao lắm. Tháng 11 rồi tháng chạp, làng tôi nước ngập bờ bãi, lé đé nền nhà. Nhìn từ xa cứ thấy mấy chòm nhà nổi trôi trên mặt nước. Thế là nước mặn tràn vào những đám ruộng lúa đang trổ làm cho lúa chín háp (hạt không có gạo) mà nông dân quê tôi gọi là “lúa dựng cờ trắng đầu hàng”. 

Năm đó thật sự là một năm cực kỳ khó khăn bởi vì tất cả đều trông cậy vào mùa lúa. Tôi nhớ nông dân quê tôi hút thuốc gò mà đến giấy báo cũ cũng không có để cuốn thuốc, họ phải cuốn bằng là chuối khô, lá trâm bầu... hút khét lẹt. Các mặt hàng nhu yếu phẩm được phân phối qua hệ thống thương nghiệp và hợp tác xã của cơ chế bao cấp, thiếu thốn đến không tưởng tượng nổi. Đêm đến nhà tôi chỉ thắp đúng một ngọn đèn cóc, chuẩn bị đi ngủ là ba tôi bảo “Tắt đèn”. Má tôi phải đổ tro vào một cái khạp để lắng trong mà gội đầu vì thiếu xà phòng. Lác đác trong xóm đã có nhà ăn cháo. Nhớ mà ứa nước mắt, thằng em cô cậu của tôi, con cái nheo nhóc, khi dọn cơm ăn phải nhìn dáo dác như kẻ trộm vì sợ khách tới nhà bất tử người ta cười vì trong nồi cháo lểnh lảng ấy có độn với chuối xanh, khoai mì... Nhà tôi thì chưa đến nỗi nhưng cũng đã ăn cơm độn khoai. Cả gia đình tôi xúm nhau khai hoang cụm rừng sau nhà để ưu tiên số một cho trồng, tỉa lúa. Nơi nào đất gò quá thì trồng bo bo, cao lương đỏ, khoai lang, khoai mì...

Tết tha hương  - Ảnh 2.

Gói bánh cùng nội đêm Giao thừa. Ảnh: DUY KHÔI


Giữa lúc khổ như thế thì bà con miệt vườn về tá túc hầu hết các gia đình ở xóm tôi. Mà nào chỉ có khách gặt mướn truyền thống xuống hằng năm, gia đình tôi ngoài gánh cậu Út, mợ Út, mấy đứa em thì còn có gánh bà con bên bà nội tôi ở Vĩnh Long về cả chục người. Sau những lúc mừng mừng tủi tủi của hạnh ngộ thì gia đình phải “thắt lưng buộc bụng”. Nếp sinh hoạt mà nông dân Bạc Liêu đã có từ nhiều đời là hễ khách thương hồ từ miệt vườn xuống là chủ nhà lo ăn ngủ, đi kêu công gặt giúp... Năm nay nghèo quá nhưng nếp sinh hoạt cũ vẫn không vì thế mà khác đi. Nồi cơm độn khoai được nấu to hơn... khách ở nhà nếu có công gặt thì đi, không thì phụ giúp cuốc rẫy, nhổ cỏ, đắp bờ... Vậy đó mà không khí vẫn vui, vẫn cởi mở, vẫn chị chị em em, vẫn anh anh chú chú... ít nghe tiếng kêu ca than thở. Nhớ lại mới thấy cảm động về cái tình truyền thống của hai miệt Hậu Giang, Tiền Giang.

Những người không có mối quan hệ truyền thống thì khổ hơn, họ xuống thì rơi vào cảnh cơ nhỡ, có nhà có thứ gì bán được như tủ, bàn, ghế... thì chở theo đổi lúa đem về. Xót nhất là những người không có của cải, phải mang con gái đổi làm vợ người khác với giá 10 giạ lúa. Vậy mà rồi cũng đâu vào đó, thằng ní tôi tên Huệ, nhà ở ấp Thào Lạng, xã Vĩnh Trạch đổi 10 giạ lúa lấy một cô vợ rất đẹp; anh Bây (người Khmer) lưng khum, người nhỏ thó (nhà ở ấp Cả Vĩnh, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, gần nhà tôi bây giờ), mà cũng đổi được một cô vợ cao, trắng như bông bưởi... Giờ hai cặp vợ chồng đó con cái đề huề, nhìn vào cứ tưởng họ cưới nhau với mâm cao cỗ đầy.

Nhà tôi mỗi ngày có hàng chục chiếc ghe ghé lại xin gặt mướn. Ba tôi bảo: “Lúa gặt xong rồi”, họ lại nói: “Làm thứ gì cũng được, không có tiền thì chúng tôi lấy công bằng gạo”, ba tôi lại bảo: “Gạo còn thiếu ăn lấy gì trả công”, họ lại nói: “Thôi thì lấy khoai”. Ba tôi quay mặt đi chỗ khác, giấu nước mắt rồi lầm lũi xách cuốc ra rẫy đào cho mỗi người mấy củ khoai. Chiều ra bến sông thấy những gia đình nheo nhóc ăn khoai trên sạp ghe thay cơm, má tôi cũng rớt nước mắt.

Năm đó làng tôi bước vào cái Tết cực kỳ khó khăn, hợp tác xã phân phối cho mỗi người phụ nữ một cái áo ni lông ba tít, còn đàn ông con trai thì chỉ có một cái quần màu tím vải thun. Ba tôi lấy phần của ông cho tôi để tôi may thêm cái áo cho đủ một bộ. Chị Hai tôi may cho em một bộ đồ kiểu “lục quân”, có túi nắp, con đỉa (cầu vai) trông oai lắm. Thế nhưng khốn khổ cho tôi, má tôi đem giặt nước đầu tiên thì nó rút lên cả tấc (10cm), tôi mặc vào, quần ngắn cũn cỡn chó táp ba ngày không tới. 18 tuổi mà mặc đồ mới vào tôi khóc như con nít.

Ba tôi phải đi qua nhà anh Ba Ngàn, bà con cô cậu với tôi, mượn mấy ký nếp về gói bánh tét cúng ông bà. Năm đó má tôi giú chuối ở nhà trồng để gói chứ hoàn toàn không có tiền mua mỡ mà gói bánh tét nhân đậu. Nhắc mới nhớ thời kỳ đó thịt heo là một thứ làm lũ trẻ chúng tôi tưởng tượng rồi chảy nước dãi. Má tôi giữ hũ mỡ khư khư như giữ bọc vàng. Xoong cá kho chỉ dám bỏ vào một tí mỡ heo cho có mùi, bữa nào hên gắp được miếng tóp mỡ là ăn ngon như ăn nem công chả phụng chứ chẳng phải chơi. Ba tôi thì mua về ba ký thịt heo theo kiểu trả lúa tới mùa, mỗi ký 1 giạ để làm bữa tiệc cúng kiến ông bà ba ngày Tết.

Khổ thân nữa là những gia đình xuống gặt mướn ở Tiền Giang, Tết mà họ không về xứ vì không có tiền, gạo. Tốp ở nhà tôi chỉ có cậu Út, cậu Mười Màn về Vĩnh Long để lo thắp nhang ông bà trên ấy, số còn lại tiếp tục tá túc với gia đình tôi. Nhiều chiếc ghe không có người quen sở tại thì cắm sào ở bến sông trước cửa nhà tôi mà chịu trận. Tết mà họ cứ ngồi sau cái ghe mắt đượm buồn xa xăm đau đáu trông về cố thổ, nơi ấy đang có bàn thờ ông bà cha mẹ đang lạnh lẽo khói hương. Nhưng rồi họ cũng có nhiều an ủi. Dân làng tôi từ xưa đến giờ vốn có cái nếp, không phân biệt sang hèn, quen lạ, tính từ bữa tiệc ngày 30 Tết trở đi, bất kỳ gặp ai người ta cũng mời dùng cơm, uống rượu. Đây là nếp sinh hoạt phổ biến vẫn còn ở nông thôn Bạc Liêu, Cà Mau đến ngày nay. Thế là những người cơ nhỡ miệt Tiền Giang được mời lên bờ để hòa chung niềm vui của hàng xóm, cũng say khướt, cũng đàn ca, cũng chúc mừng năm mới, thắp nhang ông bà, vì Tết là Tết của cả dân tộc mà.

Mười năm sau, một lần đi dự hội nghị báo chí khu vực ĐBSCL ở Bến Tre, ông Chủ tịch tỉnh nơi đăng cai tổ chức hội nghị biết có đoàn Bạc Liêu, Cà Mau về dự, đã phát biểu như sau: “Trước khi phát biểu những vấn đề của Hội nghị, cho phép tôi được dành riêng một phút, qua đoàn báo chí Cà Mau, Bạc Liêu tôi thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến nhân dân hai tỉnh đã đùm bọc, cưu mang nhân dân Bến Tre trong lúc thiên tai hoạn nạn. Ơn nghĩa này chúng tôi xin ghi lòng tạc dạ”. Ở đất khách quê người nghe người ta cảm ơn nhân dân quê mình, tôi cứ ngồi thừ ra mà rớm nước mắt. Rồi cảm một cách đầy đủ hơn vì cái tình của hai miệt Tiền Giang và Hậu Giang đã được thiết lập hơn 300 năm qua trong tiến trình hành phương Nam, làm cho đất nước rộng dài của dân tộc.

Theo báo Cần Thơ

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Sân bay Tân Sơn Nhất lên phương án phục vụ cao điểm lễ 30/4

Sân bay Tân Sơn Nhất lên phương án phục vụ cao điểm lễ 30/4

Dự kiến đón gần 700.000 lượt khách trong giai đoạn cao điểm lễ từ 26/4– 1/5, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã lên phương án, tăng cường nhân lực phục vụ.

Sách: Điện Biên Phủ qua góc nhìn người lính, những người tham gia vào công cuộc tái thiết

Sách: Điện Biên Phủ qua góc nhìn người lính, những người tham gia vào công cuộc tái thiết

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), Nhà xuất bản Trẻ phát hành bộ sách tuyệt đẹp với thiết kế bìa đồng bộ của họa sĩ Mai Quế Vũ.

Diễn đàn quốc tế Trinity lần đầu tại Việt Nam sẽ hỗ trợ nhiều lĩnh vực kinh tế

Diễn đàn quốc tế Trinity lần đầu tại Việt Nam sẽ hỗ trợ nhiều lĩnh vực kinh tế

Nhiều lĩnh vực liên quan đến hàng không được kỳ vọng sẽ nhận thêm trợ lực mới thông qua diễn đàn quốc tế Trinity 2024 tại TP.HCM tháng 11 tới đây.

Những sản phẩm du lịch Hạ Long hấp dẫn dịp hè 2024

Những sản phẩm du lịch Hạ Long hấp dẫn dịp hè 2024

TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã và đang trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước mỗi mùa du lịch hè. Với mục tiêu không ngừng đổi mới, địa phương cũng đang tập trung đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động.

Tour nội địa “lép vế” tour nước ngoài dịp lễ 30/4

Tour nội địa “lép vế” tour nước ngoài dịp lễ 30/4

Nhu cầu đi du lịch lễ 30/4 năm nay tăng cao khi kỳ nghỉ kéo dài đến 5 ngày. Tuy nhiên, sức nóng lại đang dồn vào các tour du lịch nước ngoài hơn là du lịch nội địa.

Thử nấu món ăn, thức uống từ những bộ phim đình đám

Thử nấu món ăn, thức uống từ những bộ phim đình đám

Không ít lần ta đã bắt gặp những món ăn hấp dẫn trên phim ảnh, vậy thì liệu các món ăn này sẽ như thế nào khi chế biến ngoài thực tế?