Nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ) vào năm 2020 trên 50.000 nhân sự cho thấy nhân viên độc hại có thể kéo giảm hiệu suất và doanh thu của một công ty. Việc sa thải họ được xem là hiệu quả hơn nhiều so với tuyển dụng thêm một người xuất sắc.
SHRM ví nhân viên độc hại là "cỏ dại", tức là có thể nhanh chóng lây lan nếu không được ứng phó kịp thời. Những người này không chỉ có thái độ làm việc tiêu cực mà còn làm ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Phó giáo sư Christine Porath tại Đại học Georgetown đồng tình với quan điểm trên. Theo ông, ở công ty nào cũng có một kiểu nhân viên làm người khác mất tinh thần, tạo năng lượng buồn chán và kéo giảm hiệu suất chung.
Có 5 dấu hiệu để đánh giá một nhân viên độc hại:
- Thường xuyên chê bai, làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin của đồng nghiệp
- Phá hoại sự thành công của tập thể
- Khiến người khác nghi ngờ về giá trị và quyết định của mình
- Cản trở công việc chung
- Cản trở sự đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp
Nếu bạn là nhà quản lý hoặc phải đối mặt một người đồng nghiệp như vậy, HBR gợi ý một số cách để giải quyết vấn đề một cách triệt để.
Tìm nguyên nhân
Bước đầu tiên, bạn cần xem xét kỹ các hành vi, thái độ của người đồng nghiệp độc hại và tìm ra nguyên nhân sự việc. Người này có thể đang không hài lòng với công việc, gặp khó khăn trong cuộc sống cá nhân hoặc thù hằn với một số người xung quanh.
"Bạn có thể hỏi họ đang gặp chuyện gì. Sau khi biết lý do, nếu có thể, hãy đề nghị giúp đỡ họ. Sự thấu hiểu và quan tâm đến từ cấp quản lý là rất quan trọng", bà Porath nói.
Phản hồi trực tiếp
Trong nhiều trường hợp, những nhân viên độc hại không hề biết mình đang ảnh hưởng tiêu cực đến người xung quanh.
Hầu hết mọi người đều không nhận ra rằng họ đang trở nên xấu tính. Họ quá tập trung vào bản thân và cần ai đó tác động để nhận thức được hành động của mình.
Vì vậy, để họ hiểu ra vấn đề, bạn hãy phản hồi trực tiếp: "Anh đang làm phiền chúng tôi đó!".
Tuy nhiên, cuộc hội thoại này nên được đặt vào tình huống phù hợp. Bạn cần giao tiếp với thái độ thiện chí, giải thích rõ việc mình khó chịu ra sao và mong đối phương sửa đổi như thế nào.
Cảnh báo hậu quả
Nếu nhân viên đó vẫn dửng dưng và không muốn thay đổi thái độ, quản lý cấp trên cần tìm cách cảnh báo họ về hậu quả. Hãy tìm ra những điều mà họ quan tâm như chế độ đãi ngộ, lương, thưởng hoặc cơ hội thăng tiến.
Quản lý cần khẳng định với họ rằng sẽ không được hưởng những quyền lợi nêu trên nếu như không cải thiện hành vi của mình.
Không phải ai cũng cải thiện
Khi cố gắng thực hiện những bước trên, chúng ta hy vọng đồng nghiệp của mình sẽ nhận ra vấn đề và dần thay đổi. Tuy nhiên, bạn phải xác định tâm lý rằng không phải ai cũng sẽ cải thiện. Thậm chí, một số người còn tỏ ra thêm chống đối.
Nghiên cứu cho thấy chỉ 4% nhân sự độc hại mong muốn thay đổi.
Trong trường hợp này, người quản lý cần phải chấp nhận rằng không thể khuất phục nhân viên của mình.
Ghi lại mọi thứ
Nếu người quản lý kết luận rằng nhân viên độc hại cần bị sa thải, trước tiên, hãy ghi lại những hành vi vi phạm của họ và thu thập các phản hồi liên quan.
Điều này sẽ giúp bạn và công ty tránh khỏi những rắc rối về sau. Khi cho thôi việc một nhân viên, bạn phải cho họ biết lý do chính xác và đưa ra bằng chứng để không rơi vào tình huống khiếu nại.
Tách nhân viên độc hại khỏi tập thể
Trong một số trường hợp, bạn không thể sa thải những nhân viên độc hại ngay lập tức. Lúc này, bạn cần tách họ ra khỏi tập thể trước tiên. Những người gần gũi với một nhân viên tiêu cực có nhiều khả năng cũng trở nên như vậy.
Bạn cần sắp xếp lại bàn làm việc, phân công lại các dự án hoặc hạn chế họp chung. Bạn cũng có thể cho phép nhân viên chống đối làm việc tại nhà, tránh để họ tác động đến đồng nghiệp xung quanh.
Không quá áp lực
Việc thay đổi tính cách của một người cần nhiều thời gian và sức lực. Khi phải đối mặt với một nhân viên độc hại, bạn không nên quá áp lực và tập trung vào người này mà quên đi những nhiệm vụ công việc khác.
Để chống lại sự tiêu cực, bạn hãy đảm bảo rằng mình vẫn đang phát triển và xung quanh vẫn còn nhiều người tích cực, luôn hỗ trợ mình.