Thứ tư, 24/04/2024

Những tác động tới nền kinh tế Nhật Bản khi vật giá tăng cao

30/07/2022 1:00 PM (GMT+7)

Theo báo Asahi của Nhật Bản, giá hàng hóa thực phẩm đang đồng loạt tăng giá tại Nhật Bản và gây ra những bất an về cuộc sống cũng như triển vọng phát triển trong tương lai.


Những tác động tới nền kinh tế Nhật Bản khi vật giá tăng cao - Ảnh 1.

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Báo cáo của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này trong tháng 6/2022 đã 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp chỉ số này tăng, và là tháng có mức tăng cao nhất trong khoảng 7 năm qua.

Nếu loại bỏ năng lượng và các mặt hàng tươi sống, CPI của Nhật Bản chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy năng lượng là một trong những mặt hàng có tác động lớn tới lạm phát hiện nay ở Nhật Bản.

 

Giá năng lượng tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá điện tăng 18%, giá dầu hỏa tăng 23,4%, còn giá xăng tăng 12,2% và giá khí đốt tăng 21,9%.

 

Trước đây, Nhật Bản đã từng ghi nhận thời kỳ vật giá tăng mạnh, trong đó có nhóm hàng thực phẩm. Cụ thể là cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970, giá hàng hóa tại Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng kỷ lục 20% và cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1990, tỷ lệ tăng giá cũng đạt hơn 3%.

 

Tỷ lệ lạm phát trong cuộc khủng hoảng hiện nay đang ở mức 2% và triển vọng trong năm tới sẽ dừng ở mức 1% khi các quốc gia ở châu Âu và Mỹ thắt chặt tài chính và cung cầu dần về mức cân bằng giúp lạm phát trở nên ổn định.

 

Có thể thấy, so với các cuộc khủng hoảng trước đây, tỷ lệ lạm phát lần này không quá lớn. Tuy nhiên, những người tiêu dùng Nhật Bản đã quen với thời kỳ giảm phát trong thời gian dài sẽ cảm thấy giật mình và bất an lớn đối với việc vật giá gia tăng như hiện nay. Kéo theo đó là xu hướng tiêu dùng giảm xuống, đặc biệt là những người ở độ tuổi dưới 40, chiếm khoảng một nửa dân số Nhật Bản, và chưa từng trải qua thời kỳ vật giá tăng cao như vậy.

 

Một trong những điểm quan trọng khác đó là mức tăng tiền lương không theo kịp đà tăng của vật giá, khiến chi tiêu hộ gia đình bị ảnh hưởng lớn khi giá hàng hóa tăng lên. Bên cạnh đó, tiền lương hưu vốn đã không theo kịp đà tăng vật giá trước đây, cộng thêm mức tăng giá mạnh mẽ như hiện nay, sẽ làm cuộc sống của những người cao tuổi trở nên khó khăn hơn.

 

Giá cả mặt hàng thực phẩm gia tăng như hiện nay xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do yếu tố mất cân bằng giữa cung và cầu khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi sau thời kỳ COVID-19, trong khi sản lượng sản xuất bị giảm sút do mất mùa, xung đột quân sự Nga-Ukraine và giá nhập khẩu tăng do đồng yen yếu.

 

Trong giai đoạn những năm 1985, Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp về miễn giảm thuế giúp giá cả các mặt hàng lương thực giảm mạnh. Tuy nhiên, kể từ năm 2000, giá các mặt hàng lương thực đã bắt đầu tăng nhanh hơn so với các mặt hàng khác.

 

Lý do là mức thu nhập tại các quốc gia đang phát triển tăng lên và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng lương thực của thế giới cũng tăng nhanh chóng. Trong giai đoạn hiện nay, nếu Nhật Bản đảm bảo gia tăng thu nhập cho người lao động, ảnh hưởng của vật giá gia tăng đối với chi tiêu gia đình sẽ được giảm xuống. Tuy nhiên, khi mức tiền lương không tăng, động lực chi tiêu nhóm mặt hàng lương thực, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi tiêu gia đình sẽ bị ảnh hưởng lớn.

 

Có thể thấy, xu hướng tăng giá như hiện nay chính là thời điểm quan trọng để dự báo Nhật Bản có thể duy trì được sự sung túc vốn đã xây dựng được đến thời điểm này hay không. Vật giá gia tăng kéo theo doanh thu của các doanh nghiệp cũng tăng lên và tiền công cho người lao động cũng cần tăng lên. Nếu không thực hiện vòng tuần hoàn này, vị thế của Nhật Bản trên thế giới có khả năng sẽ bị giảm sút.

 

Nếu có thể tận dụng được xu hướng tăng giá thực phẩm, Nhật Bản có thể thúc đẩy phong trào giảm lãng phí thực phẩm vốn là vấn đề xã hội được đề cập nhiều trong những năm gần đây. Những thử nghiệm sử dụng công nghệ thông tin (AI) để bán hàng nhằm tránh tình trạng lãng phí đang bắt đầu được tiến hành và có thể kỳ vọng và sự phát triển của các dịch vụ này.

 

Khi nhu cầu tiêu thụ thế giới gia tăng, cộng với yếu tố đồng yen giảm giá khiến giá lương thực nhập khẩu từ nước ngoài tăng lên, Nhật Bản sẽ có động lực để thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước, triển khai chính sách nhằm nâng cao tỷ lệ tự cung tự cấp. Trước đây, cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã tạo ra thời kỳ thúc đẩy năng lượng và cuộc khủng hoảng lần này có thể là cơ hội tốt để Nhật Bản tạo ra xu hướng kinh tế và tiêu dùng mới trong tương lai.
Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Vì sao tỉ giá chưa hạ nhiệt dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bán USD can thiệp?

Vì sao tỉ giá chưa hạ nhiệt dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bán USD can thiệp?

Giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lập đỉnh mới sau thông tin Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán ngoại tệ can thiệp thị trường từ 19-4

Động thái lạ của đơn vị chế biến khi giá cà phê tăng phi mã

Động thái lạ của đơn vị chế biến khi giá cà phê tăng phi mã

Giá cà phê nhân đã thiết lập kỷ lục mới khi đạt mức hơn 123.000 đồng/kg. Nguyên liệu tăng giá nhưng qua khảo sát, các sản phẩm chế biến sâu phục vụ khách hàng vẫn “nằm im’.

Ế khách thuê xe tự lái chơi lễ

Ế khách thuê xe tự lái chơi lễ

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày được xem là cơ hội cho các ứng dụng (app) cho thuê xe tự lái "hốt bạc". Song thực tế, đến thời điểm này, số lượng khách đặt thuê xe mới đạt khoảng 20%, thấp hơn mức 50% trong dịp lễ này năm ngoái.

Diễn biến bất ngờ của tỷ giá sau khi Ngân hàng Nhà nước bán USD can thiệp

Diễn biến bất ngờ của tỷ giá sau khi Ngân hàng Nhà nước bán USD can thiệp

Dù Ngân hàng Nhà nước bán USD can thiệp thị trường, giá USD trên thị trường tự do sáng nay (20/4) vẫn tiếp tục tăng, trong khi giá USD ở các ngân hàng cũng duy trì quanh vùng đỉnh.

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã "rã đông" nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi tâm lý nhà đầu tư chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh. Xếp hạng tín dụng được xem là một giải pháp tăng niềm tin đầu tư, nâng bền vững thị trường.

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam còn rất lớn, các doanh nghiệp dẫn đầu đang vẽ lại bức tranh thị trường