Số liệu của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố với tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa kỳ vọng. Với kết quả khả quan này đã thúc đẩy GDP 9 tháng tăng tới 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.

 

Tăng trưởng GDP đến từ đâu?

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý III năm nay tăng cao do cùng kỳ năm ngoái là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trước đó, vào năm 2021, GDP quý III tăng trưởng âm 6,17%. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Các hoạt động sản xuất phục hồi ấn tượng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bình luận về kết quả GDP quý III của Việt Nam, ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Ngân hàng HSBC, nói rằng đây là một điểm sáng nếu nhìn vào bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khó khi Mỹ và nhiều nước khác đang phải đối mặt với lạm phát cao, khu vực châu Âu đối diện với giá năng lượng cao nên nhu cầu tiêu dùng thấp. Hay thị trường bất động sản ở Trung Quốc đang rất ảm đạm và chính sách kiểm soát "zero COVID-19" của nước này tác động tới thị trường… "Việt Nam cũng chịu tác động đáng kể nhưng các bạn có khả năng phục hồi rất kiên cường. Chúng tôi có đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, dù bức tranh kém sáng sủa ở Mỹ, EU. Việt Nam vẫn sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2023 và những năm tiếp theo" - ông Frederic Neumann nói.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt xa dự báo là một tin rất tốt và tin rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt được mức tăng trưởng 7% trong năm nay. Quý IV có thể gặp khó khăn nhưng nhìn chung, triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay có thể tăng trưởng khoảng 7%. Năm 2023, tình hình có thể khó khăn hơn nữa nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nếu so với những nền kinh tế khác trên thế giới, "vì kinh tế của các bạn rất bền bỉ", hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng GDP trên 6% trong những năm tới. "Với nguồn cung lao động chất lượng cao và giá cả phải chăng của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hoạt động sản xuất sang đây. Sản xuất phục vụ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là 2 yếu tố đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tính đến năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam chiếm 19% GDP, tăng đáng kể so với mức dưới 1% của năm 2010. Thực tế, thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện đã vượt qua Malaysia và Thái Lan" - Chủ tịch EuroCham nói.

Ứng phó với rủi ro khu vực tài chính

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 10-2022 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt 7,2% trên cơ sở nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ và các hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc. Đây là mức tăng dẫn đầu khu vực (các quốc gia đang phát triển khu vực được dự báo là 5,3%, Trung Quốc là 2,8%).

Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro suy thoái ngày càng lớn liên quan đến sự suy giảm kinh tế của các đối tác thương mại chính, lạm phát toàn cầu và rủi ro tài chính gia tăng. Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hòa giữa nhu cầu duy trì chính sách hỗ trợ để củng cố sự phục hồi, trong bối cảnh môi trường toàn cầu suy yếu và phải kiểm soát lạm phát, các rủi ro tài chính đang nổi lên.

Trong đó, sức ép tăng tỉ giá USD/VNĐ là một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt thời gian qua. Ông Alain Cany nhận định đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới, tạo sức ép lên VNĐ. Tuy vậy, nếu so sánh với các đồng tiền khác, VNĐ vẫn là một trong những đồng tiền mạnh nhất thế giới. "Nhưng nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, tình hình xung đột Nga - Ukraine vẫn leo thang, Việt Nam nên lường trước khả năng VNĐ có thể mất giá hơn nữa. Dù vậy, VNĐ còn mạnh hơn nếu so với những đồng tiền của các quốc gia trong khu vực ASEAN và cả châu Á" - ông Alain Cany nói. 

Về khó khăn trong chuỗi cung ứng có thể tiếp diễn thời gian tới, các DN lớn tại Việt Nam khẳng định vẫn có khả năng xoay xở. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, nhìn nhận thách thức liên quan đến chuỗi cung ứng hiện diện khắp nơi nhưng với khả năng ổn định của nền kinh tế Việt Nam trên nhiều ngành khác nhau, phần nào DN vượt qua được khó khăn. Như hiện ở Unilever Việt Nam, với 80% nguyên liệu nhập khẩu, DN sẽ bị ảnh hưởng nhất định nhưng việc mở rộng chuỗi cung ứng và tăng tỉ lệ nội địa hóa sẽ góp phần giải quyết vấn đề này. Đặc biệt, nếu giải được bài toán về giảm chi phí logistics sẽ hỗ trợ rất lớn cho DN và nền kinh tế.

Theo Người Lao động