Chị bạn đồng nghiệp tôi kể, con gái út của chị đang du học ở Mỹ vừa mới về Việt Nam để ăn Tết Nguyên đán cùng gia đình.
Chị bảo với tôi là vừa về tới nhà chưa kịp nghỉ ngơi sau chuyến bay dài, cháu lao ngay ra tiệm phở gần chung cư để ăn tô phở nóng vì quá thèm tô phở Sài Gòn nơi quê nhà.
Cháu nói ở bên Mỹ cũng có phở Việt do người Việt mình bán nhưng giá hơi mắc và dường như khi ăn cảm giác tô phở “thiêu thiếu” thứ gì đó chứ không ngon như khi thưởng thức và ăn phở ở Sài Gòn. Chị bảo về cả tuần là hầu như ngày nào cháu cũng đi ăn phở cho… đã thèm.
Nghe chị kể chuyện con gái xa quê đi du học thèm thuồng bát phở Sài Gòn khiến cho tôi nhớ lại những ngày đầu tiên chập chững vào Sài Gòn học đại học. Và cũng là lần đầu tiên tôi được thưởng thức bát phở nóng hổi, thơm ngon đặc trưng của Sài Gòn.
Hồi đó nhà tôi ở quê Quảng Ngãi còn nhiều nghèo khó. Thường thì những bữa ăn sáng đến trường của mấy anh em tôi chỉ là những bát cháo trắng má nấu ăn với đường hoặc với mắm cái. "Sang" lắm là gói xôi hay ổ bánh mì kẹp thịt.
Có thể nói phở là món ăn "xa xỉ" đối với "con nhà nghèo" như mấy anh em tôi. Phở được mặc định chỉ có con nhà khá giả mới được ăn phở. Muốn ăn phở phải đạp xe đạp ra tận ngoài thị xã mua về chứ ở trong thôn quê toàn nhà nghèo có ai bán phở mà ăn.
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp “tú tài” (Tốt nghiệp PTTH bây giờ) anh Ba dẫn tôi vào Sài Gòn để thi vào trường đại học Luật TP.HCM. Mẹ tôi gói ghém được hơn hai trăm nghìn đưa cho anh Ba làm lộ phí với lời dặn dò giữ tiền cẩn thận kẻo bị kẻ gian lấy cắp. Hai anh em nhớ chi tiêu tiết kiệm.
Tôi còn nhớ, sau khi thi xong anh Ba mượn chiếc xe đạp "cà tàng" của người quen để chở tôi dạo một vòng cho biết thành phố vì đây cũng là lần đầu tiên anh Ba và tôi vào Sài Gòn. Anh Ba cười hiền nói với tôi đi cho biết Sài Gòn chứ để sau này "không còn có cơ hội" vào lại Sài Gòn nữa.
Sau mấy tiếng đồng hồ đạp xe lòng vòng thành phố, trên đường chở tôi về lại nhà người quen, anh Ba hỏi tôi thích ăn gì để anh dẫn tôi đi ăn, coi như là để thưởng vì tôi làm bài tốt trong kỳ thi. Tôi không do dự nói liền: "Anh Ba cho em ăn thử món phở Sài Gòn coi nó ra sao chứ vì hồi nào giờ em chưa được ăn phở". Anh Ba "rưng rưng" nhéo tai tôi gật gù đồng ý rồi nói thêm: "Anh Ba cũng chưa được ăn phở lần nào".
Quán phở là một căn nhà cấp 4 nằm bên trong con hẻm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh, gần bến xe Miền Đông cũ lúc đó. Quán khá đông khách. Điều làm tôi ấn tượng là nồi nước lèo to đùng luôn bốc khói nghi ngút bên cạnh cái tủ kính là những thớ nạm bò treo lủng lẳng.
Anh Ba gọi 2 tô phở tái nạm. Thú thật, ngồi chờ tới lượt, mùi thơm ngào ngạt của nồi nước lèo bốc khói làm tôi thèm thuồng, muốn nhanh chóng được thưởng thức tô phở bò Sài Gòn.
Mấy phút sau, hai tô phở bò "tái nạm" được bưng lên. Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn tô phở có nhiều thịt bò và rau hành như thế. Anh Ba "bắt chước" gọi thêm một đĩa giá trụng khi nghe thấy bàn kế bên vừa gọi. Bỏ thêm giá trụng vào tô, lặt mấy cọng rau quế, ngò gai, rau húng, rau ôm bỏ vào tô phở, vắt thêm miếng chanh, cho thêm tương ớt... tôi cầm đũa bắt đầu thưởng thức bát phở Sài Gòn mà lần đầu tiên được thưởng thức.
Vị thơm ngọt của nước lèo hầm xương, vị ngon ngọt và béo ngậy của miếng thịt nạm bò cùng mùi thơm của các loại rau như "đánh thức" vị giác của một “đứa nhà quê” chính cống lần đầu tiên được thưởng thức phở Sài Gòn. Tôi xì xụp, nói với anh Ba: "Phở Sài Gòn ngon thiệt anh Ba ha". Anh Ba tôi cũng gật gù rồi phán: "Phở Sài Gòn ngon thiệt".
Chưa đầy mươi phút tô phở đã cạn trơ bánh và nước. Cảm giác ăn vẫn chưa đã thèm, tôi muốn nói với anh Ba là cho tôi ăn thêm bát nữa nhưng vì số tiền lộ phí đi thi đại học má đưa cho anh Ba có hạn, tôi đành “gác” nỗi thèm thuồng vào trong lòng. Ngồi sau xe đạp anh Ba chở về lại nhà, mùi vị của bát phở Sài Gòn cứ "vương vấn" và làm tôi "xao xuyến" mãi. Tôi chính thức yêu bát phở Sài Gòn từ dạo đó.
Những năm tháng học đại học tại làng đại học ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, tôi cũng có nhiều lần được thưởng thức, ăn phở Sài Gòn mỗi sáng trước khi lên giảng đường. Tôi nhớ, hồi đó ngay khúc cua dẫn vào phòng trọ có quán phở nhỏ của cô Hồng, quê cô ở tận Ninh Thuận. Phở cô nấu rất thơm ngon và rẻ, một tô phở cô bán cho sinh viên cũng chất lượng, cũng có đầy đủ bò viên, nạm bò cùng rau xanh giá chỉ vài ba nghìn đồng vì cô hiểu và rất thương bọn sinh viên nghèo khó ham học như tôi.
Biết hoàn cảnh tôi còn nghèo khó nên tô phở cô bán cho tôi có nhiều bánh phở và nhiều thịt bò hơn người khác. Thường thì những buổi sáng không có tiết học sớm tôi tranh thủ ra quán để phụ giúp cô bưng bê và để có cơ hội được ăn phở miễn phí…
Tôi tốt nghiệp ra trường và chọn Sài Gòn là quê hương thứ 2 của mình để lập nghiệp và gắn bó lâu dài. Tôi hứa với lòng mình có dịp tôi sẽ gọi điện cho anh Ba vào Sài Gòn chơi một chuyến và lần này chính tôi sẽ dẫn anh Ba dạo dạo Sài Gòn và chở anh trên chiếc xe máy và đưa anh đi ăn bát phở Sài Gòn cho đã thèm. Tôi biết anh Ba thích thưởng thức bát phở Sài Gòn.
Thế nhưng dự định chưa hoàn thành thì tôi nhận "hung tin" từ quê nhà, má gọi vào với giọng thảng thốt, nghẹn ngào. Anh Ba tôi qua đời sau một cơn đau tim đột ngột. Anh qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ vừa tuổi 35. Tôi đau buồn và biết rằng kế hoạch và những dự định của mình cũng như sẽ đưa anh Ba đi ăn bát phở Sài Gòn sẽ mãi mãi không bao giờ thực hiện được nữa.
Có lẽ, với riêng tôi, giờ đây bát phở Sài Gòn không chỉ là một món ăn thuần túy, một món ăn thân thương, thường xuyên mỗi ngày của tôi. Bát phở Sài Gòn còn chan chứa những kỷ niệm thật đẹp, những ký ức của lần đầu tiên được thưởng thức, ăn phở không thể nào mờ phai quên lãng của một đời người.
Phở Sài Gòn còn là bát phở của tình thương và nỗi nhớ, day dứt như khắc sâu từ trong tâm khảm và từ tận đáy lòng. Phở Sài Gòn còn là sự sẻ chia đầy ấm áp trong những ngày đầu tiên tôi mới chập chững vào Sài Gòn.
Dự luật cấm thịt chó tại Hàn Quốc nhận sự ủng hộ của đa số người dân, nhưng lại bị nhóm tiểu thương buôn bán thịt từ chó, mèo phản ứng căng thẳng.
Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Ninh Thuận và Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an. Đặc biệt, cộng đồng người Chăm này vừa đón nhận bảo vật quốc gia.
Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam vừa công bố chương trình hợp tác năm 2024 trong khuôn khổ Đề án "Biến tấu vạn nguyên liệu, nấu triệu món Việt" với chuỗi hoạt động mới mẻ nhằm thúc đẩy du lịch và văn hóa ẩm thực Việt.
Trung bình mỗi tháng, ngành du lịch TP.HCM thu khoảng 15.600 tỷ đồng. Đây cũng là địa phương dẫn đầu doanh thu du lịch cả nước. Điều gì khiến TP.HCM luôn đạt thành tích ấn tượng này?
Đà Lạt vẫn được biết đến với những món lẩu nổi tiếng như lẩu gà lá é, lẩu hoa atiso, lẩu gầu bò, thế nhưng còn một món lẩu nữa cũng được người dân Đà Lạt yêu thích và lựa chọn trong nhiều bữa tiệc, đó là lẩu cá tầm.
Mỗi độ thu về, có một người bỗng nhớ Hà Nội, quê ngoại yêu dấu của mình da diết. Mới đấy đã bốn mươi năm. Thuở ấu thơ, cô không bao giờ quên những lần về quê theo chân ông ngoại ra phố chơi, sà vào gánh hàng rong lạ lẫm, thưởng thức món cốm Vòng hương thơm ngọt dịu, thanh tao.