Ông Trịnh Quang Dũng, ở quận 3, TP.HCM, cho biết cả tuần qua ông kiếm thợ sơn lại căn nhà vẫn chưa được. Tiệm sơn nước cũng liên hệ giúp thợ quen biết nhưng người thì về quê, người bận làm nhà khác nên không rảnh để nhận thêm việc.

Trong khi đó, ông Ngô Thanh Rạng, ở TP Thủ Đức, chọn giải pháp làm mới nhà bằng giấy dán tường nhưng cửa hàng báo giá công dán tường tăng gần đôi so với ngày thường, lý do vì thời điểm cận Tết thiếu người nên phải tăng tiền công mới tìm được thợ.

 

Sửa chữa nhà ăn Tết, thứ gì cũng tăng! - Ảnh 1.

Chủ nhà cần tính toán có nên sửa chữa nhà cận Tết

Thông tin từ những dịch vụ sửa chữa nhà, dịp Tết năm nay nhu cầu sửa chữa tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng do dịch bệnh lực lượng lao động phổ thông giảm đáng kể so với những năm trước đó vì nhiều người về quê tránh dịch đến nay vẫn chưa lên lại.

Cũng vì thiếu hụt nên giá nhân công theo đó được đẩy lên rất cao. Thông thường, giá thợ chính khoảng 800.000 đồng/ngày, thợ phụ 400.000-500.000 đồng. Thời điểm này được đẩy giá lên gấp đôi cũng khó tìm được thợ. Giá dịch vụ sửa chữa trọn gói tăng khoảng 50% so với ngày thường.

Không chỉ có giá nhân công tăng chóng mặt mà giá cả hầu hết các loại vật tư đều tăng đáng kể. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, giám đốc một công ty chuyên xây dựng, sửa chữa nhà dân dụng tại TP.HCM, cho biết vật liệu xây dựng năm qua có đến 2, 3 lần tăng giá, với mức tăng từ 10%-40% như gạch men từ 200.000 đồng tăng lên 240.000 đồng/m2; tấm nhựa giả gỗ lót sàn, từ 145.000 đồng lên 185.000 đồng/m2; sàn gỗ công nghiệp từ 300.000 đồng/m2 lên 350.000 đồng; gạch xây từ 1.100 đồng tăng lên 1.300 đồng/viên; xi măng từ 78.000-80.000 đồng/bao 50kg, tăng lên 90.000 đồng/bao 50kg; sơn nước từ 1,2 triệu đồng tăng lên 1,3 triệu đồng/thùng; cát 400.000 đồng, tăng lên 450.000 đồng/xe (chỉ hơn ½ m3); sắt thép tăng giá gần 50%.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây dựng Tỉ Lệ Vàng, khuyến cáo nếu chưa thật sự cần thiết thì không nên sửa chữa nhà cửa vào thời điểm này. Nguyên do, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, khi sửa chữa nhà dẫn đến tiếp xúc nhiều người, nguy cơ lây nhiễm cao. Chưa kể, thời gian gấp gáp dễ dẫn đến tình trạng làm ẩu, không đạt chất lượng cũng như thẩm mỹ. "Cái gì còn sử dụng được thì không nên sửa chữa vào lúc này mà chỉ nên sửa những gì thật sự cần thiết như chống thấm, rò rỉ nước hoặc hệ thống chiếu sáng có trục trặc, vách tường, trần nhà bị bong trốc..." - ông Châu gợi ý.