Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 26/12 tăng 50.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã tăng giảm trở lại 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,10 – 66,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ tăng 6,3 USD lên mức 1.798,5 USD/ounce. Giá vàng nghỉ giao dịch phiên châu Á.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,33 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.626 đồng/USD, giảm 5 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.480 – 23.800 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co quanh 16.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng này cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,07 USD (+2,67%), lên 79,56 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,94 USD (+3,63%), lên 83,92 USD/thùng.
VN-Index mất hơn 35 điểm
Tâm lý bên cầm hàng trở nên mất kiên nhẫn từ sớm khi đà giảm gần như liên tục và không có nhịp hồi rõ nét nào.
Chỉ số VN-Index lùi sâu dưới mốc 1.010 điểm cùng thanh khoản tiếp tục giảm mạnh về dưới mốc tâm lý trong phiên chiều, thậm chí, trong đợt khớp ATC, áp lực bán tháo đã diễn ra trên diện rộng khiến cả trăm mã nằm sàn và VN-Index lao dốc mạnh, bốc hơi hơn 35 điểm về mốc 985 điểm khi đóng cửa.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 15,44 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 475,52 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 26/12: VN-Index giảm 35,13 điểm (-3,44%), xuống 985,21 điểm; HNX-Index giảm 6,8 điểm (-3,31%), xuống 198,5 điểm; UPCoM-Index giảm 1,31 điểm (-1,84%), xuống 69,71 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall nhích nhẹ trong phiên thứ Sáu (23/12), nhưng nhìn chung, tâm lý giới đầu tư vẫn đang lo ngại về suy thoái kinh tế.
Các chỉ số chính biến động vào đầu phiên sau khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi, một thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng nóng hơn một chút so với dự báo. Điều này cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng bất chấp những nỗ lực của Fed để giải quyết nó.
Trong tuần, Dow Jones tăng 0,9%, chỉ số S&P 500 0,2% và Nasdaq Composite giảm 2%.
Kết thúc phiên 23/12, chỉ số Dow Jones tăng 176,44 điểm (+0,53%), lên 33.203,93 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,43 điểm (+0,59%), lên 3.844,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 21,74 điểm (+0,21%), lên 10.497,86 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản nhích lên nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghệ lớn trong khi sự sụt giảm của các ngân hàng và công ty bảo hiểm đã hạn chế đà đi của thị trường.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,65% lên 26.405,87 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,24% lên 1.902,52 điểm.
Shuji Hosoi, Chiến lược gia cấp cao của Daiwa Securities, cho biết: “Dù cổ phiếu Nhật Bản tăng do chứng khoán Mỹ tăng vào cuối tuần trước, nhưng giao dịch rất trầm lắng với hầu hết những người tham gia ở Mỹ và châu Âu đi nghỉ lễ”.
Phiên này cổ phiếu lớn Fast Retailing, tăng 2%, Tokyo Electron tăng 2,22% và Daikin Industries tăng 1,39% đã đóng góp lớn cho Nikkei 225.
Thêm vào đó, giá dầu tăng đã đẩy chỉ số dầu mỏ tăng 2,5%, trở thành chỉ số tăng điểm hàng đầu trong số 33 chỉ số phụ trên sàn Tokyo.
Ở chiều ngược lại, lĩnh vực ngân hàng mất 1,35% sau khi tăng hơn 10% từ đầu tháng đến nay, do kỳ vọng lợi nhuận tốt hơn sau khi ngân hàng trung ương tuần trước cho phép tăng lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm lên 0,5%.
Theo đó, cổ phiếu tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui mất 2,21%, Resona Holdings giảm 2,75%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi các nhà đầu tư đã quen với thực tại số ca nhiễm Covid-19 tăng cao và đặt cược vào xu hướng tiêu dùng có khả năng phục hồi.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,65% lên 3.065,56 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,4% lên 3.843,49 điểm.
Các ca lây nhiễm Covid-19 gia tăng trên khắp Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với chính sách Zero COVID, chính sách đã khiến hàng trăm triệu công dân của họ bị phong tỏa không ngừng và tàn phá nền kinh tế.
Tỉnh Chiết Giang, một tỉnh công nghiệp lớn gần Thượng Hải, đang chiến đấu với khoảng một triệu ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày, con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong những ngày tới, chính quyền tỉnh cho biết hôm Chủ nhật.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đặt cược rằng tiêu dùng và dịch vụ sẽ phục hồi vào năm tới khi đất nước học cách sống chung với virus.
Chỉ số ngành du lịch theo đó đã tăng tới 4,3% để đạt mức cao nhất trong 20 tháng, trong khi chỉ số theo dõi cổ phiếu khách sạn và dịch vụ ăn uống tăng 3,1% lên mức cao nhất trong gần 7 năm.
Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch dịp Noel.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh và ghi nhận tuần giảm thứ sáu liên tiếp.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 43,04 điểm, tương đương 1,83% xuống 2.313,69 điểm. Trong tuần, chỉ số này mất 1,96%, tuần thứ sáu liên tiếp giảm.
Phiên này, cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,69% và SK Hynix mất 1,77%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 3,39%.
Kết thúc phiên 26/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 170,62 điểm (+0,65%), lên 26.405,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,70 điểm (+0,65%), lên 3.065,56 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 3,45 điểm (+0,15%), lên 2.317,14 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Nới room tín dụng vẫn khó vay
Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đã được Ngân hàng Nhà nước nới thêm 1,5 - 2%, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
- Nhà đầu tư lưỡng lự
Cả bên mua và bán đều có tâm lý lưỡng lự, nhưng trạng thái cân bằng bị phá vỡ khi chỉ số giảm dần. Mặc dù vậy, các tín hiệu thị trường không quá tiêu cực.
- Chọn cổ phiếu cho năm mới
Biến động thị trường đang thích hợp với chiến lược giao dịch dựa trên cổ phiếu có sẵn và tuần giao dịch cuối năm 2022 khó dự đoán, nhưng không còn sớm để nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu tiềm năng cho năm 2023.
- Chuỗi cung ứng bán lẻ Mỹ đã trở lại bình thường
Đại dịch Covid-19 có thể chưa biến mất, nhưng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã lắng dịu khi giá cước và năng lực vận tải, tồn kho bán lẻ đều đã được cải thiện.
Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.