Tổng cục Thuế mới đây đã công bố thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2022 cả nước đạt 166.733 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 138% dự toán, tức vượt thu tới 48.658 tỉ đồng. Trong 10 năm qua, số thu thuế TNCN đã tăng gấp 3,6 lần, đạt mức kỷ lục vào năm 2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, thu nhập giảm, giá cả hàng hóa tăng, các chuyên gia chỉ ra rằng một số quy định về thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp, đơn cử là mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu.
Cần điều chỉnh sát thực tế
Trao đổi với phóng viên, ông Đồng Minh Hồng, Giám đốc Công ty Đại lý thuế và Tư vấn doanh nghiệp (DN) DVL, cho biết pháp luật quy định tiền lương, tiền thưởng, tiền công làm việc thời vụ… đều được tính vào tổng thu nhập. Sau đó, sẽ được trừ các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm các khoản phụ cấp tiền ăn, trang phục, điện thoại, tiền làm thêm giờ… để tính ra thu nhập chịu thuế, rồi trừ tiếp cho các khoản được giảm (giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng) để ra thu nhập tính thuế.
Theo đó, thu nhập tính thuế hằng tháng được tính theo 7 bậc. Cụ thể, thuế suất của thu nhập trên 5 triệu đồng là 5%, trên 5 triệu đến 10 triệu đồng là 10%, trên 10 triệu đến 18 triệu đồng là 15%, trên 18 triệu đến 32 triệu đồng là 20%, trên 32 triệu đến 52 triệu đồng là 25%, trên 52 triệu đến 80 triệu đồng là 30% và trên 80 triệu đồng là 35%.
Riêng cá nhân làm việc theo thời vụ được chủ DN khấu trừ 10% thuế TNCN, pháp luật quy định DN đó phải cung cấp chứng từ thu nhập và giấy xác nhận khấu trừ thuế TNCN để người lao động quyết toán với cơ quan thuế. Trường hợp DN không cung cấp nghĩa là có dấu hiệu gian lận về thuế, người lao động có thể gửi đơn tố cáo DN lên cơ quan thuế. Tuy vậy, theo ông Đồng Minh Hồng, dù có hay không thực hiện quyết toán thuế hằng năm, người lao động vẫn phải yêu cầu bên chi trả thu nhập cung cấp giấy xác nhận khấu trừ thuế TNCN, để khi cơ quan thuế phát hiện việc nộp thuế TNCN chưa đầy đủ thì người lao động có chứng từ chứng minh.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoàng Nam, Giám đốc Công ty Tư vấn Thuế VINASC, hiện nay, kinh tế thế giới và trong nước đều khó khăn, tình hình lạm phát, vật giá tăng cao, mức sống của người dân và vật giá ở từng vùng khác nhau, mức lương tối thiểu vùng cũng đã được nhà nước tăng lên, việc cố định giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là chưa sát thực tiễn.
Ông Nam cho rằng các mức giảm trừ này cần điều chỉnh theo con số thực tế của mỗi cá nhân chi trả như: tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí… Hiện nay, ngành thuế đã áp dụng thành công việc xuất hóa đơn điện tử nên việc thu thập, xác minh chứng từ thanh toán của người nộp thuế là không khó. Khi đó, người nộp thuế sẽ có ý thức yêu cầu người bán hàng xuất hóa đơn để chứng minh chi phí, giảm thiểu được tình trạng bên bán hàng không xuất hóa đơn nhằm trốn thuế.
"Ngoài ra, hạn mức của các khoản được miễn thuế nên được nâng lên để phù hợp với tình hình lạm phát từng thời kỳ. Ví dụ, với mức phụ cấp tiền ăn trưa, tiền ăn giữa ca chi trả bằng tiền mặt được miễn thuế cố định tại 730.000 đồng/người/tháng thì chất lượng bữa ăn rất kém. Như vậy, người nộp thuế không thể tái tạo sức lao động, tiếp tục tạo ra giá trị gia tăng, của cải cho xã hội, đồng thời đóng thuế cho nhà nước nhiều hơn" - ông Phạm Hoàng Nam đề xuất.
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng, các chuyên gia chỉ ra một số quy định về thuế thu nhập cá nhân hiện nay không còn phù hợp, đơn cử là mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu. Ảnh: TẤN THẠNH
Đã đến lúc sửa luật
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, thành viên Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP HCM, cho rằng đã đến lúc cần sửa đổi Luật Thuế TNCN bởi có nhiều quy định lỗi thời, gây thiệt thòi cho nhiều đối tượng nộp thuế. Theo ông Nghĩa, pháp luật về thuế TNCN ở các nước có nền kinh tế phát triển như Đức, Mỹ, Thụy Sĩ… cho phép người nộp thuế được khấu trừ thuế từ các chi phí phát sinh theo định mức để tồn tại và phát triển bản thân, bao gồm: chi phí ăn, ở, học hành, chữa bệnh, đào tạo nâng cao kiến thức…. Đây được xem là thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng về thuế. Trong khi tại Việt Nam, do công tác thống kê và quản lý thu nhập chưa hoàn thiện nên pháp luật tính chung mức giảm trừ gia cảnh của mọi người cố định như nhau - một con số cố định cho mọi người cư trú ở các vùng miền khác nhau với chi phí sinh hoạt hoàn toàn khác nhau.
Vì thế, ông Nghĩa góp ý Luật Thuế TNCN nên chấp nhận các chi phí hợp lý liên quan thu nhập tính thuế. Cụ thể, quy định hạn mức chi tiêu được khấu trừ và yêu cầu cá nhân cung cấp chứng từ hợp pháp. Trong đó, nên xem xét cho khấu trừ một số khoản mục chi phí tiền thuê nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo; tiền đào tạo nghiệp vụ của bản thân và tiền học của con cái (yêu cầu chứng chỉ); tiền lãi vay mua nhà ở duy nhất và một phương tiện đi lại; viện phí và chi phí chữa bệnh hiểm nghèo đối với bản thân, vợ/chồng và người phụ thuộc.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, ông Nguyễn Văn Được, cho biết pháp luật quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng tăng 20% thì Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả. Đây chính là điểm chưa hợp lý trong sắc thuế TNCN, cần phải điều chỉnh theo hướng giao cho Chính phủ quyết định thay đổi mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đến một giới hạn nào đó, đồng thời xem xét việc tính mức giảm trừ gia cảnh theo chi phí thực tế của người nộp thuế.
Thiếu công bằng?
Luật sư Lương Văn Trung, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC, cho rằng Luật Thuế TNCN đang có một số quy định thiếu công bằng. Ví dụ, người có thu nhập từ trúng thưởng xổ số trên 10 triệu đồng đến hàng trăm tỉ đồng (xổ số Vietlott) chỉ nộp thuế 10%. Trong khi đó, người có thu nhập trên 80 triệu đồng từ tiền công, tiền lương, tiền làm thêm... lại nộp thuế với thuế suất tới 35%. Mặt khác, các cá nhân là cha, mẹ, anh, chị, em ruột được cho, tặng tài sản (chủ yếu là nhà, đất) lại được miễn thuế cũng thiếu bình đẳng xã hội về nghĩa vụ nộp thuế. "Thế nên, nhà nước có thể tham khảo Luật Thuế TNCN liên quan đến trúng thưởng, thừa kế, tặng, cho tài sản ở nhiều quốc gia để đưa ra mức thuế suất hợp lý nhằm bảo đảm công bằng cho các đối tượng nộp thuế" - luật sư Lương Văn Trung khuyến nghị.
Theo Người Lao Động
Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả bia và rượu ở mức 65% từ 1/1/2018, được xem là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, có khả năng thuế này sẽ tăng nữa.
Giám đốc phân tích tại BSC lưu ý: Các chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá cho các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó có VNĐ. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc các kịch bản thận trọng hơn.
Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra quá kịch tính. Màu xanh [của đảng Dân Chủ] và màu đỏ (của đảng Cộng Hòa) thi nhau nhảy lên nhảy xuống ở 7 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Bắc Carolina.
Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ
Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?
Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?