Trái cây nhập khẩu vẫn không ngừng được quảng bá một cách bài bản, bày bán dày đặc trên kệ hàng các siêu thị nhằm thâm nhập sâu thị trường Việt. Trong khi đó, dù xuất khẩu đang có đà tăng trưởng tốt, nhưng thách thức lớn cho ngành hàng trái cây Việt là liệu có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm ngoại ngay trên “sân nhà” khi chất lượng và tiêu chuẩn còn khá mông lung?
Quan sát buổi họp báo quảng bá sản phẩm nho tươi Australia tại một khách sạn 5 sao ở TP.HCM vào ngày 23/3 mới thấy sự sắp xếp khá bài bản ở thành phần tham gia, bao gồm đầu bếp nổi tiếng chế biến tại chỗ món ngon từ nho, các KOL (người có sức ảnh hưởng), cùng những người sành sỏi về tiếp thị (marketing) trong cơ quan thương mại và đầu tư của Australia.
Bà Rebecca Ball, Phó tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM, cho biết Việt Nam là thị trường nhập khẩu (NK) các sản phẩm nông nghiệp, lâm sản, thủy sản lớn thứ 7 của Australia. Thời gian qua, Australia đã xuất khẩu (XK) rất nhiều loại trái cây tươi ngon như nho, đào, xuân đào, cam, quýt, táo…sang Việt Nam và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Riêng với trái nho, theo bà Ball, trong số 42 quốc gia trên thế giới NK nho Australia thì Việt Nam đang là một trong những thị trường phát triển rất nhanh và là quốc gia NK chủ lực.
Phó tổng Lãnh sự nhấn mạnh đến lợi thế của trái nho Australia là hàm lượng dinh dưỡng cao. Ngành công nghiệp nho tại Australia cam kết đem đến loại trái cây hảo hạng đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Hiệp hội Nho Australia đã và đang áp dụng nhãn dán kèm mã QR giúp cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc hành trình từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Ngoài ra, sản phẩm nho Australia luôn đảm bảo sản phẩm được bảo quản ở nhiệt độ thấp xuyên suốt trong quá trình từ sau khi thu hoạch đến khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng ở Việt Nam thông qua đường hàng không (khoảng 48h) hoặc đường biển (khoảng 16 ngày) nhằm giữ nguyên độ tươi, giòn và chất lượng tốt nhất.
Không chỉ vậy, sản phẩm trái cây ngoại này đang được bày bán rộng rãi tại các chuỗi siêu thị và các cửa hàng trái cây NK ở Tp.HCM. Các nhà cung cấp trái cây Australia vào thị trường Việt là những “bậc thầy” về quảng bá thương hiệu và thâm nhập thị trường bán lẻ hiện đại.
Bên cạnh việc quảng bá trái nho, từ đầu năm 2023 đến nay, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia đã đẩy mạnh việc quảng bá tăng nhận diện với người tiêu dùng Việt qua các kênh siêu thị, cũng như mở rộng phân phối trên các nền tảng thương mại điện tử để người tiêu dùng Việt dễ dàng tiếp cận với trái cây NK chính ngạch từ Australia.
Trái cây Australia có lợi thế lớn để thâm nhập sâu thị trường Việt khi Australia và Việt Nam là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm Hiệp định ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Cùng với nguồn trái cây từ Australia, giới chuyên gia cho rằng khi Việt Nam đang tham gia 17 FTA thì thuế NK nhiều loại trái cây về mức rất thấp, thậm chí 0% nên trái cây NK chính ngạch về Việt Nam càng nhiều, giá ngày càng rẻ. Vì vậy, với ngành trái cây của Việt Nam, ngoài việc chú trọng XK thì việc cạnh tranh trên “sân nhà” với các đối thủ ngoại cũng là cả thách thức không nhỏ.
Trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng một khi thị trường nước ngoài mở cửa cho một số loại trái cây Việt xuất chính ngạch thì trên “sân nhà”, chúng ta cũng phải mở cửa tương tự như vậy.
Quan trọng là ngành trái cây Việt phải cạnh tranh sòng phẳng. Theo ông Nguyên, "nếu như những loại trái cây ngoại nhập được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng hơn thì cũng phải chịu thôi".
Hiện nay chưa có số liệu cập nhập mới nhất về NK rau quả, còn số liệu tháng 1/2023 là 175 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Cả năm ngoái, giá trị NK mặt hàng rau quả của Việt Nam đạt tới 2,08 tỷ USD, tăng 40,3% so với năm 2021. Trong đó, 3 thị trường cung cấp rau quả NK lớn nhất cho Việt Nam là Trung Quốc (chiếm tỷ trọng 41,3%), Mỹ (17,2%) và Australia (7,6%). So với năm 2021, giá trị NK rau quả năm 2022 từ Trung Quốc tăng 85,8%, Mỹ tăng 15,6% và Úc tăng 16,5%.
Còn về XK, theo số liệu mới đây từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2023, trị giá XK hàng rau quả của Việt Nam đạt 564,95 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, XK hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 56,7% tổng trị giá XK hàng rau quả.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng XK rau quả, các DN XK cần chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường NK.
Trong khi XK đang đòi hỏi cao về tiêu chuẩn thì việc tiêu thụ ngay trên “sân nhà” của ngành rau quả Việt phải đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng như thế nào vẫn còn khá mông lung. Điều đáng nói, với ngành hàng trái cây Việt, những loại trái nào XK được đều mang lại giá trị tương đối cao. Còn nếu không xuất được, một số loại trái cây sẽ phải tiêu thụ chật vật ở thị trường trong nước và chấp nhận cạnh tranh gay gắt với rau quả NK.
Vấn đề là trái cây nội địa tiêu thụ trên “sân nhà” lâu nay thường có chất lượng không cao, hình thức không đẹp mắt như khi XK nên thường bán với giá thấp, sức cạnh tranh cũng thấp. Còn trái cây ngoại có hình thức đẹp, chất lượng tươi ngon, nên dù giá cả có nhỉnh hơn nhiều vẫn được người tiêu dùng Việt chấp nhận.
Về việc cạnh tranh ở thị trường trái cây trên “sân nhà”, một chủ doanh nghiệp vốn có bề dày XK trái cây cho rằng không hề dễ dàng khi mà người tiêu dùng đang có xu hướng ưa chuộng trái cây ngoại. Cho nên, bản thân DN trong quá trình xuất trái cây sang các thị trường như Mỹ, EU, Australia cũng tìm cách nhập trái cây về để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Có thể nói, để cạnh tranh sòng phẳng với trái cây ngoại trong lúc này, chất lượng, tiêu chuẩn của trái cây Việt khi tiêu thụ nội địa phải ngang bằng khi XK. Và quan trọng là không được lơi là khâu tuyên truyền, quảng bá, làm sao để người tiêu dùng trong nước hiểu được chất lượng, sản phẩm trái cây Việt, có niềm tin tiêu thụ trái cây Việt.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.
Nhiều tiệm vàng ở TP.HCM có diễn biến khá lạ vào hôm nay. Trong khi giá vàng miếng SJC tại các “ông lớn” giữ nguyên so với hôm qua thì có tiệm vàng quyết định tăng rất mạnh giá mua vào để "gom" hàng.