Trong phiên giao dịch ngày 12/1 trên sàn New York, giá vàng giao ngay đã tăng vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuối tháng 4 năm ngoái, rồi điều chỉnh về 1.887,7 USD/ounce. Như vậy, so với phiên liền trước, giá mỗi ounce vàng đã tăng 9,4 USD.
Giá kim loại quý tăng vọt do đồng USD và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc. Diễn biến này xảy ra sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nền kinh tế số 1 thế giới vừa ghi nhận mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ đầu đại dịch.
Sau báo cáo, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - có lúc rớt một mạch xuống dưới mốc 102,4 điểm, rồi phục hồi phần nào lên 102,8 điểm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022.
USD suy yếu giúp các đồng tiền tệ khác hưởng lợi. Euro hiện giao dịch ở mức 1,079 USD đổi 1 EUR, cao nhất kể từ tháng 4/2022, trong khi tỷ giá GBP/USD tăng lên 1,214.
Đà suy yếu của đồng bạc xanh cũng thúc đẩy các thị trường hàng hóa như dầu, vàng và bạc. Theo Trading Economics, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã tăng 1,38% so với ngày trước đó lên 83,83 USD/thùng. Còn giá bạc tăng 1,42%.
Theo báo cáo, trong tháng 12/2022, CPI tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm. Trong đó, giá xăng và giá xe đã qua sử dụng - hai trong số những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát - đều lao dốc.
"Lạm phát đang được kiểm soát nhanh chóng. Rõ ràng, nó vẫn cao một cách khó chịu, nhưng đã đi đúng hướng", ông Mark Zandi - chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's Analytics - nhận định.
Đà giảm của lạm phát sẽ cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhẹ tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong một năm qua, các đợt tăng lãi suất liên tiếp của ngân hàng trung ương Mỹ đã đẩy sức mạnh đồng bạc xanh tăng vọt.
Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 3/2022 để kìm hãm lạm phát. Năm ngoái, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất tổng cộng 425 điểm cơ bản, đưa lãi suất điều hành lên 4,25-4,5%.
"Phố Wall đang phán đoán rằng Fed sẽ hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất và bắt đầu cắt giảm vào cuối năm nay", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing.
"Giới đầu tư hy vọng về một cú tiếp đất nhẹ nhàng trong năm nay", ông nói thêm.
Trên thị trường kỳ hạn, các nhà giao dịch tiếp tục đặt cược rằng Fed chỉ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo. Chỉ 20% nhà đầu tư dự đoán Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
Việc Fed đưa ra chính sách "ôn hòa" hơn có thể hỗ trợ thị trường vàng. Bởi kim loại quý sẽ trở nên kém hấp dẫn khi lãi suất tăng cao, vốn làm tăng chi phí cơ hội của vàng.
Một số chuyên gia dự báo giá vàng sẽ vượt ngưỡng kỷ lục trong năm nay. Năm ngoái, giá mặt hàng này đã vọt lên mức kỷ lục hơn 2.000 USD/ounce vào đầu tháng 3, sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, rồi quay đầu giảm mạnh.
Giá vàng hiện chỉ còn cách ngưỡng kỷ lục hơn 100 USD/ounce. Trong khi đó, tính đến nay, kim loại quý chỉ mất nửa tháng để đạt được mức tăng này.
Theo ông Eric Strand - quản lý tại AuAg ESG Gold Mining ETF - giá kim loại quý có thể tăng vượt ngưỡng 2.100 USD/ounce và bắt đầu một thị "trường tăng trưởng mới".
"Chúng tôi tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ chuyển hướng trong việc tăng lãi suất và trở nên ôn hòa hơn vào năm nay. Điều này sẽ giúp thị trường vàng bùng nổ trong nhiều năm tới", ông dự báo.
Ông cho rằng giá vàng sẽ tăng ít nhất 20% trong năm nay.