Tại hội thảo trực tuyến Chiến lược phục hồi chuỗi cung ứng công nghiệp nội thất Việt Nam diễn ra mới đây, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thông báo những con số khá ấn tượng. Theo đó, trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,98 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tuy số liệu xuất khẩu trong tháng 9 chưa khởi sắc nhưng so với những khó khăn do đại dịch gây nên, thành tích và nỗ lực của ngành chế biến gỗ Việt Nam là rất đáng ghi nhận. Đây là kết quả của sự chuẩn bị chu đáo, chủ động và quyết tâm của các doanh nghiệp trong ngành, quyết tâm không bị bó buộc bởi hoàn cảnh.
Hiện nay, nhu cầu đặt hàng của các đối tác ở các quốc gia tăng cao do đang bước vào mùa mua sắm cuối năm. Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát cũng là lúc các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang lên kế hoạch phục hồi và cập nhật tình hình, chia sẻ thông tin về năng lực cung ứng của doanh nghiệp trong nước đến các thị trường quốc tế.
Bà Bùi Thanh An, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho biết, mặc dù có những khó khăn do làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 nhưng với ngành công nghiệp nội thất, cơ hội cho doanh nghiệp Việt đang rộng mở do các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan đều tăng ở mức khoảng 50% so với cùng kỳ.
Số liệu ghi nhận từ Bộ Công Thương cho thấy, nếu tính cả nhóm hàng nội, ngoại thất và trang trí mỹ nghệ, Việt Nam đã xuất khẩu được 10 tỷ USD trong nửa đầu 2021 và tăng 70% so với cùng kỳ 2020. “Thực tế ghi nhận hoạt động của ngành trong 2 năm trở lại đây, khi dịch bệnh bắt đầu đến nay cho thấy, doanh nghiệp nội thất Việt Nam có khả năng chống chịu rất tốt. Hoạt động hỗ trợ, định hướng của các tổ chức ngành nghề cũng rất tích cực”, bà Bùi Thanh An chia sẻ thêm.
Khả năng chống chịu và phục hồi của Việt Nam sau đại dịch cũng được các đối tác, khách hàng và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Ông Benjamin Petlock, Tùy viên Cao cấp Nông nghiệp – Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết, thị trường Mỹ đón nhận rất tích cực sản phẩm nội thất Việt Nam. Mối quan hệ thông thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó cung ứng nguyên liệu gỗ hợp pháp và cung ứng sản phẩm nội thất chất lượng cao ngày càng phát triển trong những năm gần đây. “Ở cả hai phía, thị trường nhập khẩu lẫn xuất khẩu đều lớn và có khả năng mở rộng trong thời gian tới”, ông Benjamin Petlock nhận xét.
Theo Tùy viên Cao cấp của Đại sứ quán Hoa Kỳ, ảnh hưởng từ dịch bệnh đang gây nên những xáo trộn nhất định cho chuỗi cung ứng toàn cầu, từ việc giá vận chuyển đến việc tăng giá nguyên liệu. Tuy nhiên, ông Benjamin Petlock tin rằng chuỗi cung ứng sẽ nhanh chóng thiết lập lại được trật tự của nó, khi mà các quốc gia đã nhận thức và có chiến lược sống chung với COVID-19 rõ ràng hơn.
Đồng quan điểm, đại diện các doanh nghiệp quốc tế lớn của Việt Nam như H.Nicolas & Co, KODA… cũng đã khẳng định niềm tin vào sự phục hồi của chuỗi cung ứng cũng như sự phục hồi của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Dù có khó khăn nhưng cơ hội cho công nghiệp nội thất Việt Nam vẫn đang rộng mở. Bản thân các doanh nghiệp cũng nhận thức được cơ hội lớn ấy nên đã không ngừng tìm kiếm phương án thích nghi với điều kiện mới, từ việc giữ chân người lao động, tìm kiếm ổn định nguồn cung nguyên liệu đến cả việc ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để giảm thiểu phụ thuộc nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm…
“Cộng thêm các chính sách cởi mở và hỗ trợ từ phía các cơ quan ban ngành, sự ủng hộ, đồng hành của các Hiệp hội trong cả nước, tôi tin ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi, lấy lại phong độ, tiếp tục trở thành mũi nhọn phát triển của kinh tế cả nước”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ Tịch Viforest khẳng định.
Tháng 11, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, giá điện và giá nhà thuê là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng tăng lên.
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 18 thuộc Cục QLTT TP.HCM liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc ở huyện Hóc Môn. Đặc biệt, đã chuyển 1 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu cho cảnh sát để điều tra.
Các lò giết mổ công nghiệp tại TP.HCM vẫn "ế" khách dù chi phí đầu tư cao và thành phố đã chấm dứt hoạt động giết mổ thủ công từ ngày 1/4/2023.
Không khí mua sắm hiện nay phần nào phản ánh nỗi lo lớn của doanh nghiệp về doanh số hàng Tết. Dự báo người Việt sẽ chi tiêu dè dặt và tiết kiệm hơn cho Tết 2025.
Việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử (TMĐT) tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Năm 2025 sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kết thúc vào ngày 30/11/2024, cạnh tranh trên thị trường ô tô Việt Nam sẽ càng gay gắt hơn.