Thách thức lớn cho xuất khẩu rau quả có thể đang nằm ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong mảng chế biến. Đặc biệt là khi họ chưa thể vượt qua được những điểm yếu nội tại do nguồn lực hạn chế, thiếu đầu tư chế biến sâu, không đa dạng thị trường…, và nỗi lo nhất chính là chấp nhận an phận với “sức ì” thay vì phải thay đổi để tốt hơn.
Khi được hỏi tình hình xuất khẩu (XK) của doanh nghiệp (DN) từ đầu năm đến nay như thế nào, ông Lâm, giám đốc một công ty thuộc dạng nhỏ và vừa chuyên chế biến trái cây sấy ở Tp. Thuận An (tỉnh Bình Dương), than phiền không mấy khả quan và đang tính chuyện sẽ chuyển đổi sang ngành nghề khác.
Không sản phẩm mới làm sao cạnh tranh?
Theo ông Lâm, công ty có hai thị trường XK chính yếu là Trung Quốc và Campuchia. Tuy nhiên, do Trung Quốc kéo dài chính sách “Zero Covid” nên XK gặp khó, còn với thị trường Campuchia thì "tàm tạm".
Vị giám đốc này cũng tỏ ra bi quan cho rằng ngành hàng trái cây sấy đã qua thời đỉnh cao, ở hai thị trường quen thuộc mà công ty thường xuất sang mỗi năm mỗi giảm nhu cầu tiêu thụ.
Thế nhưng, khi phóng viên hỏi rằng trong thời gian gần đây, công ty có chế biến sản phẩm mới hay áp dụng công mới nào hay không nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường XK, thì ông Lâm thú nhận là không có.
“Đó cũng cái dở của công ty chúng tôi, mặc dù biết trên thị trường trái cây sấy hiện giờ có rất nhiều sản phẩm mới từ nhiều DN tham gia vào thị trường này để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới”, ông Lâm chia sẻ.
Có thể thấy, đây là điểm yếu chung của nhiều DN nội địa thuộc dạng nhỏ và vừa trong ngành hàng chế biến trái cây khi họ không thể vượt qua được “sức ì” nội tại, cộng với nguồn lực hạn chế, thiếu đầu tư cho công nghệ chế biến sâu.
Hoặc như tình trạng XK dừa gặp khó trong thời gian gần đây cũng được lý giải là do thiếu năng lực chế biến sâu nên tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế không cao. Trong khi đó, phần lớn các sản phẩm dừa XK vẫn thuộc nhóm hàng dừa tươi và sản phẩm sơ chế.
Không chỉ vậy, xu hướng tiêu dùng sản phẩm dừa trên thế giới đang thay đổi theo hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ. Trong khi đó, vùng nguyên liệu dừa hữu cơ để phục vụ cho các nhà máy chế biến còn rất khiêm tốn.
Như ở Bến Tre, diện tích dừa hữu cơ hiện chỉ chiếm có 19,8% tổng diện tích dừa. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn dừa hữu cơ để phục vụ chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường XK. Và do thiếu nguồn nguyên liệu như vậy dẫn đến giá thành chế biến sản phẩm dừa hữu cơ sẽ tăng cao, đánh mất lợi thế cạnh tranh.
Bàn về chuyện này tại Diễn đàn trực tuyến về đa dạng hoá rau quả chế biến tổ chức ngày 7/7, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh xu hướng tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều, nhất là sau đại dịch Covid-19. Chẳng hạn như nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc thực vật được “tinh” hơn, chất lượng hơn, linh hoạt hơn, đa dạng hơn, đa dụng hơn và giá trị cao hơn.
Bắt buộc phải thay đổi
Theo ông Toản, do vậy, thời gian gần đây có những công nghệ mới như sấy đông khô của CTCP Vinamit. Hoặc những DN mới tham gia thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp với các sản phẩm mới rất đặc thù, rất nhẹ, rất “tinh”... nhưng giá trị rất cao. Đây là xu hướng mà các DN đang thay đổi. Và xu hướng thay đổi buộc DN phải có công nghệ nhằm đáp ứng sự thay đổi đó.
Còn theo PGs.Ts Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), với các DN có quy mô nhỏ và vừa trong ngành hàng chế biến rau quả thì công nghệ dù có hiện đại nhưng quy mô phải phù hợp.
Ông Tuấn cho biết sản lượng rau quả của Việt Nam hiện đã đạt 31 triệu tấn/năm, nhưng qua một báo cáo sơ bộ gần đây cho thấy tỷ lệ chế biến đạt được khoảng 18%, nhưng thực tế có thể chỉ đạt 12 - 13%. Không chỉ vậy, ở trong nước chỉ tiêu thụ khoảng 6,39 triệu tấn/năm, lượng rau quả dư thừa còn lại rất cần đáp ứng được nhu cầu XK và chế biến để bảo quản lâu dài hơn.
Số liệu thống kê cho thấy ở Việt Nam hiện có 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ và 150 nhà máy có dây chuyền, công nghệ hiện đại. Tuy vậy, ngành chế biến mới chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% sản lượng rau quả mỗi năm.
Còn thực tế đến nay, hơn 76% rau quả XK chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao với khoảng 20%.
Cũng theo PGs.Ts Phạm Anh Tuấn, trong hoạt động chế biến rau quả thì 40% là sản phẩm đóng lon, 36% là sản phẩm đông lạnh, 10% là sấy khô, 14% còn lại là nước ép và các loại nguyên liệu.
“Để đáp ứng nhu cầu thị trường về đa dạng hoá sản phẩm chế biến đòi hỏi cần nâng cao tỷ lệ chế biến ở khối DN vừa và nhỏ cùng các hợp tác xã (HTX)”, ông Tuấn nói.
Trở lại câu chuyện ở công ty trái cây sấy của ông Lâm ở Bình Dương, điều hạn chế có thể thấy rõ chính là sự thụt lùi so với xu hướng của thị trường khi mà DN này có “sức ì” quá nặng, chậm thay đổi ở khâu chế biến và thiếu đi tính đa dạng thị trường.
Điều này là khó tránh khỏi khi đây là hạn chế chung của nhiều DN nhỏ và vừa, cùng các HTX trong mảng chế biến rau quả khi vẫn còn chậm thay đổi. Nhất là khi xét về thách thức nội tại, phần lớn trong số này vẫn đang gặp khó về nguồn vốn phục vụ cho sản xuất chế biến, từ đó dẫn đến những khó khăn khác, từ mặt bằng sản xuất, công nghệ bảo quản, máy móc thiết bị… cho đến nguồn nhân lực.
Áp lực chi phí, thay đổi mô hình kinh doanh và sức ép cạnh tranh là những lý do chính khiến ngành cà phê phải "sang trang".
TP.HCM dành tới 22.000 tỷ đồng cho chương trình bình ổn thị trường năm 2024 và cung ứng hàng hóa Tết Ất Tỵ 2025, nhiều mặt hàng giảm giá sâu.
Cục thi hành án dân sự TP.HCM phối hợp với Viện Kiểm Sát, Công ty TNHH thời trang Nón Sơn cùng các ban ngành tiến hành giám sát việc tiêu hủy số lượng lớn nón Sơn giả nhãn hiệu ước tính khoảng 40 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Các sản phẩm trên thị trường quà tặng Giáng sinh 2024 như đồ trang trí, thiệp, cây thông nhỏ để bàn… đang bán chạy. Khách tấp nập ra vào các cửa hàng, nhà sách, siêu thị để mua quà tặng Giáng sinh, nhiều mặt hàng hết sớm.
Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP.HCM vừa ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Cục Hàng không yêu cầu triển khai các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu để ra vi phạm.