Trong đoạn video giới thiệu cho bộ phim Barbie, khi bước ra khỏi đôi giày cao gót màu hồng lấp lánh, diễn viên Margot Robbie vẫn giữ nguyên tư thế đứng bằng mũi chân - một chi tiết điện ảnh khiến nhiều khán giả ấn tượng vì rất giống búp bê Barbie.
“Tôi cần biết mọi thứ về cảnh quay này: Đoàn làm phim đã quay bao nhiêu lần phải thành công? Liệu Robbie có cần phải bám vào đâu trong khi đứng như vậy hay không? Cô ấy có phải trói chân lại không? Ai đã tạo hình cho bộ móng chân đó? Riêng cảnh quay này thôi cũng đủ để thực hiện một bộ phim tài liệu”, người mẫu Chrissy Teigen hào hứng chia sẻ trên mạng xã hội.
Chi tiết bàn chân này ám chỉ đến thiết kế nữ tính phóng đại đã biến Barbie thành một biểu tượng văn hóa, Wall Street Journal đưa tin.
Khi tạo ra búp bê Barbie vào năm 1959, mục đích của Ruth Handler là mang đến cho các cô gái trẻ một hình mẫu trưởng thành về sự nữ tính đáng mơ ước. Một phần trong hình mẫu đó là bàn chân nhọn, được thiết kế chỉ để đi giày cao gót.
Năm 2018, kiểu dáng bàn chân này thậm chí từng tạo nên một trào lưu trên mạng xã hội, truyền cảm hứng cho những người nổi tiếng như Kourtney Kardashian, Jasmine Tookes và Shay Mitchell tạo dáng trong các bài đăng Instagram của họ.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định rất khó để một người có thể đứng giống như búp bê bằng nhựa.
“Đứng trên mũi chân không phải điều dễ dàng đạt được”, Priya Parthasarathy, bác sĩ chuyên khoa bàn chân và là người phát ngôn của Hiệp hội Y khoa Bàn chân Mỹ, cho biết.
Với các vũ công chuyên nghiệp, đứng theo tư thế của Barbie có thể dễ dàng hơn một chút. Họ phải tập luyện nhiều giờ mỗi ngày, vài ngày mỗi tuần, nhờ đó cơ bắp đủ khỏe để chịu trọng lượng cơ thể trên đầu ngón chân.
Thế nhưng, Melissa Barak, Giám đốc nghệ thuật của Los Angeles Ballet, cho biết ngay cả những vũ công giàu kinh nghiệm nhất cũng sẽ vất vả khi dành vài giờ chỉ đứng trên đầu ngón chân.
Theo những bác sĩ chuyên khoa bàn chân, việc liên tục giữ bàn chân theo hình vòng cung có thể khiến các cơ ở bắp chân co lại, sau đó gây đau đớn khi đưa gót chân chạm đất trở lại. Việc dồn trọng lượng lên mũi chân trong thời gian dài cũng gây tổn hại cho toàn bộ cơ thể, đặc biệt nhóm cơ lõi, hông và đầu gối.
“Búp bê Barbie rất đặc biệt. Cô ấy có thể đi giày cao gót mọi lúc. Nhưng con người chỉ có thể làm được một lúc thôi”, Ebonie Vincent, bác sĩ chuyên khoa chân ở bang California (Mỹ), chia sẻ.
Từ lâu, búp bê Barbie từng phải đối mặt với những lời chỉ trích vì quảng bá hình ảnh cơ thể không thực tế cho trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé gái, với vòng eo siêu nhỏ và vòng một lớn.
Cho tới khi doanh số bán hàng giảm do sự thiếu đa dạng và sản xuất kiểu rập khuôn theo tiêu chuẩn vẻ đẹp da trắng, Mattel mới phát hành các Barbie đa dạng hơn.
Năm 2015, hãng tung ra dòng Fashionista Barbie, một bộ sưu tập liên tục mở rộng với nhiều tông màu da và cấu trúc khuôn mặt. Dòng búp bê này cũng có thể điều chỉnh bàn chân. Năm 2016, thương hiệu này công bố 3 kiểu cơ thể mới cho dòng búp bê trứ danh. 3 năm sau, họ có thêm Barbie ngồi xe lăn.
Richard Dickson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Mattel, cho biết những thay đổi này được thực hiện nhằm giữ cho Barbie phù hợp với văn hóa đại chúng và mang tính đại diện hơn cho thế giới xung quanh.