Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 10 km, bản Giang Mỗ (nay là xóm Mỗ), xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, là điểm đến đầy hấp dẫn, thu hút rất đông đảo du khách trong nước và nước ngoài. Vẻ đẹp của phong cảnh núi non, của những ngôi nhà sàn đơn sơ khiến du khách mỗi khi đặt chân đến Giang Mỗ đều cảm nhận được cuộc sống thanh bình, ấm áp đây là nơi sinh sống của một nhóm cư dân đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình, hệ thống phong tục tập quán được bà con ý thức lưu giữ, đặc biệt, hơn 100 ngôi nhà sàn truyền thống còn được lưu giữ khá nguyên vẹn…
Bản Giang Mỗ nằm quanh thung lũng và dưới chân núi Mỗ, xung quanh bản là màu xanh của nương lúa và núi rừng Hòa Bình. Giang Mỗ là bản của 140 hộ dân đồng bào dân tộc Mường sinh sống với những ngôi nhà sàn gỗ vẫn giữ vẻ nguyên sơ phủ màu thời gian, những vườn cây ăn trái trĩu quả.
Đi trên con đường uốn lượn dọc triền núi xung quanh bản, du khách có thể cảm nhận được cuộc sống bình yên nơi núi rừng và có dịp tìm hiểu những phong tục, tập quán cùng đời sống thường nhật của người dân bản Mường.
Đến thăm gia nhà ông Đinh Thế Khương, xóm Mỗ 2 cho biết: “Du khách trong nước và nước ngoài đến với Giang Mỗ vì bản làng vẫn lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn những nét truyền thống đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc. Bản Giang Mỗ có 140 hộ nhưng chia ra làm nhiều cụm và cụm tham gia làm du lịch khoảng 46 hộ. Bản Giang Mỗ chúng tôi đã đón khách du lịch đến thăm quan từ rất lâu rồi. Từ những năm 1979-1980, khi xây Thủy điện Hòa Bình thì các chuyên gia Liên Xô cứ cuối tuần là đến bản nghỉ ngơi và tham quan. Nhà tôi đã làm du lịch từ năm 1997 và đến năm 2001 thì thêm dịch vụ ăn uống phục vụ du khách. Vào mùa cao điểm, có những ngày chúng tôi đón 300-400 lượt khách quốc tế”.
Bà Nguyễn Thị Yến, xóm Mỗ chia sẻ: “Không chỉ được khám phá những nét văn hóa đặc sắc, du khách đến Giang Mỗ còn được thưởng thức những món ăn do chính người dân làm ra. Những món ăn là sản vật của núi rừng hoặc bằng nguyên liệu tự trồng trọt, chăn nuôi được như xôi nếp nương, xôi cẩm, thịt lợn, thịt trâu nấu lá lồm, gà, măng đắng, cá suối, rượu cần… Tất cả các món ăn chủ nhà bày biện khéo léo trên những những tàu lá chuối xanh thể hiện nét đẹp trong văn hóa ẩm thực xa xưa của dân tộc Mường. Cùng với ẩm thực, chúng tôi cũng giới thiệu đến du khách các tiết mục văn nghệ, trong đó có nhiều điệu múa của người Mường cùng giàn hòa tấu cồng chiêng gồm 12 cái chiêng đến du khách”.
Điểm nổi bật tạo nên sức hút cho bản Giang Mỗ là những ngôi nhà sàn cổ hình con rùa (nhà rùa) của đồng bào Mường. Nhà sàn gắn liền với phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của dân bản Mường, được dựng ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận khí trời và thuận tiện cho việc săn bắn, hái lượm. Nhà có 3 tầng, trong đó tầng (gác) trên cùng để lương thực và đồ dùng gia đình; tầng giữa là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi; tầng dưới cùng hay còn gọi là gầm nhà sàn để các dụng cụ sản xuất và nhốt gia súc, gia cầm.
Một phần không thể thiếu và quan trọng nhất trong ngôi nhà sàn Mường chính là bếp. Bếp được coi là linh hồn của ngôi nhà sàn Mường, đây không chỉ là nơi chuẩn bị thức ăn mà còn là nơi diễn ra các hoạt động chính trong gia đình và cộng đồng. Bếp luôn được người Mường coi trọng và giữ gìn ngăn nắp, sạch sẽ. Khách đến nhà chơi cũng được gia chủ thân tình tiếp chuyện, mời cơm bên bếp lửa. Nhà sàn không chỉ là nơi các hoạt động cuộc sống hàng ngày diễn ra mà còn là nơi sinh hoạt văn hòa tín ngưỡng của cộng đồng Mường. Trong nếp nhà sàn, mọi người cùng quây quần bên nhau múa hát, tấu chiêng, tình cảm gia đình, chòm xóm thêm đoàn kết, gắn bó.
Trên những căn nhà sàn truyền thống, người Mường ở Giang Mỗ vẫn còn lưu giữ được nếp sinh hoạt và nhiều dụng cụ lao động sản xuất từ xa xưa được làm từ gỗ, tre, nứa như: khung dệt vải, cung tên, dụng cụ làm nương rẫy... Hằng ngày, đồng bào dân tộc nơi đây vẫn lên rừng khai khẩn đất hoang, trồng ngô, khoai sắn, hay xuống nương trồng và chăm sóc cây lúa. Phụ nữ Mường ở đây cũng rất giỏi đan lát, dệt vải, thêu và tự tay làm ra những sản phẩm thủ công truyền thống như mây tre đan, vải thổ cẩm để giới thiệu đến du khách…
Ông Đinh Văn Lân - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: “Trong công tác văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch trên địa bàn xã rất chú trọng phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội và sinh hoạt nhân dân. Tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện tốt công tác văn hóa thông tin phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.
“Trong đó, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đặc biệt, tại xóm du lịch cộng đồng bản Mường Giang Mỗ nằm trên địa bàn xã Bình Thanh đã gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Bản Giang Mỗ thuộc xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, trên tuyến đường từ thành phố Hòa Bình đi Thung Nai, trung tâm của khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Đây là nơi sinh sống của một nhóm cư dân đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình…”, ông Lân chia sẻ thêm.
Tách biệt với khói bụi, ồn ào của thành phố, vẻ đẹp lãng mạn của Giang Mỗ là nơi lý tưởng để du khách dừng chân. Đến thăm bản Giang Mỗ, du khách có thể kết hợp ghé thăm những địa điểm du lịch khác của tỉnh Hòa Bình như Bảo tàng không gian Văn hóa Mường, Khu du lịch Hồ Hòa Bình hoặc đến thăm những đồi cam chín vàng ở Thị trấn Cao Phong.