Đến Nepal lần đầu vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2016, chị Nguyễn Yến (sinh năm 1989) hầu như không biết gì về đất nước này ngoại trừ có dãy Himalaya và đỉnh núi cao nhất thế giới Everest.
Thời điểm đó, chị Yến đã đi du lịch bụi ở hầu hết quốc gia Đông Nam Á. Bởi vậy, chị muốn thử thách bản thân và mở rộng vùng an toàn.
“Mình luôn thích núi hơn là biển nhưng mới có cơ hội trekking đỉnh Fansipan vào năm 2013. Hơn nữa, mình còn tò mò muốn ngắm tuyết nên chọn Himalaya”, chị nhớ lại.
Trước chuyến đi, do bận rộn, sát ngày bay chị Yến mới có thời gian lên mạng tìm hiểu sơ qua về Nepal. Lúc đó, chị hồi hộp vì không biết đất nước này có nguy hiểm cho nữ giới đi du lịch một mình như Ấn Độ hay không.
Thế nhưng, mọi nghi ngại của chị Yến tan biến kể từ khi đặt chân đến sân bay Tribhuvan. Từ bản nhạc truyền thống được mở đến sự niềm nở của nhân viên tại sân bay đều khiến chị an lòng và lập tức có cảm tình.
Quê hương thứ hai
Trong chuyến thăm Nepal đầu tiên, chị Yến trekking một tuần ở vùng Langtang. Đây là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất lịch sử năm 2015. Khi đó, nơi này đã an toàn trở lại cho trekking nhưng khung cảnh làng mạc vẫn hoang tàn, còn nhiều tàn dư đổ nát.
Tuy vậy, chị Yến cảm động trước tinh thần lạc quan và mến khách của người dân. Họ sẵn sàng chung tay xây dựng lại cuộc sống từ con số 0.
Bên cạnh đó, chị choáng ngợp khi được tận mắt nhìn ngắm thiên nhiên hùng vĩ và trải nghiệm cái lạnh mùa đông có phần khắc nghiệt trên miền núi cao. Tất cả trở thành kỷ niệm khó phai với chị khi trở về.
Đầu tháng 6/2016, chị Yến xin nghỉ việc vì giành được học bổng và chuẩn bị nhập học chương trình thạc sĩ tại Ireland vào tháng 8. Chị nhân cơ hội này đến thăm Nepal một lần nữa.
Trong 2 tháng ở đây, chị Yến đi trekking nhiều hơn và dành hầu hết thời gian sống như dân bản xứ tại Kathmandu. Không người thân quen nhưng chị luôn cảm giác như ở nhà.
Sau khi hoàn tất việc học ở Ireland, dù có lời mời ở lại làm việc, chị Yến vẫn chọn rời châu Âu vì thấy không phù hợp. Chị về Việt Nam thăm gia đình, đi du lịch và dọn sang Nepal từ nửa cuối năm 2018.
Trước tiên, chị Yến bắt tay vào tìm công việc. Theo chị tìm hiểu, thị trường việc làm dành cho người nước ngoài tại Nepal khá hạn chế, xin giấy phép lao động cũng nhiều thủ tục phức tạp. Tuy nhiên, chị không có ý định làm công việc giờ hành chính nên chọn đi theo hướng tự do.
Ngoài ra, vấn đề cần lo là visa. Ban đầu, chị Yến ở theo dạng thị thực du lịch với thời gian lưu trú tối đa 5 tháng/năm. Hiện, chị có thị thực học sinh gia hạn theo từng năm vì theo khóa học tiếng Nepal. Nhờ biết ngôn ngữ, chị cảm thấy hòa nhập nhanh và dễ dàng hơn.
Gia đình chị Yến tin tưởng vào quyết định của con gái. Ngày chị thông báo sang Nepal sống, người thân chỉ đùa “xa thế ai sang thăm được”.
Chị Yến dự định 1-2 năm nữa sẽ đưa bố mẹ sang chơi và mời họ tham quan dãy Himalaya bằng trực thăng. Chị cũng hẹn đi trekking cùng 2 em trai trong năm tới.
Cuộc sống đơn giản
Chị Yến hiện sống tại Kathmandu - thành phố ở độ cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển, có 4 mùa, khí hậu dễ chịu quanh năm. Đây là điểm đến có nhiều giá trị về văn hóa, đặc biệt đối với người quan tâm tới âm nhạc và nghệ thuật nói chung.
Điểm trừ là đường phố khói bụi, cơ sở hạ tầng kém hơn so với nhiều thành phố ở các quốc gia khác mà chị từng sống. Tuy nhiên, nhờ ở cạnh vườn quốc gia Shivapuri, không khí trong lành và gần rừng cây, chị cảm thấy vẫn rất yên bình giữa lòng phố thị náo nhiệt.
Hiện tại, chị Yến làm freelancer mảng biên/phiên dịch và viết lách. Ngoài ra, thu nhập của chị cũng đến từ đầu tư.
Hàng tuần, chị Yến dẫn 2 chú chó cưng đi leo núi hoặc cắm trại quanh thung lũng Kathmandu. Nếu sắp xếp được, chị sẽ lên núi cao ở 10-15 ngày.
“Fluffy thuộc giống Siberian Husky còn Charlie là Golden Retriever. Mình xem chúng như con và cảm thấy có trách nhiệm hơn rất nhiều từ khi đón về nuôi. Chúng là bạn đồng hành tuyệt vời trong những chuyến trekking và cuộc sống của mình. Mình lập kênh video để lưu lại kỷ niệm về hành trình phiêu lưu và về với thiên nhiên”, chị chia sẻ.
Ở thành phố, chị Yến chăm chỉ học tiếng Nepal. Kỹ năng nói của chị khá tốt nhờ siêng luyện tập trong giao tiếp hàng ngày.
Cuối tuần, chị Yến thường cùng nhóm bạn thân người Nepal rủ nhau khám phá địa điểm mới hoặc tụ tập nấu nướng, chơi board game. Chị cũng đang học chơi keyboard và ukulele.
Bên cạnh đó, chị Yến còn dành thời gian cho sở thích làm vườn. Hiện chị trồng một số loại sen đá, rau thơm đem từ Việt Nam sang.
Về nhà cửa, chị Yến không có ý định mua mà chỉ đi thuê. Chị thừa nhận bản thân theo chủ nghĩa tối giản, từ ăn uống đến nhu cầu vật chất.
“Mình đang lên kế hoạch sửa sang lại chiếc xe jeep cũ, điều chỉnh lại không gian bên trong để thoải mái nhất cho Fluffy và Charlie, thêm phần lều trên nóc để có thể cùng nhau đi được nhiều nơi hơn nữa”, chị nói.
Với chị Yến, Nepal là quốc gia còn nghèo về kinh tế nhưng giàu về tinh thần. Chị kể dù ngày thường hay cuối tuần, ở khu vực quảng trường trong thành phố, mọi người sẽ thấy nhiều nhóm bạn trẻ tụ tập đàn hát cho nhau nghe những bài hát dân ca. Họ tự hào và yêu giá trị truyền thống của đất nước.
Ở Nepal, cuối tuần chỉ có thứ 7. Vào chủ nhật, các cơ quan, trường học mở cửa và mọi người đi học, làm việc bình thường.
Người dân dùng lịch riêng gọi là Vikram Samvat. Trên giấy tờ hay giao dịch hàng ngày, họ dùng song song hoặc nhiều khi chỉ ghi theo lịch này gây chút phiền phức cho người nước ngoài như chị Yến.
Theo lịch, mỗi tháng có tên gọi riêng và năm mới thường rơi vào tháng 4 dương lịch. Tuy nhiên, trái với tưởng tượng của chị, người Nepal lại ít ăn mừng dịp lễ này. Lễ lớn nhất trong năm là Dashain, kéo dài khoảng 10 ngày, rơi vào tháng 10-11 dương lịch. Đây mới là dịp gia đình, con cháu sum vầy, xúng xính quần áo đẹp đi chúc tụng nhau như Tết Âm lịch của Việt Nam.
Ngoài ra, ở Nepal, tôn giáo lớn nhất là đạo Hindu (80% dân số), sau đó là đạo Phật (10%). Theo đạo Hindu, bò là loài vật linh thiêng nên người dân không ăn thịt loài động vật này.
Người dân không có thói quen ăn sáng. Bữa ăn đầu tiên trong ngày của họ rơi vào khoảng 9-10h trước khi đi học, làm việc với khay cơm truyền thống gọi là Daal Bhat. Trong đó, Bhat là cơm trắng còn Daal là bát súp nấu từ các loại đậu. Thức ăn kèm khác gồm có cà ri (khoai tây hoặc loại thịt nào đó) và đồ chua. Bữa ăn tối cũng tương tự.
Vì có đến 126 dân tộc khác nhau, Nepal đa dạng về sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ. Tiếng Nepal vẫn phổ biến và được dùng rộng rãi nhất. Bên cạnh đó, giới trẻ đa phần nói tiếng Anh tốt và hiểu được tiếng Hindi do ảnh hưởng từ văn hóa, phim ảnh Ấn Độ. Họ cũng lái xe ở bên trái.
Sống ở Nepal gần 4 năm, nay chị Yến có nhiều kỷ niệm. Gần nhất, chị có chuyến thăm Upper Mustang, gần với biên giới Tây Tạng.
“Mình mạnh dạn chỉ dùng tiếng Nepal xem có ai nhận ra mình là người nước ngoài hay không. Kết quả, mọi người đều nghĩ rằng mình là người bản địa. Khi mình thú nhận đến từ Việt Nam, họ nằng nặc không tin và cho rằng ít nhất mình cũng phải có yếu tố Nepal nào đó như ba hoặc mẹ”, chị cười nói.
Theo chị Yến, việc chị nói được tiếng chỉ là một phần. Lý do chính đến từ tính đa sắc tộc của người Nepal khi có thể gặp dân tộc da trắng mũi cao như người châu Âu hoặc mang đặc điểm khuôn mặt như người Tây Tạng hay Đông Nam Á. Về phía nam vùng đồng bằng, người dân có nước da sẫm màu hơn và có đặc điểm giống với người Ấn Độ.
“Mình chưa bao giờ hối hận vì quyết định sang Nepal sống. Mỗi ngày, mình đều thấy biết ơn vì cuộc sống vì đang được ở đây và làm điều mình yêu thích”, chị chia sẻ.