Thứ bảy, 20/04/2024

Đô la Mỹ liên tục giảm giá – tín hiệu gì?

04/12/2022 5:00 AM (GMT+7)

Việc tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng giảm trở lại được đánh giá là tích cực, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh sức ép của thị trường ngoại hối thường gia tăng vào cuối năm, vì đây là giai đoạn cao điểm sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp rất lớn.


Đô la Mỹ liên tục giảm giá – tín hiệu gì?
 - Ảnh 1.

Trong tháng 11-2022, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm giá bán đô la Mỹ. Ảnh: LÊ VŨ

Cung cầu đã cân bằng?

Cuối tuần trước, ngày 25-11-2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một lần nữa điều chỉnh giảm giá bán đô la Mỹ thêm 10 đồng, đánh dấu lần thứ 3 thực hiện giảm trong tháng 11. Trước đó cơ quan này đã có hai lần điều chỉnh giảm vào ngày 11-11 và 18-11, với mỗi đợt cũng giảm 10 đồng. Theo đó, giá bán ra tại Sở Giao dịch NHNN hiện đã rớt về mức 24.850 đồng/đô la, nhưng vẫn đang tăng 1.700 đồng, tương đương hơn 7,3% so với đầu năm.

Song song đó, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng cũng liên tục được điều chỉnh giảm trong những ngày gần đây. Tính đến sáng đầu tuần này (28-11), tỷ giá trung tâm hiện niêm yết ở mức 23.667 đồng/đô la, tức đã giảm 28 đồng so với đầu tháng này, khá sát mức giảm giá bán ra đô la.

Động thái điều chỉnh giảm tỷ giá của NHNN diễn ra sau khi cơ quan này thực hiện hai đợt tăng mạnh lãi suất điều hành vào ngày 23-9 và 25-10, mỗi đợt tăng 1%/năm, mà theo giới phân tích thì có thể đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch ngược lại từ ngoại tệ sang tiền đồng để gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn.

Việc kiềm chế tỷ giá để hạn chế sức ép nhập khẩu lạm phát có lẽ là mục tiêu cần được quan tâm trong thời điểm hiện nay cũng như giai đoạn tới.

Mức điều chỉnh giảm mạnh hơn diễn ra trên thị trường phi chính thức, khi giá mua và bán đô la Mỹ tự do đã giảm lần lượt 260 đồng và 300 đồng kể từ đầu tháng 11 đến nay. Chênh lệch mua bán cũng thu hẹp chỉ còn 60 đồng, phản ánh cung cầu ngoại tệ dường như đang dần tìm lại được điểm cân bằng sau giai đoạn chịu áp lực liên tục trong quí 3 và đầu quí 4.

Theo đó, sau khi chạm mốc 25.500 đồng/đô la Mỹ vào giữa tháng 10, giá đô la trên thị trường tự do gần đây đã chính thức mất mốc 25.000 đồng/đô la ở cả hai chiều mua vào và bán ra. So với mức trần của NHNN, giá bán đô la tự do cũng chỉ còn cao hơn 130 đồng, giảm đáng kể so với mức hơn 500 đồng hồi đầu tháng.

Xu hướng đô la Mỹ liên tục đi xuống trở lại trên thị trường quốc tế cũng tạo điều kiện cho nhà điều hành ổn định lại thị trường ngoại hối trong nước. Chỉ số USD Index từ đỉnh cao hơn 113 điểm vào đầu tháng 11 xuống chỉ còn 105,5 điểm tính đến đầu tuần này, tức đã giảm hơn 6,6%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất của đồng tiền này trong 12 năm qua.

Theo biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới được công bố, phần lớn các thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) đã nhất trí rằng có khả năng sẽ sớm làm chậm tốc độ tăng lãi suất khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo đó, đô la Mỹ, vốn tăng mạnh trong năm nay nhờ chính sách tăng mạnh lãi suất của Fed, đang chịu áp lực đi xuống khi một số ý kiến cho rằng đồng tiền này khả năng đã tạo đỉnh gần đây.

Tín hiệu của nhà điều hành?

Việc tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng giảm trở lại được đánh giá là tích cực, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh sức ép của thị trường ngoại hối thường gia tăng vào cuối năm, vì đây là giai đoạn cao điểm sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp là rất lớn. Với nỗ lực ổn định tỷ giá từ đầu tháng tới nay, có lẽ nhà điều hành đang phát đi tín hiệu ưu tiên mục tiêu chống nhập khẩu thêm lạm phát.

Giai đoạn trước, tỷ giá biến động mạnh trước nhiều áp lực, song việc mất giá của tiền đồng cũng phần nào hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trong bối cảnh nhiều đồng tiền trong khu vực và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã mất giá đáng kể so với đô la Mỹ.

Nhưng trong thời điểm hiện nay, tình trạng thiếu đơn hàng lại đang diễn ra ở một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như dệt may, da giày, do ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc xung đột địa chính trị tại một số quốc gia như Nga và Ukraine; việc thắt chặt chi tiêu do lạm phát leo thang kéo theo lãi suất tăng cao ở Mỹ và châu Âu – những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Ngoài ra, như một số ý kiến đã chỉ ra, đặc thù xuất siêu của Việt Nam chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn nhóm doanh nghiệp nội địa vẫn chịu nhập siêu khá lớn và hoạt động phụ thuộc nhiều vào hàng hóa, nguyên nhiên liệu đầu vào nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, xu hướng tiền đồng mất giá mang lại nhiều lợi ích hơn cho các doanh nghiệp FDI, ngược lại làm gia tăng thêm áp lực nhập khẩu lạm phát trong tình hình hiện nay.

Dự báo của hầu hết tổ chức cho thấy, lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục ổn định và giữ vững dưới mục tiêu đã đặt ra, đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp kiểm soát dưới mốc 4%. Có được kết quả này là nhờ Việt Nam đủ khả năng chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm, xu hướng tăng giá nhiên liệu toàn cầu đã chững lại những tháng qua, cũng như khả năng duy trì ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, với độ trễ của nền kinh tế, áp lực lạm phát trong năm sau của Việt Nam sẽ rõ ràng hơn, nhất là khi các cơ quan quản lý cũng đang có kế hoạch tăng giá các dịch vụ hàng hóa mà Chính phủ đang điều tiết như điện, giáo dục, y tế, lương… Điều này có thể thấy qua con số mục tiêu lạm phát năm 2023 vừa được nâng lên mức 4,5%.

Ngoài nguy cơ lạm phát do chi phí đẩy, mà có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát nhập khẩu như đã nói, đặc biệt là nhập các mặt hàng xăng dầu, một yếu tố khác ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát trong năm sau là môi trường mặt bằng lãi suất cao. Chính vì vậy, việc kiềm chế tỷ giá để hạn chế sức ép nhập khẩu lạm phát có lẽ là mục tiêu cần được quan tâm trong thời điểm hiện nay cũng như giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, xu hướng đồng nội tệ suy yếu quá nhanh cũng sẽ không tốt cho nền kinh tế, khi đó càng gây áp lực lên mặt bằng lãi suất đồng nội tệ. Với việc NHNN đã có liên tiếp hai đợt tăng lãi suất điều hành gần đây, dư địa tăng lãi suất trong năm nay cũng như giai đoạn tới cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn, nếu không hoạt động của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái, điều mà những nền kinh tế phát triển đang phải trải qua.

Ngoài ra, chính sách tăng, giảm giá đô la Mỹ cũng là cách mà nhà điều hành thể hiện sự linh hoạt, nhằm tránh những rắc rối không đáng có như nguy cơ cáo buộc thao túng tiền tệ từ phía Mỹ. Gần đây, vào ngày 10-11-2022, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ. Không loại trừ khả năng nếu tỷ giá tiếp tục hạ nhiệt, NHNN có thể quay trở lại mua ròng ngoại tệ để bơm thêm tiền đồng nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống giai đoạn cuối năm.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng, lên mốc 77 triệu đồng/lượng

Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng, lên mốc 77 triệu đồng/lượng

Giá vàng nhẫn sáng nay (20/4) tăng mạnh theo đà tăng của giá thế giới, lên trên mốc 77 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC quay đầu giảm sau khi có thông tin đấu thầu vàng vào thứ Hai tuần tới.

Walmart và loạt đại gia bán lẻ ở Mexico, Venezuela đến Việt Nam săn hàng Việt

Walmart và loạt đại gia bán lẻ ở Mexico, Venezuela đến Việt Nam săn hàng Việt

Một loạt nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Mỹ la tinh cho biết sẽ đến Việt Nam tìm nhà cung cấp thuộc nhiều ngành hàng như thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng…

Giá dầu tăng, vàng cao kỷ lục, chứng khoán giảm sau khi Israel tấn công Iran

Giá dầu tăng, vàng cao kỷ lục, chứng khoán giảm sau khi Israel tấn công Iran

Giá dầu ở châu Á tăng hơn 3% hôm nay 19/4 sau khi có tin Israel mới không kích một căn cứ quân sự của Iran để trả đũa. Vụ đáp trả của Israel có thể đẩy Trung Đông lún sâu hơn vào xung đột.

Phát hiện chất cấm Sibutramin trong Detox Táo hỗ trợ giảm cân

Phát hiện chất cấm Sibutramin trong Detox Táo hỗ trợ giảm cân

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát thông tin kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân có chứa Sibutramin là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

TP.HCM tiếp tục siết quản lý hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

TP.HCM tiếp tục siết quản lý hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Giá USD ngân hàng tiếp tục lập đỉnh

Giá USD ngân hàng tiếp tục lập đỉnh

Giá USD tại các ngân hàng thương mại Việt Nam hôm nay tiếp tục tăng mạnh, có nhà băng đẩy giá bán lên mức đỉnh 25.348 đồng/USD, thiết lập đỉnh cao mới. Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước cũng nâng tỷ giá trung tâm.