Càng gần Tết, không khí mua bán tại Cửa hàng đặc sản ÐBSCL thêm tất bật. Nơi đây quy tụ hơn 300 loại đặc sản đến từ 13 tỉnh, thành trong vùng, trong đó có khoảng 200 sản phẩm được chứng nhận theo quy định Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Theo đó, khách hàng có thể tham khảo và tìm mua các đặc sản ĐBSCL vang danh gần xa như ba khía muối Cô Mới, gạo ST, kẹo đậu phộng Cẩm Phát, khô cá lóc Tứ Quý, lạp xưởng Mai Quế Lộ Mỹ Yến, mắm tép không vỏ Mai Anh, mắm trứng cá lóc Bà Giáo Khỏe, mứt khóm và mứt mãng cầu Tư Bông, rượu chuối hột Phú Lễ…
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chủ Cửa hàng Ðặc sản ÐBSCL, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, cho biết: "Từ khoảng mùng 10 tháng Chạp, chúng tôi đã bắt đầu nhận đơn hàng phục vụ nhu cầu biếu tặng Tết và hiện tại lượng khách hàng đã tăng 5-6 lần so với ngày thường. Do yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, các cơ sở cung cấp sản phẩm không ngừng cải thiện chất lượng, mẫu mã nên nhìn chung đặc sản ĐBSCL phục vụ thị trường Tết năm nay đẹp hơn, bắt mắt hơn. Cửa hàng chúng tôi cũng làm các giỏ quà Tết theo chủ đề Sum vầy, Chúc nhau như ý, Viên mãn đoàn viên, Cát tường, An khang, Khởi sắc, Phú Quý… để khách hàng tặng bạn bè, người thân, đối tác".
Theo chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (chuyên kinh doanh online), từ khi xảy ra dịch COVID-19, người dân chuyển từ mua trực tiếp sang mua hàng online nhiều hơn. Vì vậy, chị bắt đầu chú trọng bán hàng các kênh zalo, Fanpage thay vì chỉ kênh trực tiếp qua người thân, bạn bè và thu hút được khá nhiều khách hàng mới, đặc biệt là khách hàng ở miền Trung, miền Bắc. "Tôm khô, khô mực, mắm tép, lạp xưởng, khô cá lóc, khô cá trê… là những món gần như không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp Tết. Vì vậy, năm nào tôi cũng gần như "bùng nổ" đơn hàng dịp cuối năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, khách hàng có xu hướng mua ít về số lượng nhưng đa dạng sản phẩm để ăn đỡ ngán. Mặt khác, các khách hàng đều cho rằng, giờ đây chuyện mua bán giờ đây gần như không "kiêng cữ" gì, kể cả mùng 1, mùng 2 nên mua đồ mới sẽ ngon và an toàn cho sức khỏe hơn" - chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho hay.
Do yêu cầu thị trường ngày càng cao, đặc sản ÐBSCL đã có bước cải tiến về cả hình thức lẫn nội dung. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chú trọng đến các chứng nhận, đầu tư công nghệ để nâng chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Về phía Nhà nước cũng quan tâm phát triển các sản phẩm đặc sản thông qua Chương trình OCOP, chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hỗ trợ gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Anh Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định: "Cửa hàng chúng tôi lấy tiêu chí "ngon và lành" làm phương châm hoạt động nên các sản phẩm bán tại đây đều thẩm định, lựa chọn, thu mua rất kỹ càng vừa đảm bảo các yếu tố về an toàn thực phẩm, hương vị đặc trưng và giá cả cũng rất cạnh tranh. Về phía các cơ sở cũng có ý thức "biến tấu" sản phẩm để thu hút khách. Đơn cử, đối với sản tôm khô thay vì phơi nắng thì có tôm một gió, mắm tép thông thường có vỏ nay là mắm tép bóc vỏ…".
Giới kinh doanh cho biết, do vật giá leo thang, các loại đặc sản ĐBSCL đã điều chỉnh giá bán tăng từ 5-30% so với ngày thường. Theo đó, tại Cửa hàng Ðặc sản ÐBSCL, ba khía muối Cô Mới hiện có giá 95.000 đồng/hũ 500gr, gạo ST 25 giá 159.000 đồng/túi 5kg, kẹo đậu phộng Cẩm Phát 40.000 đồng/gói 400gr, khô cá lóc Tứ Quý 140.000 đồng/gói 400gr, khô cá sặc rằn Tứ Quý 155.000 đồng/gói 400gr, lạp xưởng Mai Quế Lộ Mỹ Yến 80.000 đồng/gói 300gr; mắm tép không vỏ Mai Anh 130.000 đồng/hũ 500gr, mắm trứng cá lóc Bà Giáo Khỏe 119.000 đồng/hũ 200gr; mứt khóm 69.000 đồng/hộp 220gr… Các giỏ quà Tết quà Sum vầy, Chúc nhau như ý giá 2 triệu đồng; Viên mãn đoàn viên và Cát tường 1,5 triệu đồng; An khang giá 1 triệu đồng; Khởi sắc 500.000 đồng; Phú Quý 750.000 đồng…
Có thể thấy, sự phong phú, đa dạng của thị trường đặc sản ÐBSCL tạo sự thuận lợi trong việc mua sắm, tiêu dùng của khách hàng trong những ngày Tết đến gần nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, để mua đúng hàng, đúng giá, người tiêu dùng cần chọn các kênh phân phối, bán hàng uy tín. Khi mua sản phẩm cũng chú ý nhãn mác, bao bì, xuất xứ sản phẩm để bảo vệ sức khỏe cho người thân, bạn bè, đối tác...
Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.