Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở cả trong nước và nước ngoài đã rơi xuống dưới ngưỡng 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất trong vòng 14 năm.
Theo giới quan sát, đồng tiền Trung Quốc giảm mạnh so với đồng bạc xanh do sự khác biệt trong chính sách của các ngân hàng trung ương. Cùng với đó là những thách thức đối với nền kinh tế thứ hai thế giới.
Những thách thức kinh tế
Kinh tế Trung Quốc đã khởi sắc trong quý III sau khi chững lại vào quý II. Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn bị cản trở bởi các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ ở những thành phố trên khắp đất nước, thị trường nhà ở suy yếu và nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu sụt giảm.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, xuất khẩu là động lực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng động lực này đang bị đe dọa do nhu cầu toàn cầu suy yếu vì triển vọng kinh tế xấu đi.
Nền kinh tế toàn cầu đã giảm tốc tăng trưởng vì xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương mạnh tay nâng lãi suất điều hành và những biến động trên thị trường ngoại hối.
Trong tháng 8, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 4, thời điểm Thượng Hải bị phong tỏa, gây gián đoạn các hoạt động vận tải.
Theo dữ liệu của Bloomberg, niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc đã lao dốc trong tháng 9. Dịch bệnh và những biện pháp chống dịch đang gây ra rủi ro đáng kể cho nền kinh tế. Các thành phố như Thành Đô, Đại Liên và Thành Quan phải phong tỏa một phần trong tháng này.
Những rắc rối kinh tế buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phải vào cuộc, và đưa ra các động thái trái ngược với xu hướng chung trên toàn cầu. Tháng trước, PBoC đã cắt giảm lãi suất 0,1 điểm phần trăm từ 2,1% xuống 2%, lần cắt giảm thứ hai trong năm nay. Trong cuộc họp tháng này, ngân hàng trung ương Trung Quốc giữ nguyên lãi suất.
Trong khi đó, trong cuộc họp chính sách tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp, đưa mặt bằng lãi suất điều hành của Mỹ lên 3-3,25%.
Trong tháng này, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng mạnh tay nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm để hạ nhiệt lạm phát, còn Ngân hàng Anh tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
Đồng USD tăng mạnh
Các đợt tăng lãi suất của Fed trong năm nay đã thúc đẩy sức mạnh của đồng bạc xanh. Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng tiền Mỹ với các tiền tệ chủ chốt khác - vừa tăng lên 114,53 điểm, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước và đánh dấu mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ lần đầu vượt ngưỡng 4% kể từ năm 2010. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm với chính sách, đã tăng lên 4,2953%.
Đáng nói, đà tăng của đồng USD không có dấu hiệu sớm kết thúc. Theo Reuters, trong bài phát biểu hôm 26/9, bà Loretta Mester - Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland - thừa nhận rằng những biến động trên thị trường tài chính có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của kinh tế Mỹ, nhưng việc bình ổn giá cả vẫn quan trọng hơn. Theo bà, việc thiếu kiên quyết trong cuộc chiến chống lạm phát còn nguy hiểm hơn khả năng tăng lãi suất quá tay.
Đồng quan điểm, ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta - cho rằng dù thị trường rung lắc ra sao, điều quan trọng vẫn là đưa lạm phát về tầm kiểm soát.
Theo công ty dịch vụ tài chính Macquarie Group, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc cũng tin rằng đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục yếu đi trong bối cảnh kinh tế suy yếu. Do đó, họ ngần ngại chuyển tiền từ ngoại tệ về đồng nhân dân tệ.
Tỷ lệ thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc (tính theo giá trị) được chuyển về đồng nhân dân tệ đạt 36%, giảm từ 57% của cùng kỳ năm ngoái.
Ông Han Baojiang - Giám đốc khoa Kinh tế, Trường Đảng thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - cho rằng đà giảm của đồng nhân dân tệ gắn với những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, ông tin rằng đồng nhân dân tệ sẽ trở lại "phạm vi hợp lý" 6-7 nhân dân tệ đổi 1 USD trong năm tới.