Ngoài việc được nhìn ngắm bầu trời đêm đầy sao, việc được ở ngoài trời tuyệt vời sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài cũng là một món quà kèm theo.
Phục vụ cho xu hướng du lịch này là một loạt các "khu nghỉ dưỡng chiêm tinh", đài quan sát và các công ty khởi nghiệp khác trên khắp đất nước Ấn Độ, đang thu hút sự quan tâm của cả già lẫn trẻ.
Khách sạn, nhà hàng kết hợp trải nghiệm ngắm sao
Astrostays, một chuỗi khách sạn chuyên về trải nghiệm ngắm sao, được thành lập tại làng Maan ở Ladakh vào năm 2019 với một kính thiên văn Dobsonian duy nhất (loại chi phí thấp được tối ưu hóa để xem các vật thể trên bầu trời).
Người sáng lập Sonal Asgotraa, 35 tuổi, một kỹ sư điện, cho biết cô đã bị mê hoặc bởi thiên văn học từ lâu. Trong một chuyến đi bộ vào ban đêm ở Ladakh, khi thấy các hướng dẫn viên địa phương dựa vào các vì sao để tìm đường về nhà, cô đã được truyền cảm hứng để nghĩ ra một dự án kết hợp ngắm sao với sự phát triển của cộng đồng.
Asgotraa cho biết: “Tất cả các hướng dẫn viên của chúng tôi đều là người dân địa phương - một số chỉ là học sinh bỏ học - những người đã được đào tạo về thiên văn học và được dạy cách sử dụng kính thiên văn”.
Astrostays hợp tác với Global Himalayan Expedition (GHE), một công ty du lịch tác động xã hội hỗ trợ giáo dục kỹ thuật số và lắp đặt năng lượng mặt trời ở các vùng sâu vùng xa. GHE, do chồng của Asgotraa đứng đầu, cho đến nay đã mang lại nguồn điện cho hơn 140 ngôi làng.
Cách Ladakh khoảng 1.000 km (620 dặm) về phía nam, chính quyền địa phương ở Benital đã nhận thấy tiềm năng du lịch thiên văn. Ở độ cao khoảng 2.600 mét (8.500 feet) so với mực nước biển, trên đồng cỏ Alpine ở quận Chamoli của Uttarakhand, Benital đang được phát triển như một “ngôi làng chiêm tinh” đầu tiên của Ấn Độ, với những ngôi nhà nhỏ, lều và nhà hàng đều được thiết kế để thu hút những người thích ngắm sao. Một mái vòm nhìn ban đêm và các kính viễn vọng lớn đang được lắp đặt.
“Bảo tồn” bầu trời đêm
Hiệp hội Bầu trời tối quốc tế đã chứng nhận 195 “địa điểm có bầu trời đêm” trên thế giới (gần nhất với Hồng Kông là núi Hehuan, ở Đài Loan), nhưng chưa có địa điểm nào ở Ấn Độ.
Dorje Angchuk, một kỹ sư tại đài quan sát Thiên văn Ấn Độ tại Hanle, người Ấn Độ đầu tiên trở thành thành viên danh dự của Liên minh Thiên văn Quốc tế, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng phát triển du lịch thiên văn ở Hanle và tuyên bố nó là khu bảo tồn bầu trời đêm”.
Angchuk nói: “Ladakh được thiên nhiên ban tặng với những cảnh quan tuyệt đẹp và nó là nơi có bầu trời đêm đẹp nhất. Mọi người nên đến và trải nghiệm."
Neeraj Ladia, nhà thiên văn học và nhiếp ảnh gia có trụ sở tại Chennai cho rằng sự gia tăng quan tâm đến thiên văn học không chỉ do đại dịch mà còn do phương tiện truyền thông xã hội.
Ladia nói: “Những trở ngại đối với việc ngắm sao là những đám mây và ô nhiễm ánh sáng. Để có bầu trời quang đãng và ngắm sao tốt, chúng ta cần phải ra khỏi thành phố ít nhất 100km. Các chân núi của dãy Himalaya có một số điểm ngắm sao tuyệt vời”.
Sitara Srinivasan, sống ở Bangalore, là một trong số nhiều người Ấn Độ đang cố gắng gieo mầm quan tâm đến chiêm tinh học trong cộng đồng học sinh. Chàng trai 23 tuổi bắt đầu Naxxatra như một không gian hợp tác để nghiên cứu vật lý và thiên văn học. Ngày nay, cộng đồng trực tuyến hơn 8.000 người này là một nền tảng học tập hợp tác với các nhà khoa học trên toàn thế giới, trong các dự án ảo và mô-đun học tập dành riêng cho mọi thứ, từ vật lý thiên văn đến thiên văn vô tuyến.
Các chương trình ngắn được thiết kế cho trẻ em bao gồm việc ngắm sao và cách đọc bầu trời đêm, và bao gồm các chuyến thăm quan các đài quan sát. Những học sinh lớp lớn được thực hiện các dự án về tiểu hành tinh và các hiện tượng thiên thể khác.
Srinivasan nói: “Trọng tâm của chúng tôi là giúp cho mọi người biết trân trọng thế giới xung quanh”.