Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị Gặp gỡ địa phương và doanh nghiệp nhằm phục hồi và phát triển du lịch, trong khuôn khổ Diễn đàn "Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam", do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch TP HCM, tổ chức trong 2 ngày 8 và 9-8, tại TP HCM.
Phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP HCM, cho biết trong 7 tháng đầu năm 2022, thành phố đón khoảng 13,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và khoảng hơn 765.000 lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch ước đạt 60.379 tỉ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế vẫn còn rất "khiêm tốn" so với trước đại dịch Covid-19 cũng như tiềm năng thu hút khách du lịch của thành phố.
"Cùng việc ban hành chủ trương, chính sách, chương trình phục hồi, phát triển du lịch; tập trung nâng chất và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn; đẩy mạnh thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch; khởi động lại hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước,... TP HCM cần triển khai thêm nhiều hoạt động, giải pháp đồng bộ, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, điển hình như sự kiện "Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam" - bà Phan Thị Thắng nói.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại diễn đàn
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp trao đổi nhiều vấn đề nóng của ngành du lịch hiện nay liên quan đến chất lượng dịch vụ, du lịch; thiếu nguồn nhân lực ở các điểm đến…
Ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - nhận định do bị tổn thất, đứt gãy trong thời gian đại dịch nên ngành du lịch đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Vì vậy, cần thiết có các chính sách hỗ trợ những chương trình, cơ sở đào tạo về du lịch để có thể đẩy nhanh các khóa học, chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo nhu cầu cấp bách trước mắt hiện nay và lâu dài, mở rộng với sự hỗ trợ của các cơ quan, đối tác quốc tế.
"Ngay sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn ngành du lịch, Saigontourist Group đã chủ động hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam, TP HCM ngay tại thị trường Mỹ cùng với Vietnam Airlines, tại Ấn Độ và sắp tới tại Singapore qua hội chợ du lịch quốc tế… Doanh nghiệp cũng tập trung tái đào tạo, củng cố chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ khách trong nước và quốc tế" – ông Võ Anh Tài chia sẻ.
Khách tham quan tại diễn đàn sáng nay
Bà Cao Thị Tuyết Lan, Giám đốc kinh doanh Công ty Viettours, cho rằng để giải bài toán phục hồi thị trường khách quốc tế, cần nhìn thẳng vào thực trạng cơ sở hạ tầng ngành du lịch quá tải trầm trọng và nguồn nhân lực thiếu hụt.
Bà Lan nêu thực tế: "Chúng tôi vừa có một đoàn khách MICE gồm 600 người tới TP HCM ở một khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế nhưng khách sạn nói chưa thể nhận phòng vì thiếu người dọn phòng. Nhiều điểm đến đều thông báo quá tải dịch vụ, hết phòng khiến công ty không dám nhận thêm khách. Khó khăn về visa cũng là rào cản cho khách quốc tế vào Việt Nam".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra. Đến nay, có thể thấy bức tranh sáng màu của du lịch Việt Nam sau dịch bệnh khi hoàn thành mục tiêu của lượng khách nội địa.
Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 60 triệu lượt khách nội địa. Thời điểm hiện nay, đã đạt trên 71 triệu khách du lịch nội địa. Điều đó chứng minh hướng đi đúng của du lịch Việt Nam khi coi nội địa là bệ đỡ của du lịch quốc tế, đi trên "đôi chân" của mình, vừa chú ý đến thị trường nội địa, vừa từng bước tiếp cận để khai thác thị trường quốc tế.
"Đại dịch đã để lại những hậu quả nặng nề, nguồn nhân lực đang thiếu và yếu, chưa thể thực hiện được các nhiệm vụ phát triển của ngành. Du lịch nội địa có vẻ đang đi theo phong trào, đang khai thác với tâm lý "nội địa" và có sự dễ dãi trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Tại thời điểm này có thể khai thác khách nhưng về lâu dài có thể không đáp ứng được khách. Nếu không có sự dồn nén, chưa chắc có lượng khách như hiện nay. Điều này đặt ra với các doanh nghiệp là phải suy nghĩ thấu đáo, làm ăn bài bản, căn cơ, tính toán lại. Nếu cứ dễ dãi, cung cấp sản phẩm không chất lượng sẽ rất khó khăn" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Du lịch phải sang, phải đẹp, không thể tạm bợ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng khách du lịch đến Việt Nam không chỉ để mua sắm mà tìm hiểu, khám phá văn hóa, tìm đến một điểm đến văn hóa. Do đó, sản phẩm du lịch phải mang tầm dấu ấn. Nhiệm vụ của các công ty lữ hành là kết nối để cung và cầu phải hài hòa. Phải biết khách cần gì, điểm đến ở đâu, sản phẩm thế nào... Không phải là kiểu ăn xổi ở thì, nhanh vội, không bền vững. Muốn làm được phải tính đến bài toán con người. Nguồn nhân lực phải đáp ứng yêu cầu phát triển; kiến tạo một đội ngũ những người làm du lịch đủ tài, đủ tâm, đủ tầm.
"Trước đây, mức độ chi tiêu của khách quốc tế theo thống kê là 1.500 USD ở Thái Lan, và Việt Nam là 1.100 USD hoặc dưới 1.000 USD/khách. Nhưng hiện lượng khách nội địa đã chi tiêu vượt khách quốc tế. Tuy nhiên, mức độ đầu tư chất lượng dịch vụ cho khách nội địa chưa cao, và chưa tương xứng. Với đà này, với dịch vụ có biểu hiện lộn xộn hiện nay, sẽ chỉ được vài lần, không thể bền vững được. Không một du khách nào chấp nhận được chuyện "chặt chém", dịch vụ tạm bợ, chấp nhận việc cho qua chuyện. Du lịch phải sang, phải đẹp và việc của chúng ta là hành động để đạt được sự sang, đẹp đó" - bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đúc kết.
Theo Người Lao Động
Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý, hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.
Khu vực đỉnh Fansipan ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhiệt độ xuống rất thấp vào sáng sớm nay 23/11 nên đã xuất hiện lớp băng mỏng khiến du khách thích thú. Đây là các du khách thích săn mây và trải nghiệm cảm giác lạnh.
Các tác giả tham dự cuộc thi video clip “Tôi yêu Bà Rịa - Vũng Tàu” năm 2024 đã làm khó Ban Giám khảo và Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi vì tác giả nào cũng chăm chút cho tác phẩm quá tỉ mỉ. Ngoài ra, BTC cũng nhận được số lượng vượt trội so với năm trước.
Món phở bò được hàng triệu người Việt ưa thích đã tiếp tục được kênh truyền hình CNN nổi tiếng thế giới đưa vào danh sách 20 món ăn loại súp ngon nhất thế giới.
Trên thế giới có những điểm đến nổi tiếng nguy hiểm nhưng lại có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với du khách. Đó là nơi hàng ngàn con rắn độc, vách đá cheo leo, hay miệng núi lửa với cái nóng cháy da tạo nên sự mê hoặc khó tả với những người đam mê khám phá.
Giải Phan Thiết Marathon 2024 diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11 với 3.000 vận động viên tham dự, trong đó có hơn 80 vận động viên nước ngoài với 5 cự ly 5km, 10km, 21km, 30km và 42km.