Dù là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam (VN) gây ngạc nhiên khi nhập khẩu lượng lớn lúa từ nước láng giềng Campuchia.
Người Việt sang thuê đất Campuchia trồng lúa
Báo cáo của Tổng cục Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia cho biết sáu tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu trên 1,7 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 900.000 tấn gạo thành phẩm, sang VN. Số lượng lúa xuất khẩu này đạt trị giá hơn 336 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
VN mỗi năm xuất khẩu khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo và là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay. Vì thế, thông tin VN nhập khẩu lượng lớn lúa từ Campuchia khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, cho rằng hoạt động nhập khẩu lúa từ Campuchia đã diễn ra nhiều năm nay. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, sản lượng lúa nhập từ Campuchia tăng do có nhiều cá nhân, doanh nghiệp VN sang nước này thuê đất trồng lúa xong thu hoạch chở về nước.
“Diện tích đất có thể canh tác lúa ở Campuchia còn lớn, người Việt sang thuê diện tích lớn để giảm chi phí trồng trọt, thu hoạch. Hơn nữa, thổ nhưỡng ở Campuchia cũng rất phù hợp, lúa cho năng suất, chất lượng tốt. Lúa do người dân Campuchia trồng cũng ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học nên chất lượng đảm bảo” - ông Long phân tích.
Việc nhập khẩu lúa gạo giúp các nhà xuất khẩu bổ sung nguồn cung và đa dạng hóa sản phẩm.
Lãnh đạo Công ty TNHH Gạo Việt thông tin thêm giá lúa trồng ở Campuchia tùy thời điểm có lúc rẻ, có lúc cao hơn VN nhưng không đáng kể. Hơn nữa, loại lúa trồng ở Campuchia nhập vào VN chủ yếu là giống lúa IR 50404, cho ra loại gạo thành phẩm là gạo trắng, hạt dài, chủ yếu xuất khẩu vào những thị trường truyền thống như Trung Quốc, châu Phi, Philippines…
“Nguồn lúa gạo nhập từ Campuchia cung cấp một lượng gạo nhất định để doanh nghiệp VN chế biến, xuất khẩu khi nguồn cung trong nước giảm sút. Điều này vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa ổn định thị trường gạo trong nước” - ông Long thông tin.
Nhiều công ty xuất nhập khẩu khác cũng cho rằng việc nhập lúa từ Campuchia là bình thường và nhiều nước cũng làm như vậy. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, phân tích: Những năm gần đây, nước ta tập trung trồng các giống lúa chất lượng cao để tăng giá trị xuất khẩu, như giống lúa thơm ST, OM hay các loại đặc sản… Trong khi đó, nhiều thị trường châu Phi, Trung Đông, Philippines, Trung Quốc… lại chỉ thích nhập nhiều loại gạo trắng thông dụng như IR 50404. Tuy nhiên, vì thiếu hụt nguồn cung nên các công ty Việt sang Campuchia mua, hợp tác thuê đất trồng lúa rồi thu hoạch đem về VN chế biến, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 06/2022 quy định nhập khẩu mặt hàng gạo có xuất xứ từ Campuchia. Theo đó, trong năm nay, tổng lượng hạn ngạch thuế quan ưu đãi đặc biệt, áp thuế 0% đối với mặt hàng gạo có nguồn gốc từ Campuchia là 300.000 tấn và nếu là lúa thì tỉ lệ quy đổi 2 kg lúa bằng 1 kg gạo. Đây cũng là một trong những lý do khiến lượng lúa nhập từ Campuchia về nước ta tăng lên.
Theo Hiệp hội Lương thực VN, tính đến cuối tháng 6-2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt hơn 3,5 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và thu về hơn 1,7 tỉ USD. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu bình quân nửa đầu năm đạt hơn 489 USD/tấn, giảm 55 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Kiểm soát chặt nguồn gốc, xuất xứ
Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt Nguyễn Thanh Long cho rằng việc nhập khẩu lúa từ Campuchia trước mắt không có gì đáng lo ngại. Bởi nguồn cung từ Campuchia sẽ giúp VN ổn định được nguồn gạo xuất khẩu suốt năm, vì cũng có những thời điểm thiếu hụt. Hơn nữa, loại lúa nhập từ Campuchia chủ yếu là loại trung cấp, trong khi VN đang chú trọng sản xuất gạo chất lượng cao nên không cạnh tranh nhiều.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo, cũng đánh giá nông sản nói chung, lúa gạo Campuchia nói riêng có ưu điểm là ít sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, giống tốt, đất đai màu mỡ nên chất lượng đảm bảo. Điều đó lý giải vì sao một số loại gạo đặc sản Campuchia được người tiêu dùng ưa chuộng dù giá cao.
Cũng theo GS Xuân, diện tích đất nông nghiệp ở Campuchia còn chưa được khai phá nhiều, chi phí lao động thấp và nước này cũng tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp. Chính vì vậy, khi thuê đất trồng lúa, giá thành sản xuất vẫn thấp hơn ở VN nên được nhiều đơn vị lựa chọn.
Tuy nhiên, GS Xuân cũng cảnh báo nguồn gạo Campuchia nhập vào VN cần phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng đấu trộn vào nhau để xuất khẩu. “Hiện nay, các thị trường đều siết chặt về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. Ngay Trung Quốc cũng đã làm chặt khâu xuất xứ, vì vậy các nhà xuất khẩu gạo nước ta cần phải trung thực, làm tốt để giữ uy tín, thương hiệu gạo VN” - GS Xuân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị để tránh việc trộn lẫn các loại lúa gạo hoặc nhập khẩu tiểu ngạch lúa gạo hay nông sản từ Campuchia vào VN, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra mặt hàng này từ Campuchia cũng như từ các nước khác thông qua Campuchia nhập vào VN. Qua đó, bảo đảm nguyên tắc xuất xứ cũng như giữ vững thương hiệu nông sản Việt.•
Việt Nam là đầu ra lớn cho nhiều nông sản Campuchia
Bộ NN&PTNT cho biết trong năm tháng đầu năm nay, Campuchia là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của VN với hơn 1,9 tỉ USD, chiếm 10,7% thị phần nhập khẩu nông sản.
Thương vụ VN tại Campuchia cũng nhìn nhận VN đang là đối tác thương mại và đầu ra lớn cho nhiều loại nông sản Campuchia. Đơn cử, trong bốn tháng đầu năm, Campuchia xuất tổng cộng 3.834 tấn hạt tiêu thì có đến 3.540 tấn sang VN, chiếm 92% tổng sản lượng. Trong bốn tháng đầu năm nay, hạt điều Campuchia nhập về VN đạt 555.094 tấn, kim ngạch 845,8 triệu USD.
VN cũng nhập khẩu lượng lúa gạo rất lớn từ Campuchia. Riêng năm ngoái, VN nhập khẩu từ Campuchia hơn 3,5 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 1,7-1,8 triệu tấn gạo, tăng hơn 60% so với năm trước đó. Các công ty VN chủ yếu nhập khẩu lúa về xay xát, chế biến để xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước. Nhiều loại gạo Campuchia được ưa chuộng tại thị trường nội địa VN vì chất lượng tốt.
Việc nhập khẩu lúa gạo giúp các nhà xuất khẩu bổ sung nguồn cung, đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt, việc duy trì giao thương này góp phần củng cố an ninh lương thực xuyên biên giới.
Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.