Sau này, khi bà nội về quê chồng, đàng gái tặng theo một bộ đồ nghề dệt chiếu. Đó là của hồi môn vô giá mà đôi vợ chồng trẻ thời ấy có được. Nhờ nghề dệt chiếu mang từ quê hương về với xứ lạ nhà chồng mà ông bà nội dần dà dựng nhà, sinh con và "sống được"…
Khi tôi lớn lên, bà nội đã lớn tuổi nên hiếm khi dệt chiếu, trừ những dịp con cháu, xóm giềng có cưới gả. Người dân quê tôi tin rằng trong đám cưới nhất định phải có đôi chiếu. Đó vừa là vật thân quen vừa là vật thiêng liêng của một cuộc hôn nhân. Người ta coi trọng người dệt chiếu cưới - phải là người đủ vợ đủ chồng, con cái đề huề và sung túc thì mới "dệt duyên" lâu bền cho đôi vợ chồng trẻ được "nương theo". Vậy nên, dù không phải dệt chiếu để mưu sinh như trước nhưng lâu lâu, nội tôi vẫn được người ta "đặt hàng" dệt đôi chiếu bông cho ngày cưới.
Sức khỏe bà nội khi ấy không còn như thời có thể ngồi cả ngày dệt mấy đôi chiếu. Thế nhưng, với nỗi nhớ nghề và niềm tin rằng dệt chiếu cho người cũng là tích phước cho mình nên thời gian bà nội đi lấy lác về phơi, nhuộm, dệt thành chiếu… là chuỗi ngày vừa cực vừa lại rất vui của tuổi già. Những ngày như vậy, tôi thường ngồi bên bà nội, ngó ông nội hoặc mẹ tôi phụ bà dệt chiếu. Tiếng con thoi, cây dệt, cây chùi… kêu lách cách đều đều êm tai đã không ít lần ru tôi vào giấc ngủ trưa hè. Mùi lác vừa mang hương đồng nội lại rất đặc trưng cứ làm tôi hít hà mãi không thôi…
Sau này lớn lên, đọc nhiều sách báo, tôi nhận ra rằng theo dòng văn hóa miền đất mới Nam Bộ, rất dễ thấy chiếc chiếu là sản phẩm không thể thiếu trong đời sống. Trẻ con mới sinh được đặt nằm trên manh chiếu cói, bởi chiếu này có khả năng thấm hút mồ hôi rất tốt, bảo vệ sức khỏe và tránh bị lạnh. Đến khi cưới vợ gả chồng, đôi chiếu là một trong số những vật dụng không thể thiếu của cuộc cưới xin. Trong những nghi thức văn hóa và tâm linh, người ta trải chiếu để quỳ lạy, khấn vái thần thánh, ông bà tổ tiên với ý niệm thanh sạch, tránh những thứ dơ bẩn...
Có lẽ từ thời vùng đất này còn là rừng rậm hoang sơ, những cư dân đầu tiên đi mở cõi đã biết tận dụng cây lác, cây bố mọc hoang trong thiên nhiên để dệt nên những chiếc chiếu phục vụ cuộc sống hằng ngày. Chiếc chiếu dần trở thành vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt thường nhật và cả các lễ nghi. Từ đó, Nam Bộ hình thành nên những làng nghề thủ công dệt chiếu như xóm chiếu Cần Đước, xóm chiếu Gò Vấp, làng chiếu Tà Niên, làng chiếu Định Yên…
Mỗi khi nhớ nghề, nhớ quê, bà nội tôi thường kể câu chuyện với niềm tự hào rằng năm xưa, ông bà tổ tiên của nội từ đồng bằng ven biển Bắc Bộ (Thái Bình, Nam Định) di cư vào Nam lập nghiệp. Khi đi, các cụ mang theo cả nghề dệt chiếu truyền thống của ông cha để làm kế sinh nhai. Nhờ nghề chiếu mà dòng họ bà nội tôi đã ăn nên làm ra. Cũng vì vậy mà từ một xóm nghèo heo hút, làng Định Yên đã sớm sung túc và phát triển. Ông bà tôi đã truyền dạy nghề dệt chiếu cho con cháu và cả người dân địa phương, dần hình thành một vùng dệt chiếu nổi tiếng và cung ứng cho khắp các tỉnh Nam Kỳ.
Bây giờ, bà nội không còn nữa nhưng ký ức về bà vẫn hiện quanh tôi qua những chiếc chiếu bông hơn 20 năm tuổi. Đó là chiếc "chiếu cổ" do chính tay bà dệt một cách công phu, tỉ mỉ từng đường nét và có chữ "Phúc - Lộc - Thọ" đỏ tươi như son ở giữa. Chiếc chiếu được cha tôi cất giữ cẩn thận như vật gia bảo, chỉ đem ra trải trên bộ ngựa gỗ để bày mâm cúng mỗi dịp nhà có giỗ.
Những ngày đi dọc sông Hậu, ngang làng chiếu Định Yên, đôi lúc thấy dáng bà Năm, dì Bảy - cháu của nội - ngồi dệt chiếu trước nhà, tôi bỗng nghe dậy lên một mùi hương thoang thoảng thân quen và mê đắm. Đó là mùi của lác, của những đôi chiếu đang được dệt…
Vậy nên mới thấy chiếu lác đâu chỉ dệt nên câu chuyện của ông bà tôi mà còn dệt nên một ký ức khó phai trong lòng đứa cháu… Dẫu có chăn êm nệm ấm nhưng vẫn không sao bằng chiếc chiếu quê nhà!
Theo Người lao động
Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý, hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.
Khu vực đỉnh Fansipan ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhiệt độ xuống rất thấp vào sáng sớm nay 23/11 nên đã xuất hiện lớp băng mỏng khiến du khách thích thú. Đây là các du khách thích săn mây và trải nghiệm cảm giác lạnh.
Các tác giả tham dự cuộc thi video clip “Tôi yêu Bà Rịa - Vũng Tàu” năm 2024 đã làm khó Ban Giám khảo và Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi vì tác giả nào cũng chăm chút cho tác phẩm quá tỉ mỉ. Ngoài ra, BTC cũng nhận được số lượng vượt trội so với năm trước.
Món phở bò được hàng triệu người Việt ưa thích đã tiếp tục được kênh truyền hình CNN nổi tiếng thế giới đưa vào danh sách 20 món ăn loại súp ngon nhất thế giới.
Trên thế giới có những điểm đến nổi tiếng nguy hiểm nhưng lại có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với du khách. Đó là nơi hàng ngàn con rắn độc, vách đá cheo leo, hay miệng núi lửa với cái nóng cháy da tạo nên sự mê hoặc khó tả với những người đam mê khám phá.
Giải Phan Thiết Marathon 2024 diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11 với 3.000 vận động viên tham dự, trong đó có hơn 80 vận động viên nước ngoài với 5 cự ly 5km, 10km, 21km, 30km và 42km.