Chưa trọn niềm vui
Theo các doanh nghiệp, mức tăng trên 10% của kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay thật ra là do lượng xuất khẩu tăng, còn giá bán tuy có tăng nhưng chỉ là tăng ảo vì phần tăng này chính là chi phí cước vận tải biển tăng thêm (ước tính khoảng 10%) đã được cộng thêm vào. Nhưng dẫu sao với thành tích xuất khẩu tôm 4,3 tỉ USD trong năm 2022 theo các doanh nghiệp là rất ấn tượng và rất đáng để hoan nghênh cho nỗ lực của toàn ngành. Tuy nhiên, chỉ có người nuôi tôm và doanh nghiệp mới cảm nhận được thành tích trên là chưa trọn vẹn, bởi với họ, vấn đề không nằm ở doanh thu tăng bao nhiêu, mà cái chính là lợi nhuận có tăng như đúng như kỳ vọng hay không mới quan trọng. Thực tế cho thấy tỷ lệ người nuôi tôm có lãi năm nay ước tính chỉ vào khoảng 50-60% mà nguyên nhân chính là do chi phí đầu vào tăng cao trong khi tỷ lệ nuôi thành công lại không tăng tương ứng. Còn đối với doanh nghiệp xuất khẩu, do 4 tháng cuối năm xuất khẩu gặp khó nên chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có được lợi nhuận ở mức khá, nhờ chuyển hướng thị trường kịp thời khi thị trường Mỹ gặp khó khăn.
Có 2 thời điểm được dự báo sẽ có sức tiêu thụ lớn là mùa Noel và Tết dương lịch đều không đạt kết quả như kỳ vọng. Thị trường Mỹ vốn đã khó cạnh tranh với tôm giá rẻ của Ecuador lại gặp thêm bão tuyết; thị trường châu Âu thì lu mờ vì tác động của lạm phát, còn thị trường Nhật chỉ còn lại phân khúc cao cấp do đồng Yên mất giá mạnh. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, ở Sóc Trăng, chia sẻ: “Căn bản mà nói, tất cả các thị trường trọng điểm của con tôm Việt Nam đều bị tồn kho. Vì vậy, chẳng những các đơn hàng đầu năm không có nhiều như những năm trước mà thậm chí khách hàng còn đề nghị hủy một số đơn hàng trước đó. Rất may là doanh nghiệp cũng không có nguồn hàng nhiều và giá tôm trong nước đang cao nên việc hủy đơn hàng không làm doanh nghiệp thiệt hại”. Việc đơn hàng không có hoặc có quá ít, nên có doanh nghiệp dự kiến đến sau rằm tháng Giêng mới bắt đầu khai trương trở lại.
Khó khăn bủa vây
Theo quy luật, quý I hằng năm, các nước Nam bán cầu, như Indonesia, Ecuador… sẽ bắt đầu vào vụ thu hoạch tôm (thả nuôi từ tháng 10 năm trước). Trong khi đầu năm nay, hầu hết thị trường lớn đều có tôm tồn kho, cộng thêm sức tiêu tiêu thụ đang yếu đi vì lạm phát, nên chỉ cần sản lượng tôm thu hoạch từ các nước Nam bán cầu lớn thì áp lực giảm giá tôm sẽ rất lớn. Chưa hết, năm 2023, Ecuador tuyên bố tăng 20% sản lượng tôm để đạt mức 1,5 triệu tấn. Với mức tăng trên, theo tính toán của các doanh nghiệp, chỉ riêng Ecuador đã đủ sức đáp ứng nhu cầu tăng thêm của thị trường tôm thế giới trong năm 2023 (ước tính 5%). Nhưng đâu chỉ có Ecuador, các nước nuôi tôm lớn, như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… đều có kế hoạch tăng thêm, thậm chí cả Trung Quốc. Như vậy có thể thấy sức cung sẽ có xu hướng cao hơn sức cầu, dẫn đến hệ quả là giá tiêu thụ sẽ giảm. Đó là chưa kể yếu tố lạm phát đang làm cho sức mua yếu đi, nên để kích cầu tiêu dùng, giá tôm nhiều khả năng buộc sẽ phải giảm thêm.
Ngay từ đầu năm 2023, các trang trại, doanh nghiệp nuôi tôm ở Sóc Trăng đã thông tin rằng, họ đã nhận được thông báo về việc tăng giá một số vật tư đầu vào, như con giống, thức ăn... Trong khi đó, thời tiết luôn có mưa trái mùa, biên độ nhiệt ngày và đêm lớn và nhất là bệnh EHP chưa có giải pháp ngăn chặn rõ ràng. Đầu vào đã tăng, lại thêm dịch bệnh làm tỷ lệ nuôi thành công thấp nên giá thành sản xuất tôm sẽ càng cao, sức cạnh tranh sẽ càng thấp xuống. Một cái khó nữa là hiện tất cả lô hàng đều phải có truy xuất nguồn gốc nhưng việc cấp mã số cơ sở nuôi hiện vẫn đạt rất thấp. Doanh nghiệp nào có vùng nuôi sẽ thuận lợi hơn, nhưng nếu muốn đầu tư vùng nuôi hiện rất khó do giá đất tăng cao và khó có diện tích đủ lớn như mong muốn. Nguy cơ đang bủa vây ngành tôm trong giai đoạn này nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu.
Cần chung sức
Theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP thủy sản sạch Việt Nam, khó khăn hiện hữu của ngành tôm là do khủng hoảng nhu cầu, mà nguyên nhân sâu xa là tình hình lạm phát toàn cầu đang tăng cao. Vì vậy, các nước nhập khẩu ép giá mua thấp kinh khủng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận bán để duy trì hoạt động, quay vòng đồng vốn, nếu không sẽ đóng cửa nhà máy, nhất là những doanh nghiệp lấy thị trường Mỹ làm chủ lực nhưng chưa chuyển hướng sang thị trường khác được. Do đó, các doanh nghiệp dự đoán, kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm nay, nhiều khả năng cao nhất cũng chỉ bằng 2/3 so với năm 2022.
Vì vậy, theo các doanh nghiệp, các bộ ngành cần sớm vào cuộc, các doanh nghiệp cũng nên có động thái chia sẻ với người nuôi để chung tay vượt khó, nếu không người nuôi và cả ngành tôm sẽ rất khó khăn. Theo kinh nghiệm của người nuôi tôm, con giống quyết định trên 50% tỷ lệ thành công, tiếp theo là môi trường (nước, nắng, mưa, nhiệt độ…) trong đó nước là yếu tố hàng đầu. Do đó, để tăng tỷ lệ nuôi thành công cần kiểm soát, không cho con giống kém chất lượng lưu hành tiêu thụ. Tiếp theo là khẩn trương quy hoạch, xác định vùng nuôi trọng điểm và có sự nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng theo khả năng, ưu tiên cho thủy lợi như làm cống, nạo vét kinh dẫn nước…
Tuy khó khăn là hiện hữu, nhưng theo ông Hồ Quốc Lực, khúc thị phần tôm cao cấp sẽ không bị biến động đáng kể và đây cũng là lợi thế của ngành tôm Việt Nam nên khả năng năm 2023, nếu cả ngành chung tay phối hợp, trong đó tập trung vào hai mắc xích quan trọng là vật tư đầu vào (con giống, thức ăn…) và môi trường thì chắc chắn sẽ có kết quả khả quan, ngành tôm vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhưng chỉ với tốc độ vừa phải, khó như kỳ vọng.
Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.