Mong ước mùa Đông ấm áp và nước sạch cho thầy trò điểm trường Bản Péo

Bảo Yến - Minh Hoàng Thứ hai, ngày 20/11/2023 06:58 AM (GMT+7)
Hằng năm, tới dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy cô của Trường Tiểu học và THCS Nậm Dịch (xã Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) chỉ cầu mong những học trò nhỏ của mình sẽ không phải gồng mình chống chọi cái lạnh buốt giá của mùa Đông kéo dài và nỗi lo lắng thiếu nước sạch.
Bình luận 0

Nấu ăn, sinh hoạt bằng nước suối

Trường Tiểu học và THCS Nậm Dịch nằm trên địa bàn xã Nậm Dịch – đây là xã nghèo của huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang). Ngôi trường được bao quanh bởi những ngọn núi cao trùng điệp. Khoảng cách từ điểm trường trung tâm đến điểm trường Bản Péo là quãng đường hơn 10km với nhiều địa hình hiểm trở, dốc núi quanh co, khúc khuỷu.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, thầy cô giáo và học sinh sử dụng tiết kiệm nhất cũng hết 6 – 8 m3 nước. Trong khi đó, dòng suối Bản Péo đang cạn dần theo sự hanh khô của thời tiết và những cơn mưa đang ít lại. Nỗi lo lắng thiếu nước sinh hoạt cho hàng trăm học sinh và thầy cô giáo tại Trường TH và THCS Nậm Dịch thêm nặng nề.

Trong suốt ba năm nhận công tác tại điểm trường Bản Péo, thầy giáo Hoàng Tiến Thành luôn đau đáu thương học sinh vì thiếu nước sạch cho các em sinh hoạt, thầy giáo cùng đồng nghiệp của mình luôn phải đi tìm nguồn nước sạch cho nhà trường. 

img
img

Đoàn công tác Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cùng các thầy cô và chính quyền địa phương đi khảo sát nguồn nước cho nhà trường.

Thầy Thành cho biết: "Nguồn nước của thầy cô và học sinh hiện đang dùng được lấy trực tiếp từ lòng suối. Phía thượng nguồn suối có nhà dân ở và người dân chăn nuôi gia súc, nước từ trong ruộng chảy ra nên rất đục. Nhiều khi lấy nước về nhưng nước đục và tanh nhưng không còn nguồn nào khác nữa nên vẫn phải cố mà dùng".

Nằm ở khu vực xa xôi hẻo lánh, Trường Tiểu học và THCS Nậm Dịch thường xuyên gặp tình trạng thiếu nước và ô nhiễm nguồn nước. Nhà trường không có giếng khoan, toàn bộ nước sinh hoạt, nấu ăn của thầy trò nơi đây đều phụ thuộc vào lượng nước của dòng suối Bản Péo. Để có nước sử dụng các thầy cô đã phải tự kéo 1.300m ống nhựa dẫn nước từ suối về chứa trong 2 téc nước của nhà trường.

img
img

Để có nước sinh hoạt, các thầy cô phải dùng ống nhựa dẫn nước từ con suối Bản Péo về trường.

Mùa mưa đến (từ khoảng từ tháng 3 đến tháng 5), nguồn nước suối "xông xênh" hơn nhưng đó cũng là lúc người dân làm ruộng, nước ruộng chảy ra khiến cho dòng nước bị đục và tanh. Chưa kể xác chết động vật, lá rừng phân hủy cũng khiến cho dòng nước bị ô nhiễm nặng.

Vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 12), nước suối ít nên lượng nước chảy về trường cũng không được nhiều. Vì vậy, thầy cô giáo và học sinh đều phải sử dụng nước rất tiết kiệm.

img
img

Những chậu nước đục còn lẫn bùn đất nên em Vù Thị Vàng - học sinh lớp 6B phải chờ nước lắng bùn trước khi sử dụng.

Vừa dùng chiếc bát nhựa lọc để lấy được phần nước trong từ chậu, em Vù Thị Vàng, học sinh lớp 6B tại điểm trường Bản Péo tâm sự: “Mấy ngày nay trời không mưa nên nước chúng em lấy được trong hơn. Nhưng khi dùng nước này em và các bạn đều phải gạn lọc nước vì nếu không khi giặt quần áo hay rửa bát sẽ vẫn không sạch do nước bẩn và nhiều đất cát”.

Chia sẻ với Dân Việt về các giải pháp tạm thời khi thiếu nước, cô Ma Thị Hường – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nậm Dịch cho hay: "Khi thiếu nước, cô trò chúng tôi phải đi xin nước ở nhà dân hoặc các cô thầy sẽ phân công nhau đưa các học trò ra suối phía trước trường để giặt giũ áo quần".

Sau những giờ đứng trên bục giảng, thay vì nghỉ ngơi, anh Thành lại cùng các thầy cô giáo trong trường trèo đèo, lội suối, để kiểm tra các ống dẫn để đảm bảo nguồn nước được đưa về trường không bị gián đoạn.

img
img

Việc phát cây để kiểm tra ống dẫn nước được các thầy cô thực hiện thường xuyên để đảm bảo nguồn nước đưa về trường không bị gián đoạn.

Nhắc đến kỷ niệm về việc đi tìm nước cho nhà trường anh Thành chia sẻ: "Kết thúc kỳ nghỉ hè vừa qua, thầy cô trở lại trường để chuẩn bị cho công tác khai giảng năm học mới thì phát hiện đoạn dây dẫn nước về trường bị mất nên các téc nước không có một giọt nước nào. Vì vậy, 17 giáo viên nam trong trường phải tập trung để kéo lại đường ống dẫn. Sau một ngày lắp đặt thì nguồn nước mới được nối lại. Khi dòng nước đầu tiên chảy vào bể, các thầy cô ai cũng reo lên mừng rỡ như những đứa trẻ".

Ngày 20/11, ước mong học trò có áo ấm và nước sạch

Không chỉ thiếu thốn về nguồn nước, cơ sở vật chất của Trường TH và THCS Nậm Dịch cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, học tập của học sinh. Cô Hường cho hay, nhà trường có 746 học sinh học tại 2 điểm trường là điểm Bản Péo và điểm trung tâm Nậm Dịch.

Học sinh nơi đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày,... Các em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm hơn 50% nên các em được đi học là sự cố gắng rất lớn của gia đình. Khi đến trường, việc chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ đến bài vở đều do thầy cô lo liệu.

Học sinh vùng cao Hà Giang đang "khát" nước sạch, thiếu áo ấm - Ảnh 4.

Những ngày này, ở điểm trường Bản Péo nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 15 độ nhưng các em cũng chỉ có manh áo mỏng tới trường.

Năm nay, toàn trường có 208 học sinh bán trú, trong đó điểm trường Bản Péo có 111 em. Các em đến trường chỉ với 2 bộ quần áo mặc luân phiên.

"Ở vùng cao, thời tiết khắc nghiệt lắm, vào chính Đông nhiệt độ thường xuyên dưới 10 độ kèm theo sương mù nên càng buốt giá. Những ngày gần đây, nhiệt độ ở Bản Péo chỉ khoảng 15 độ, thế nhưng các em học sinh không có áo ấm, mà chỉ luôn mặc trên người tấm áo mỏng  manh, áo cộc tay đến lớp. Nhìn các em lạnh, co ro mà tôi thấy lòng thật xót xa" – Cô Hường chia sẻ.

Ở trên lớp thì các em nhỏ không có áo ấm còn khi về phòng ở bán trú thì các em còn thiếu thốn cả chăn, đệm... Thậm chí, để các em có những chiếc chiếu dù đã sờn, rách để dùng, thầy cô đã phải đi xin và tận dụng.

Học sinh vùng cao Hà Giang đang "khát" nước sạch, thiếu áo ấm - Ảnh 5.

Dù chiếc chiếu không còn được nguyên vẹn nhưng các thầy cô vẫn cố gắng tận dụng để cho các em có chỗ nghỉ ngơi.

Cô Hường còn cho biết thêm: "Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nên việc gia đình cùng chung tay đóng góp mua thêm chăn, chiếu cho các em khó lắm. Cái ăn của họ còn chưa đủ thì lấy tiền đâu mua đồ cho con".

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, khi được hỏi về mong ước của các thầy cô cắm bản nơi đây, thay mặt cho toàn thể giáo viên nhà trường, cô Hường nói: “Chúng tôi chỉ có một mong ước rằng các em học sinh nơi đây sẽ có được những chiếc áo ấm mặc vào mùa Đông,  sẽ không còn thấy cảnh các em tím tái, co ro vì lạnh khi ngồi trong lớp học. Mong ước có được nguồn nước sạch để sử dụng hàng ngày”.

Trước sự khó khăn, thiếu thốn của Trường TH và THCS Nậm Dịch, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt kêu gọi sự chung tay ủng hộ từ quý bạn đọc và các nhà hảo tâm để mùa Đông này các em học trò sẽ có giếng nước sạch, quần áo ấm, chăn đệm, màn, chiếu… để đón mùa Đông ấm áp và tràn đầy hy vọng vào tương lai.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về

Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 201123


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem