Người vẽ ước mơ cho những cuộc đời nhiễm chất độc màu da cam

Ngọc Tân Thứ tư, ngày 22/11/2023 15:34 PM (GMT+7)
Đồng cảm với những mảnh đời kém may mắn, chị Đặng Thị Toàn (49 tuổi, ở huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) đã rời bỏ công việc giáo viên mầm non, vào Làng Hữu Nghị Việt Nam, trở thành “người mẹ” truyền động lực cho trẻ em nhiễm chất độc màu da cam.
Bình luận 0

Gác lại niềm đam mê của cô giáo mầm non

Chị Đặng Thị Toàn từng là giáo viên Trường Mầm non Liễu Giai (quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Một lần, tình cờ xem được hình ảnh của các trường hợp nhiễm chất độc da cam/Dioxin tại Làng Hữu Nghị Việt Nam (gọi tắt là Làng), chị Toàn không khỏi xót xa. Hình ảnh đó in sâu trong tâm trí, để lại trong lòng chị những trăn trở về nỗi đau của những số phận kém may mắn cần được san sẻ tình thương.

Người vẽ ước mơ cho những cuộc đời nhiễm chất độc màu da cam - Ảnh 1.

Nụ cười vẫn luôn nở trên môi chị Toàn sau những ngày tần tảo chăm sóc các con.

Năm 2017, khi biết tin Làng tuyển bảo mẫu, chị Toàn lập tức đăng ký để được chăm sóc cho các hoàn cảnh kém may mắn. Người phụ nữ ấy chấp nhận từ bỏ công việc ổn định để vào Làng Hữu Nghị Việt Nam, quyết tâm trở thành “mẹ” của 120 trẻ em đặc biệt đang sinh sống tại đây. 

Vào Làng với hành trang là nghiệp vụ sư phạm cùng lòng bao dung, chị bắt đầu làm quen dần với một chương trình giáo dục và chăm sóc đặc biệt. Thời kỳ đầu chị phụ trách 25 em, mỗi em mang một bệnh khác nhau. Em bị nhẹ thì mù, câm, điếc, còn nặng thì thiểu năng trí tuệ, tăng động,… nhưng điểm chung là đều thiếu thốn tình thương. 

Người vẽ ước mơ cho những cuộc đời nhiễm chất độc màu da cam - Ảnh 3.

Mỗi chiều tan học các con lại quây quần trước sân chờ "mẹ Toàn" phát quà.

Kể lại những ngày mới vào Làng, chị Toàn nhớ lại: “Nửa tháng đầu tiên vào Làng là quãng thời gian khó khăn nhất với tôi. Các con chưa quen nên tỏ ý không hợp tác, nghĩ ra đủ trò để “thử thách” tôi, đêm hôm quậy phá không nghe lời, giả thành ma để dọa cả tôi. Đỉnh điểm là các con đi trốn, ẩn nấp dưới gầm cầu thang, tôi đi tìm đến nơi thì con hắt thẳng gáo nước ướt hết người. Những lúc đó tôi bình tĩnh kiểm soát cảm xúc, dành nhiều thời gian để tâm sự, bày tỏ tình cảm với các con, yêu chúng như con ruột. Từ đó, mẹ con hiểu nhau hơn, gắn bó hơn và không còn tình trạng trên xảy ra nữa”.

img
img

Mọi công việc học tập và sinh hoạt của các con đều được chị Toàn quan tâm chăm sóc.

Có chứng kiến công việc hàng ngày mới hiểu hết nỗi vất vả của chị và các bảo mẫu nơi đây. Buổi sáng, chị giúp các bạn vệ sinh cá nhân, ăn sáng, đưa các con tới lớp rồi về thu dọn nhà cửa. Hết giờ học, chị đón các con về, chăm lo cho chúng ăn uống. Buổi tối, bên cạnh dạy các con học bài, chị lại lo dạy cả những kỹ năng sống. 

Không những vậy, chị còn nhớ hết các thói quen ăn uống của từng bạn, ai thích ăn gì, kiêng gì. Nhiều con không nhận thức được nên khi chị đút cơm lại nhổ ra, thậm chí đánh cả chị. Có bạn đang ăn bỗng lên cơn động kinh, co giật liên hồi khiến chị phải xử lý khẩn cấp để con không cắn vào lưỡi. Dù vất vả nhưng chị Toàn luôn cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình.

Khát khao cống hiến hết mình 

Gần như toàn bộ thời gian của chị đều dành trọn cho các con bất kể ngày hay đêm, có những hôm chị Toàn phải trực liền mấy đêm. Vất vả là vậy nhưng khi được hỏi về dự định tương lai, chị vẫn quả quyết khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục cống hiến và ở bên các con cho đến khi không còn đủ sức khỏe”. 

Chia sẻ về hạnh phúc trong công việc, chị Toàn nói: “Điều quý giá nhất mà tôi nhận được chính là tình thương của các con và lòng cảm thông từ mọi người. Tôi coi công việc này là một cách để gửi lời cảm ơn đến những người đã có công với đất nước. Ở nhà tôi chỉ có 2 người con, nhưng khi vào Làng tôi được nghe 120 đứa con gọi tiếng mẹ. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao không điều gì sánh được”.

Người vẽ ước mơ cho những cuộc đời nhiễm chất độc màu da cam - Ảnh 5.

Chị Toàn luôn đồng hành với các con của mình trong mọi hành trình, là chỗ dựa tinh thần và niềm an ủi cho những số phận nơi đây.

6 năm gắn bó với công việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ em đặc biệt, niềm vui lớn nhất của chị Toàn là sự thay đổi tích cực từ nhận thức đến hành động của những đứa con. Nhiều bạn đã có dự định cho công việc tương lai. 

Kể về ước mơ của đàn con, khuôn mặt chị rạng rỡ: “Có bạn ước mơ làm bác sĩ, có bạn lại muốn trở thành thợ may,... tôi mong sao các con đều thành công, có ngành nghề ổn định để cuộc đời tươi sáng hơn”.

Người vẽ ước mơ cho những cuộc đời nhiễm chất độc màu da cam - Ảnh 6.

“Mẹ Toàn” luôn nhẹ nhàng uốn nắn và khuyên bảo để các bạn luôn tự tin hòa nhập với cuộc sống.

Dù ngày đêm thực hiện sứ mệnh làm mẹ của những trẻ em đặc biệt, chị Toàn không hề cảm thấy vất vả vì luôn có gia đình ở bên. Chị tự hào kể: “Biết mẹ vất vả nên hai con ở nhà đều ngoan ngoãn bảo ban nhau học hành, quán xuyến gia đình và tự chăm sóc bản thân để tôi yên tâm công tác trong Làng”. 

Người vẽ ước mơ cho những cuộc đời nhiễm chất độc màu da cam - Ảnh 7.

Mẹ Toàn luôn mang trong mình nụ cười hạnh phúc khi vui chơi cùng các con.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Dân Việt, Đại tá Nguyễn Thăng Long - Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam đánh giá: “Làng có được như ngày nay là nhờ công rất lớn của các cán bộ, nhân viên nữ. Chính các bảo mẫu như cô Toàn là người đã mang tình thương đến nơi đây, giúp cuộc sống của Làng bớt u tối, heo hút”.

Chị Toàn vẫn đang cống hiến như đóa hoa tỏa ngát hương thơm cho đời dẫu biết con đường phía trước còn nhiều chông gai. Tình yêu và lòng trắc ẩn của chị đã cảm hóa và vẽ lên ước mơ tươi sáng cho những mảnh đời bất hạnh và kém may mắn nơi đây. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem