Thứ năm, 25/04/2024

Nông dân mong giá phân bón giảm mạnh hơn

18/12/2022 1:00 PM (GMT+7)

Sau một thời gian tăng cao, gần đây giá nhiều loại phân bón có chiều hướng bình ổn và giảm trở lại đã phần nào tạo thuận lợi cho nông dân bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2022-2023.



Tuy nhiên, nếu so với các năm trước, giá hầu hết các loại phân bón vẫn đang ở mức rất cao, nông dân rất mong giá phân bón giảm thêm nữa trong thời gian tới.

Nông dân mong giá phân bón giảm mạnh hơn - Ảnh 1.

Phân bón được bày bán tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Tùng Lan ở huyện Thới Lai.


Giá giảm nhưng vẫn còn cao

Giá Kali và nhiều loại phân đạm (Urê) như Ðạm Cà Mau, Ðạm Phú Mỹ… đã giảm ít nhất từ 20.000-50.000 đồng/bao (50kg) so với cách nay khoảng 1 tháng. Còn giá một số loại phân bón NPK và DAP cũng giảm nhẹ khoảng 10.000-20.000 đồng/bao so với trước.

Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ, giá Ðạm Cà Mau ở mức 705.000-750.000 đồng/bao, Urê Phú Mỹ, Urê Hà Bắc và một số loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia và Indonesia ở mức từ 700.000-740.000 đồng/bao. Kali nhập khẩu từ Nga, Canada, Israel và Belarus tại nhiều nơi đang có giá 840.000-900.000 đồng/bao. Hiện Urê là loại phân bón mà các doanh nghiệp ở nước ta đã tự chủ sản xuất và có dư để xuất khẩu. Theo chủ nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, giá nhiều loại phân Urê đã giảm đáng kể so với trước nhờ nguồn cung dồi dào và gần đây sức tiêu thụ cũng chậm, nhất là khi nhiều địa phương vùng ÐBSCL mới bước vào gieo sạ lúa đông xuân, nhu cầu mua phân bón còn ít. Vụ lúa đông xuân, đồng ruộng được bồi bổ phù sa sau mùa lũ nên nông dân cũng giảm bón phân cho lúa. Ngoài ra, giá phân Urê và một số loại phân bón khác cũng giảm nhờ giá phân bón nhập khẩu giảm và các chi phí sản xuất, vận chuyển giảm theo giá xăng dầu. Dù vậy, nhìn chung giá hầu hết các loại phân bón vẫn đang ở mức rất cao, nhất là giá các loại DAP và NPK. Nhiều loại DAP nhập khẩu từ Trung Quốc, Philippines và Hàn Quốc có giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng từ 1,15-1,54 triệu đồng/bao. Còn giá phân bón NPK 20-20-15 Ba Con Cò và NPK 20-20-15 từ 1-1,24 triệu đồng/bao; phân bón NPK 30-10-10 + Bo+ TE Enter-Root ở mức 520.000 đồng/bao (25kg)…

Anh Bùi Xuân Khánh, chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Với tình hình nguồn cung dồi dào và có sự cạnh tranh của nhiều loại phân bón trong nước và nhập khẩu, dự báo tới đây giá có khả năng còn giảm. Hiện nay, nhiều nông dân không chỉ quan tâm sử dụng phân bón tiết kiệm mà còn tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ nhằm giảm sử dụng phân bón hóa học có giá cao, nhất là đối với những nông dân trồng cây ăn trái và rau màu”.

Theo ông Ðỗ Văn Tùng, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Tùng Lan ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ yếu nên dự báo tới đây giá phân bón sẽ có xu hướng bình và giảm chứ khó tăng. Thời gian qua, giá các loại phân bón đã tăng quá cao nên đã ảnh hưởng đến sức mua, nhiều nông dân buộc phải giảm sử dụng phân bón, nhất là những loại cây trồng có giá đầu ra sản phẩm thấp.

Kỳ vọng giá giảm thêm

Hiện nay, không chỉ giá phân bón còn ở mức cao mà nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng đã tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm trở lại. Không chỉ thế, giá nhân công và nhiều loại nguyên nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như xăng dầu, điện... cũng ở mức cao, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, nhất là khi giá cả đầu ra nhiều loại nông sản chưa tăng cao tương xứng để đảm bảo cho người sản xuất có lời. Nông dân rất mong giá phân bón và các loại vật tư đầu vào sớm được kéo giảm mạnh hơn nữa. Ông Huỳnh Tuấn Anh ngụ ấp Trường Phú, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Ðã xuống giống lúa đông xuân với 18 công đất và bắt đầu mua phân bón đợt đầu tiên. Gần đây, dù giá phân bón có giảm so với các tháng trước nhưng tôi mua phân bón Urê với giá hơn 700.000 đồng/bao, còn DAP có giá hơn 1,1 triệu đồng/bao. Nhìn chung, giá các loại phân bón vẫn đang cao hơn gấp đôi so với các năm trước. Tôi rất mong giá phân bón giảm mạnh hơn nữa”.

Những vụ lúa vừa qua, do vật tư đầu vào có giá cao, trong khi giá lúa đầu ra chưa tương xứng nên nông dân trồng lúa có thu nhập rất thấp. Theo ông Dương Thành ở ấp Ðông Thắng, xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ, với 5 công đất sản xuất lúa, trong 3 vụ lúa của năm 2022, gia đình ông chỉ có thể kiếm lời được khoảng 22 triệu đồng. Chỉ có vụ lúa đông xuân là kiếm lời được khoảng 1,2 triệu đồng/công, còn các vụ hè thu và thu đông vừa qua chỉ lời được khoảng 500.000 đồng/công/vụ. Nguyên nhân do giá vật tư đầu vào tăng, trong khi giá lúa không tăng theo tương xứng, năng suất lúa cũng không cao vì gặp nhiều điều kiện sản xuất bất lợi, nhất là trong các vụ hè thu và thu đông. Ông Thành cho biết: “Vụ lúa đông xuân này tôi sạ giống lúa thơm RVT với mong muốn bán được giá cao. Tôi cũng rất mong giá phân bón và các loại vật tư đầu vào sớm được kéo giảm mạnh để nông dân giảm được chi phí sản xuất và nâng cao lợi nhuận”.

Trong tình hình giá phân bón và nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất ở mức cao, nhiều nông dân đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí. Ðặc biệt, nông dân đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trong canh tác lúa nhằm sử dụng phân bón và các loại vật tư đầu vào một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất để đảm bảo và nâng cao được hiệu quả sản xuất. Dù vậy, nhìn chung nông dân vẫn còn có nhu cầu sử dụng một lượng phân bón rất lớn. Ngành chức năng cần tiếp tục có các giải pháp hiệu quả để kéo giảm và bình ổn giá phân bón. Ðồng thời, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được tiếp cận các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng và có giá cả hợp lý. Hiện nay, đa phần nông dân không thể mua phân bón trực tiếp từ các doanh nghiệp sản xuất và đầu mối kinh doanh mà phải mua hàng qua các trung gian với giá bị đội lên rất nhiều.

Theo báo Cần Thơ

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Dừa tươi tăng giá gấp đôi mùa nắng nóng

Dừa tươi tăng giá gấp đôi mùa nắng nóng

Chỉ sau 1 tháng, giá dừa tươi bán sỉ đã tăng gần gấp đôi nên các tiểu thương phải tìm cách để người tiêu dùng bớt sốc

Tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng vào ngày 25/4

Tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng vào ngày 25/4

Ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng với dự kiến đấu thầu 16.800 lượng.

Mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm TP.HCM hút khách thuê

Mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm TP.HCM hút khách thuê

Lĩnh vực bán lẻ cao cấp các ngành hàng xa xỉ như trang sức, đồng hồ,... tại TP.HCM trong thời gian qua ngày càng tăng với nhiều tên tuổi lớn. Do đó, mặt bằng tại khu vực trung tâm quận 1 đang được các đơn vị tập trung lựa chọn.

Chuyên gia nhận định giá vàng sẽ giảm nhẹ

Chuyên gia nhận định giá vàng sẽ giảm nhẹ

Thị trường vàng trong nước trong trạng thái ổn định hiếm thấy hôm nay 21/4. Các chuyên gia dự đoán giá vàng sẽ giảm nhưng không đáng kể.

Nếu Masan đưa công ty hàng tiêu dùng lên HOSE, nền tảng CrownX có thể hoãn IPO

Nếu Masan đưa công ty hàng tiêu dùng lên HOSE, nền tảng CrownX có thể hoãn IPO

Các chuyên gia từ HSBC vừa nêu ra yếu tố giúp kế hoạch niêm yết Masan Consumer Holdings trên sàn HOSE trong thời gian này trở nên khả quan. Tuy nhiên, tập đoàn Masan có thể sẽ phải lùi tiến độ IPO của nền tảng bán lẻ The CrownX.

Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng, lên mốc 77 triệu đồng/lượng

Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng, lên mốc 77 triệu đồng/lượng

Giá vàng nhẫn sáng nay (20/4) tăng mạnh theo đà tăng của giá thế giới, lên trên mốc 77 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC quay đầu giảm sau khi có thông tin đấu thầu vàng vào thứ Hai tuần tới.