Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị và có thông báo gửi các TCTD này.
Chỉ cấp cho một số ngân hàng
Đại diện NHNN khẳng định việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các TCTD theo quy định của NHNN và bảo đảm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, đồng thời khuyến khích các TCTD nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống NH.
Trước đó, từ đầu năm 2022, tại Chỉ thị số 01, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 14%; đồng thời chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn tín dụng NH.
Đến ngày 26-8, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ DN và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận tín dụng NH, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6%-6,5%, lạm phát bình quân khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ.
Cụ thể, NHNN tập trung thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý với định hướng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, hướng tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Mặt khác, NHNN còn đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; phấn đấu duy trì tỉ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn (dưới 3%); ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan…
Với hạn mức tín dụng mới được cấp, hàng chục ngàn tỉ đồng sẽ được các ngân hàng thương mại đưa vào nền kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh dịp cuối năm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ưu tiên giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%
Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một số NH thương mại cho biết đã nhận được thông báo phân bổ hạn mức tín dụng từ NHNN. Các NH cũng đã chuẩn bị hàng chục ngàn tỉ đồng và sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Ông Trần Tấn Lộc, Tổng Giám đốc NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho hay room tín dụng của NH được tăng từ 10% lên 11,2%. Theo đó, Eximbank đã sẵn sàng 2.000 tỉ đồng và sẽ tập trung giải ngân cho các DN xuất nhập khẩu, hộ kinh doanh vay vốn lưu động với thời hạn vay từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Eximbank cũng tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng theo Nghị định 31 của Chính phủ cho các nhóm khách hàng đủ điều kiện.
Lãnh đạo NH Á Châu (ACB) thông tin hạn mức tăng trưởng tín dụng của ACB được tăng từ 10% lên gần 13%, tức tăng gần 3 điểm %. NH ước tính từ nay đến cuối năm sẽ cung ứng cho khách hàng nguồn vốn khoảng 12.000 tỉ đồng.
"Hiện tại, chúng tôi đang tập trung phần lớn số tiền này để cho vay vốn lưu động đối với nhóm khách sản xuất - kinh doanh. Phần còn lại sẽ cho vay đối với cá nhân mua nhà để ở hoặc những người thu nhập ổn định nhưng có nhu cầu tích lũy tài sản là nhà đất" - lãnh đạo ACB nói.
Đại diện NH Quân đội (MB) cho biết MB được nới room khoảng 3,2%. Với hạn mức này, NH sẽ đáp ứng vốn cho những khách hàng cá nhân và DN đã đăng ký vay trước đó nhưng chưa được giải ngân do hết room. Còn những khách hàng đăng ký vay mới vẫn phải tiếp tục chờ vì room tín dụng được phân bổ không đáp ứng hết nhu cầu.
Một đại diện NH thương mại cổ phần quy mô lớn khác cũng nói rằng room tín dụng được phân bổ tại NH của ông thấp hơn kỳ vọng, cụ thể là dưới 3%. Con số này không lớn so với nhu cầu vốn của DN nhưng ông cũng nhìn nhận trong bối cảnh hiện tại, dưới sức ép của lạm phát, tỉ giá, việc kiểm soát room tín dụng toàn hệ thống ở mức 14% là phù hợp.
Về phía DN, một số lãnh đạo bày tỏ hy vọng được tiếp cận vốn vay sau thông tin phân bổ room tín dụng. Giám đốc một công ty du lịch ở TP HCM cho biết công ty đang rất cần vốn và DN cũng đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước. Do đó, nếu được vay và giải ngân sớm sẽ hỗ trợ chi phí tài chính cho DN trong giai đoạn du lịch đang phục hồi như hiện nay.
Không đưa thêm điều kiện, thủ tục khác
Cũng trong ngày 7-9, NHNN tiếp tục có văn bản về đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các NH thương mại rà soát danh sách các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1-1-2022 và có phát sinh thời điểm trả nợ từ ngày 20-5-2022 để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ; thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Đồng thời rà soát lại các quy định, hướng dẫn nội bộ để bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định; không ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định nhằm hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất; không để xảy ra trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.
Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.