Giá dầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014 giữa lúc giá khí đốt tự nhiên châu Âu giao trong tương lai tăng đột biến, thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, tiền số lao dốc, giá vàng tăng "phi mã"... là những diễn biến chính trong ngày 24-2 sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào miền Đông Ukraine.
Dầu thô vượt 100 USD/thùng
Trong ngày, giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) giao trong tương lai tăng hơn 5% lên mức 96,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent cũng tăng hơn 5% lên mức 102,06 USD/thùng, lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014. Được xem là kênh trú ẩn an toàn, giá vàng giao ngay tăng hơn 1,7%, lên mức cao chưa từng thấy kể từ đầu tháng 1-2021.
Giá khí đốt giao trước một tháng theo hợp đồng tại Trung tâm TTF Hà Lan (giá tiêu chuẩn cho khu vực châu Âu) có thời điểm tăng thêm 31%, lên mức 130,44 USD/megawatt-giờ (MWh). Theo báo The New York Times, Nga chiếm hơn một phần ba nguồn cung khí đốt cho Liên minh châu Âu, với một phần trong số này chạy qua các đường ống ở Ukraine.
Giá đồng bạc xanh cũng tăng tới 10,45% so với giá đồng rúp của Nga, lên mức 1 USD đổi 89,89 rúp trong lúc đồng euro giảm 0,8%, xuống mức 1 euro đổi 1,1220 USD. Tâm lý bất an cũng bao trùm các thị trường tiền điện tử, đẩy Bitcoin xuống mức dưới 35.000 USD/đồng lần đầu tiên trong một tháng.
Người dân đeo khẩu trang đi qua màn hình hiển thị chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông - Trung Quốc vào ngày 24-2. Ảnh: REUTERS
Các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới tràn ngập sắc đỏ trong ngày 24-2 với mức giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản có lúc giảm 2,1% trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 3,1%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,7% và chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,9%.
Các chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ cũng bốc hơi, với Dow Jones, S&P 500, Nasdaq 100 giảm lần lượt 2,1%; 2,2% và 2,7%. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở châu Âu khi chỉ số chứng khoán tương lai Euro Stoxx 50 và DAX có thời điểm cùng giảm hơn 3,5% trong lúc FTSE giảm 2%.
Tại Nga, Sàn Giao dịch chứng khoán Moscow và Sàn Giao dịch chứng khoán St. Petersburg thông báo tạm ngừng hoạt động vào đầu ngày khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Ngay khi mở cửa trở lại vào lúc 10 giờ (giờ địa phương), chứng khoán Nga giảm hơn 50%, trong đó chỉ số RTS có thời điểm giảm 50,05% và chỉ số MOEX giảm 44,59%.
Theo chuyên gia Takahide Kiuchi của Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản), lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ gây tác động nặng nề đến kinh tế nước này nói riêng và thế giới nói chung. "Các biện pháp trừng phạt sẽ khiến giá dầu leo thang, cổ phiếu lao dốc trong lúc tài sản ít rủi ro như đồng yen của Nhật Bản tăng giá" - chuyên gia Kiuchi giải thích, đồng thời khẳng định những diễn biến này có thể làm chệch hướng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Theo chuyên gia Howie Lee của Ngân hàng OCBC (Singapore), châu Á sẽ cảm nhận "sức nóng" từ việc giá năng lượng gia tăng nếu lệnh trừng phạt ngăn Nga xuất khẩu dầu ra thị trường quốc tế. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Dan Wang của Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc) cảnh báo chiến tranh Nga - Ukraine (nếu có) sẽ gây ra khủng hoảng lương thực và năng lượng đặc biệt nghiêm trọng tại các quốc gia có tỉ lệ lạm phát cao và phụ thuộc lớn vào nguồn cung lúa mì của Nga cũng như Ukraine, như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Lebanon... "Dù vậy, chiến tranh Nga - Ukraine lại gây tác động hạn chế đến thương mại toàn cầu bởi ngoài dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, Nga không có chuỗi cung ứng có thể gây ảnh hưởng đến toàn thế giới như Trung Quốc" - vị này nhận định.
Chứng khoán Việt giảm mạnh
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa trong trạng thái giằng co quanh tham chiếu 1.510 điểm. Đến giữa buổi sáng, khi thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt của quân đội Nga ở miền Đông Ukraine đã kích hoạt lực bán mạnh trước giờ nghỉ trưa. Gần như toàn thị trường chìm trong sắc đỏ, chỉ có nhóm cổ phiếu dầu khí đi lên theo giá dầu thế giới nhưng không đủ ngăn được VN-Index rớt 15 điểm và mất vùng hỗ trợ 1.500 điểm.
Đến đầu phiên chiều, khi thông tin xấu liên quan tới Ukraine dồn dập xuất hiện càng khiến áp lực bán gia tăng, thể hiện qua việc số lượng cổ phiếu giảm gấp 8 lần số cổ phiếu tăng. VN-Index mất hơn 37 điểm chỉ trong 10 phút đầu phiên chiều và lùi sâu xuống vùng 1.475 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận sự hoảng loạn bán tháo của các nhà đầu tư ngày 24-2. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy nhiên, đà giảm sâu không kéo dài lâu. Dòng tiền ồ ạt giải ngân ở vùng giá thấp giúp chỉ số hồi phục dần, lên 1.480 điểm rồi 1.490 điểm. Nhiều cổ phiếu chạm sàn đã thu hẹp biên độ giảm còn 4%-5%. Một số mã vốn hóa trung bình thậm chí còn đảo chiều đi lên và chạm trần sau phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa.
VN-Index nhờ đó chốt phiên tại 1.494,85 điểm, mất 17 điểm so với tham chiếu. HNX-Index giảm 7,66 điểm, xuống 434,88 điểm. UPCoM-Index giảm 1,19 điểm, xuống 112,32 điểm. Dòng tiền mạnh dạn bắt đáy đã đẩy giá trị giao dịch trên toàn thị trường tăng lên tới 42.570 tỉ đồng, cao nhất từ đầu năm tới nay.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), cho rằng thị trường giảm sâu chủ yếu do tâm lý của nhà đầu tư. Trong khi nhiều tổ chức lớn và các nhà đầu tư có kinh nghiệm lại đặt lệnh "phục kích" chờ mua cổ phiếu giá rẻ. Trên thực tế, chiến tranh giữa Nga và Ukraine chưa thực sự diễn ra và nếu có cũng không ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế Việt Nam, có chăng chỉ làm giá nhiên liệu tăng. Chưa kể, nền kinh tế Việt Nam đang trong chu kỳ phục hồi và theo chiều hướng tốt là yếu tố hỗ trợ tốt nhất cho thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cũng cho rằng khủng hoảng tài chính hay dịch bệnh thường tạo ra những cú giảm sâu và dài với thị trường chứng khoán nhưng với những xung đột địa chính trị hay việc Mỹ tăng lãi suất chỉ ảnh hưởng ngắn hạn với thị trường. Điều này có nghĩa thị trường chứng khoán có thể giảm mạnh trong ngắn hạn nhưng trong trung và dài hạn sẽ quay lại đà tăng. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu cơ thường tận dụng đợt rủi ro địa chính trị để mua vào.
Nhìn vào lịch sử, ông Minh đánh giá thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và sắp tới là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Song, điều này chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn. Sự kiện Ukraine đã từng xảy ra trong lịch sử và chỉ ảnh hưởng về mặt thương mại, gây ra những tác động về kinh tế. Khi đó, nền kinh tế toàn cầu có khả năng suy giảm nhưng sẽ có những quốc gia được hưởng lợi. "Nhà đầu tư không nên quá bi quan, lịch sử đã chứng minh sẽ khởi sắc trở lại" - ông Minh nói.
Giá vàng SJC lập kỷ lục
Trái ngược với diễn biến trên thị trường chứng khoán, thị trường vàng đã chứng kiến một ngày tăng giá kỷ lục. Giá vàng SJC tăng 700.000 đồng/lượng lên 64,3 triệu đồng/lượng vào đầu ngày. Đến buổi trưa, giá vàng SJC đã tăng thêm 600.000 đồng/lượng theo đà tăng của giá vàng thế giới lên mức 64,9 triệu đồng/lượng. Đến chiều, tuy giá vàng quốc tế có dấu hiệu khựng lại nhưng giá vàng SJC vẫn tăng tiếp 600.000 đồng/lượng, chốt ngày tại 65,5 triệu đồng/lượng, mức giá cao chưa chưa từng có tại Việt Nam. Tính chung cả ngày, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 1,9 triệu đồng/lượng.
Trước đà tăng nóng của vàng SJC, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K cũng vượt qua 55 triệu đồng/lượng (5,5 triệu đồng/chỉ).
Trên thị trường quốc tế, giá vàng trong ngày 24-2 đã tăng "phi mã", lên mức cao nhất trong vòng 20 tháng qua. Lúc 16 giờ (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1.940 USD/ounce, tăng 30 USD/ounce so với mức giá đầu ngày. Với mức giá này, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 53,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC 11,5 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh căng thẳng Nga - Ukraine là nguyên nhân chính khiến giá vàng nóng lên, nhà đầu tư tìm đến kim loại như một kênh trú ẩn an toàn. Điều này tác động tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài ra, việc giá dầu thế giới tăng cao cũng góp phần "đốt nóng" giá vàng.
Theo ông Thịnh, người dân không nên mua vàng lúc này vì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên tới hàng chục triệu đồng/lượng. Nếu nắm giữ vàng, người mua có thể gặp thiệt thòi rất lớn một khi thị trường đảo chiều.