Thứ hai, 29/04/2024

Thạch cầm vang giữa 'thung lũng tử thần'

01/05/2023 3:14 PM (GMT+7)

Trong chiến tranh chống Mỹ, vùng Tô Hạp, Khánh Sơn (Khánh Hòa) là "thung lũng tử thần", là “đất chết”, vùi thây bao quân Mỹ. Bây giờ, Khánh Sơn chuyển mình phát triển kinh tế, du lịch. Ở đó không chỉ có tiếng đàn Chapi mà còn có “thạch cầm” - một thứ nhạc cụ độc đáo kèm nghệ thuật trình diễn không hề trộn lẫn…

Vùng căn cứ trọng yếu

Từ thành phố Cam Ranh, theo tỉnh lộ số 9, chúng tôi ngược ngàn lên Khánh Sơn, huyện miền núi của Khánh Hòa, nơi còn ẩn chứa nhiều nét văn hóa, câu chuyện lịch sử chưa được đề cập đầy đủ.

Cuối chiều, từ đỉnh đèo Khánh Sơn cao vời vợi nhìn xuống, thị trấn Tô Hạp thấp thoáng dưới làn khói sương bàng bạc. Xuống chân đèo (địa phận xã Ba Cụm Bắc), anh lái xe khoe với chúng tôi, nơi đây có dòng sông Tô Hạp chảy rất lạ lùng.

Nếu như, hầu hết các con sông trên đất Việt xuôi về phía đông để đổ ra biển thì nó chảy ngược về phía mặt trời lặn. Từ xã Ba Cụm Nam, sông Tô Hạp quay về xã Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Tô Hạp, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn rồi đổ về phía tỉnh Ninh Thuận. Nhiều người ví dòng Tô Hạp như nguồn sữa mẹ của Khánh Sơn, bởi nó tưới tắm cho hầu hết vùng đất này.

Tô Hạp là trung tâm huyện lỵ của Khánh Sơn. Tô Hạp vốn là tên gọi một loài cây có họ hàng với cây thông, mọc ven sông Tô Hạp, có nhựa, vừa làm dược liệu, vừa là hương liệu.

Thung lũng Tô Hạp còn nổi tiếng là căn cứ địa cách mạng vững chắc của quân và dân ta, được mệnh danh là “thung lũng tử thần” là nỗi ám ảnh kinh hoàng của giặc Mỹ xâm lược và có anh hùng Bo Bo tới diệt máy bay địch bằng súng trường...

Năm 2008, Di tích lịch sử căn cứ cách mạng Tô Hạp được xếp hạng di tích cấp tỉnh, với 3 địa điểm hợp thành gồm: Khu vực Suối Giá (xã Ba Cụm Bắc), khu vực Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp), khu vực Xóm Cỏ (xã Sơn Bình).

Mới đây, huyện Khánh Sơn đã tổ chức khánh thành Bia chiến thắng trận "Thiềm đầu thủy" nhằm tôn vinh, ghi nhớ và tri ân chiến công của quân và dân nơi đây đã đánh bại cuộc hành quân rầm rộ của Mỹ đầu tháng 6/1963.

Lúc đó, địch với lực lượng gồm một trung đoàn chủ lực, ba tiểu đoàn các binh chủng công binh, pháo binh và thông tin với 1.600 quân, 23 máy bay trực thăng, hai máy bay trinh sát; 5 máy bay khu trục, một đại đội pháo 105 ly… được sự yểm trợ của pháo hạng nặng từ các chiến hạm ở quân cảng Cam Ranh. Địch đặt tên cho chiến dịch quân sự này là “Thiềm đầu thủy”.

Sau một tháng ròng rã, dựa vào “thế trận làng xã”, quân và dân Khánh Sơn đã tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, buộc chúng phải rút chạy về căn cứ quân sự Cam Ranh. “Thiềm đầu thủy” đại bại và cái tên "thung lũng tử thần" xuất hiện từ đó.

Thạch cầm vang giữa 'thung lũng tử thần' - Ảnh 1.

Anh Bo Bo Hùng biểu diễn đàn đá.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, Khánh Sơn có vị trí thuận lợi vì nằm trên trục đường giao thông liên lạc quan trọng của Liên khu V, đối diện với căn cứ quân sự Cam Ranh nên liên tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Khánh Hòa chọn nơi đây để xây dựng căn cứ, làm chỗ dựa để mở rộng phong trào cách mạng, chống Mỹ - Ngụy trên địa bàn Nam Trung Bộ. Các di tích lịch sử cách mạng như Suối Giá, Tô Hạp, Xóm Cỏ có từ thời đó nay là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, phục vụ nhu cầu tham quan du lịch.

Tiếng thạch cầm mến yêu

Màn đêm buông xuống trên những đồi thông, vườn sầu riêng xung quanh “Thung lũng tử thần” rì rào tiếng gió, mang theo chút se lạnh. Những ánh điện đường hòa cùng làn sương mỏng phảng phất khiến Thị trấn Tô Hạp hơi giống một Đà Lạt thu nhỏ.

Thạch cầm vang giữa 'thung lũng tử thần' - Ảnh 2.

Tuổi trẻ ở huyện Khánh Sơn chơi đàn đá.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, Khánh Sơn là vùng đất của văn hóa, lịch sử với trên 75% dân số là người Raglai. Và đàn đá là “hồn thiêng” của người Raglai.

Người Raglai coi tiếng đàn đá là phương tiện kết nối cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất, thần linh, giữa hiện tại với quá khứ. Vậy nên, trong các lễ, hội của người Raglai như lễ bỏ mả, lễ ăn mừng lúa mới hay những dịp hội vui của buôn làng… đều có tiếng đàn đá. Đàn đá còn đi khắp nương rẫy để đuổi muông thú, bảo vệ mùa màng.

Ông Đông dẫn chúng tôi ghé thăm Di tích khảo cổ học Dốc Gạo, nơi phát hiện những thanh đàn đá có niên đại hàng nghìn năm. Tại đây có một bia đá, trên đề dòng chữ: “Tại thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, năm 1977, ông Bo Bo Ren, người dân tộc Raglai phát hiện 12 thanh đá với kích thước, hình dáng khác nhau, có thể phát ra âm thanh khác nhau…”.

Căn cứ vào những hiện vật tìm thấy, các nhà khảo cổ học đã kết luận bộ đàn đá này có niên đại từ 2.000 đến 5.000 năm. Năm 1979, Việt Nam chính thức công bố với thế giới về việc phát hiện bộ đàn đá Khánh Sơn, loại nhạc cụ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Từng được xem hòa tấu đàn đá nhiều lần nhưng đây là lần đầu chúng tôi được xem trực tiếp. Anh Bo Bo Hùng, người của Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn là người biểu diễn. Đôi tay anh thoăn thoắt chiếc búa, gõ lên những thanh đàn đá như thả từng giọt thanh âm trầm bổng thành giai điệu. Tiếng đàn trong bài hát “Đàn ơi! Hát cùng ta” (của nhạc sỹ Bằng Linh) khi ngân lên vui nhộn, nhịp nhàng, thánh thót róc rách như tiếng suối chảy, có lúc rộn vang như tiếng mưa rừng…

Anh Hùng sinh năm 1976 là người dân tộc Raglai, ở thôn Dốc Gạo xã Tô Hạp. Năm 2002, sau khi học xong lớp Trung cấp văn hóa nghệ thuật, anh về Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn công tác.

“Khi được tiếp cận đàn đá, nghe tiếng gõ bòong beng, thấy hay quá, thế là thích, tôi tiếp cận học. Ngoài tìm tòi trong sách vở, tôi tìm đến các nghệ nhân, các già làng để học, rồi mới biết đàn đá cũng có từng nốt Đồ, La, Mi… Cứ thế, tôi hiểu và thuần thục đàn. Đàn đá là bản sắc của dân tộc, tôi là người con của Raglai, là con của núi rừng, tôi phải học, giữ gìn và lưu truyền cho thế hệ sau”, anh Bo Bo Hùng nói và cho biết, đá được chọn để làm đàn đá Khánh Sơn phải là loại đặc biệt khác hẳn so với các nơi khác. Đó là loại đá hình thành từ quá trình phun trào của núi lửa (đá rhyolit), thường chỉ có ở vùng Khánh Sơn hay Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa).

Hiện nay, thế hệ trẻ cũng biết đến, yêu quý đàn đá và bắt đầu tìm tòi học hỏi. Vì thế, huyện Khánh Sơn đã mở lớp học chơi đàn đá. Hiện có hơn 60 người theo học, trong đó chủ yếu thanh niên. Nhiều em đã đánh đàn thuần thục như Tô Ngọc Minh ở xã Xuân Hiệp, Bo Bo Thị Trang ở thị trấn Tô Hạp…

Bên dòng Tô Hạp hôm nay, cùng Bo Bo Hùng còn có hai học viên khác đang chơi đàn đá Khánh Sơn. Em Tô Ngọc Minh ở xã Xuân Hiệp phấn khởi nói rằng, mình may mắn được biết, được tìm hiểu đàn đá và được truyền thụ cách chơi đàn đá rất bài bản. “Em sẽ học thật tốt để góp phần phát triển du lịch địa phương, lưu truyền văn hóa dân tộc Raglai cho thế hệ sau”, Minh cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Đông, Phó chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Raglai, huyện đã phục dựng 10 bộ đàn đá và giao cho các xã quản lý. Đồng thời, huyện, xã mở các lớp đào tạo thế hệ trẻ để duy trì, trao truyền cho thế hệ sau. Trong các lễ hội, huyện đã tổ chức giao lưu và quảng bá đàn đá đến các địa phương để thu hút du lịch…

Theo Tiền Phong

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đông đúc chợ đêm TP.HCM

Đông đúc chợ đêm TP.HCM

Dịp nghỉ lễ này, thời tiết nắng nóng nên nhiều gia đình ở TP.HCM không đi chơi xa và buổi tối thường đi đến các chợ đêm (còn gọi là phố ẩm thực) để vui chơi, mua sắm, ăn uống. Có chợ đêm lượng khách tăng gần gấp đôi ngày thường.

Thái Lan có đến 3 thành phố được người Việt đổ xô tìm kiếm, đi du lịch lễ 30/4

Thái Lan có đến 3 thành phố được người Việt đổ xô tìm kiếm, đi du lịch lễ 30/4

Các thành phố được mệnh danh là thiên đường du lịch ở khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á được người Việt yêu thích. Đáng chú ý, Thái Lan có đến 3 thành phố được người Việt quan tâm dịp lễ 30/4 này.

Những món nghe tên ngồ ngộ nhưng thưởng thức thơm ngon tại Cần Giờ

Những món nghe tên ngồ ngộ nhưng thưởng thức thơm ngon tại Cần Giờ

Cần Giờ được biết là một ốc đảo xanh tươi nhờ thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái rừng ngập mặn, đặc biệt với nhiều sản vật tươi sống, tạo nên nền ẩm thực Cần Giờ phong phú và đa dạng như Gỏi cá thòi lòi trộn lá lìm kìm, Lẩu ba khía lá buôi, Cá dứa một nắng, địa sâm...

Du khách ùn ùn lên đường đi chơi lễ 30/4

Du khách ùn ùn lên đường đi chơi lễ 30/4

Người dân ùn ùn đi du lịch lễ 30/4. Các điểm đến như du lịch biển và vùng núi với khí hậu mát mẻ được ưu tiên hàng đầu.

Đặc sắc Lễ hội Ẩm thực ba miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn

Đặc sắc Lễ hội Ẩm thực ba miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn

Lễ hội Ẩm thực ba miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn, Quận 1, TP.HCM đang thu hút nhiều người dân, du khách đến vui chơi và thưởng thức. Đây là lần đầu tiên Thảo cầm viên Sài Gòn tổ chức lễ hội ẩm thực để thu hút thêm nhiều du khách đến đây vui chơi vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Người dân TP.HCM thong thả vui chơi, tận hưởng ngày đầu nghỉ lễ 30/4

Người dân TP.HCM thong thả vui chơi, tận hưởng ngày đầu nghỉ lễ 30/4

Đường phố, điểm tham quan, vui chơi tại TP.HCM không quá đông đúc trong ngày 27/4. Nhờ vậy, người dân có thể tận hưởng không khí và thong thả trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.