Ngày 24-10, UBND TP HCM đã có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Theo đó, UBND TP HCM thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố tính đến ngày 24-10 là đang ở cấp độ 2 ("vùng vàng" - nguy cơ trung bình).
Nhiều hoạt động được phép quay lại
Với cấp độ dịch này, theo tinh thần Nghị quyết 128, TP HCM có thể sẽ nới lỏng thêm một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đi lại… Cụ thể, các hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải được phép hoạt động có điều kiện; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh được phép hoạt động. Riêng đối với người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ có đăng ký (bao gồm nhân viên của doanh nghiệp bưu chính), trong trường hợp cần thiết UBND TP HCM có thể quy định về số lượng tham gia lưu thông trong cùng một thời điểm. Đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động nhưng phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp an toàn.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối được hoạt động nhưng phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Trường hợp cần thiết, UBND TP HCM sẽ quy định hạn chế số lượng người bán, mua cùng một thời điểm.
Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, thì các cửa hàng, nhà hàng ăn uống và các siêu thị, trung tâm thương mại TP HCM được hoạt động nhưng phải bảo đảm điều kiện cần thiết theo quy định và do UBND thành phố đưa ra. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Riêng đối với nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống được phép hoạt động nhưng phải bảo đảm quy định về phòng chống dịch của Bộ Y tế; đồng thời, UBND TP HCM quy định các điều kiện cần thiết để hoạt động an toàn, bao gồm hạn chế số lượng người bán, mua cùng một thời điểm. Đặc biệt, hoạt động bán hàng rong, vé số dạo… được hoạt động có điều kiện và UBND TP HCM quy định các điều kiện cần thiết khi hoạt động trở lại.
Hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp được hoạt động hạn chế, bảo đảm phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự cũng hoạt động hạn chế; có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. UBND TP HCM quy định số lượng người tham gia.
Bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao... hoạt động hạn chế. Cơ sở có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch (bao gồm việc tự tổ chức xét nghiệm cho nhân viên, người lao động, điều kiện đối với người tham quan, khán thính giả và phương án xử lý khi có ca mắc mới); giảm công suất, số lượng người tham gia. Cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch được hoạt động nhưng kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; đồng thời bảo đảm công suất, số lượng người tham gia.
Không nóng vội, an toàn là trên hết!
Theo Sở Y tế TP HCM, việc đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 căn cứ vào 3 tiêu chí chính là tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần; độ bao phủ vắc-xin (tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19) và bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các tuyến.
Theo đó, thống kê ở TP HCM cho thấy số ca mắc mới trong tuần từ ngày 15 đến 21-10 là 6.635 ca. Số ca mắc mới của tuần trước đó từ ngày 8 đến ngày 14-10 là 6.815 ca. Với dân số trên địa bàn thành phố tính đến ngày 21-10 là hơn 9,1 triệu dân, như vậy tổng số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 dân/tuần trên địa bàn thành phố là 73,5 ca. Hiện TP HCM có hơn 99% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin (đạt trên mức 70%), gần 92% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vắc-xin (đạt trên mức 80%).
Bên cạnh đó, TP HCM đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm các y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4. Các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ôxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn để đáp ứng khi có dịch xảy ra. Như vậy, TP HCM đang ở cấp độ 2 và sẽ thực hiện "mở cửa" theo cấp độ này đã quy định như trên.
Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố chủ trương mở lại các dịch vụ nhưng sẽ mở từ từ, mở ở đâu, khi nào mở, quy mô thế nào là dựa trên đánh giá mức độ an toàn. Cụ thể, TP HCM sẽ mở dần các dịch vụ ăn uống tại chỗ, dịch vụ khác để người dân phát triển sinh kế. "Tất nhiên, khi mở phải theo các bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực mà UBND TP HCM đã quy định. Gốc của vấn đề là có nguy cơ hay không. Nếu bảo đảm kiểm soát được nguy cơ thì làm" - ông Phan Văn Mãi nói.
Trên tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay TP HCM không ra "một công thức chung áp dụng hết cho các địa phương". Thay vào đó, có những nội dung cần liên thông sẽ liên thông nhưng có những việc thuộc địa bàn sẽ do chính quyền địa phương tự quyết. "Ví dụ như khu vực này đạt cấp 1 rồi thì sẽ được mở nhiều dịch vụ hơn địa bàn còn ở nguy cơ mức 2, 3. Các hoạt động sinh kế cũng theo đó mà mở ra. Tuy nhiên, do dịch đang diễn biến nên phải căn cứ theo nguyên tắc của Nghị quyết 128, địa bàn nào an toàn thì được mở" - Chủ tịch UBND TP HCM nêu quan điểm.
Gần 50% địa phương ở TP HCM đạt "vùng xanh"
Trong ngày 24-10, TP HCM cũng công bố cấp độ dịch đối với từng quận, huyện và TP Thủ Đức. Theo đó, có 9/22 địa phương đạt cấp độ 1 ("vùng xanh" - bình thường mới), gồm TP Thủ Đức, quận 1, quận 7, quận 8, quận 10, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi. Có 12/22 địa phương đạt cấp độ 2 ("vùng vàng" - nguy cơ trung bình), gồm quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 11, quận 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Quận Bình Tân đạt cấp độ 3 ("vùng cam" - nguy cơ cao). Ngoài ra, TP HCM cũng đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn. Theo đó có 199/312 địa phương đạt cấp độ 1; 96/312 địa phương đạt cấp độ 2 và 17/312 địa phương đạt cấp độ 3.
Theo đó, UBND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính "Thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn" trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.
Hôm nay, xem cấp độ dịch trên cổng thông tin
Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết từ ngày 25-10, Cổng thông tin Covid-19 TP HCM sẽ cung cấp thông tin chính thức cấp độ dịch cho lãnh đạo và người dân thành phố. UBND các cấp thuộc TP HCM có nhiệm vụ thường xuyên rà soát và cập nhật lên Cổng thông tin Covid-19 khi có biến động, thay đổi về cấp độ dịch trên địa bàn.
Về phần mềm hỗ trợ quản lý và cung cấp thông tin cấp độ dịch lên Cổng thông tin Covid-19 TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai và cấp tài khoản sử dụng phần mềm cho đơn vị để phục vụ đánh giá cấp độ dịch theo quy mô quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xā, thị trấn, tổ dân phố, tổ nhân dân. Người dân, tổ chức có thể truy cập và theo dõi thông tin cấp độ dịch trên cổng Covid-19 của TP HCM tại địa chỉ: https://covid19.hochiminhcity.gov.vn/bando hoặc https://bando.tphcm.gov.vn.
Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đăng kiểm và cấp chứng nhận an toàn sau thời gian chạy thử nghiệm.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, đã dùng tiền để mua chuộc cán bộ. Sau khi nhận 250.000 USD từ Hạnh, 2 cựu Vụ phó và Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đồng ý tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép.