Tiêu dùng số gắn liền cùng các hoạt động thương mại điện tử - Một lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Cùng với sự thay đổi trong xu hướng hành vi tìm kiếm thông tin, mua sắm hàng hóa sản phẩm, dịch vụ, các hình thức thanh toán không tiền mặt cũng dần lên ngôi, được ứng dụng ngày càng nhiều trong đời sống xã hội... Tại Việt Nam, cùng với Cuộc cách mạng 4.0, tiêu dùng số đã dần trở thành một kênh tiêu dùng phổ biến trong đời sống kinh tế. Đặc biệt, từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, cách thức mua sắm của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng cũng đã có nhiều thay đổi. Thay vì đi mua sắm trực tiếp tại chợ, siêu thị, cửa hàng, nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến (online), lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng hàng hóa phải nhanh chóng thích ứng trước xu hướng tiêu dùng mới bằng việc thay đổi hình thức mua bán, giao hàng; nâng cao chất lượng, mẫu mã, giảm giá thành sản phẩm... Theo ông Hồ Đức Minh, Chánh Văn phòng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, xu hướng gia tăng các hoạt động tiêu dùng số, mua sắm trực tuyến đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số, tạo dấu ấn mạnh hơn trên thị trường trực tuyến. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, những tiện ích lớn mà tiêu dùng số mang lại đã tạo ra nhiều thay đổi trong thói quen và hành vi của người tiêu dùng cũng như tạo ra những xu hướng mới. Việc nắm bắt, làm chủ xu hướng này sẽ quyết định trực tiếp đến sự tăng trưởng của các đơn vị kinh tế dù đó là quy mô hộ gia đình hay các công ty, tập đoàn lớn. Câu chuyện điển hình là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh thì việc nhiều nông dân ở các tỉnh vùng cao như Sơn La, Lào Cai, Hà Giang… đã bán được hàng trăm tấn nông sản thông qua các mô hình livestream bán hàng, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng số. Đây có thể coi là dẫn chứng cụ thể cho việc thích ứng của người sản xuất trước xu thế tiêu dùng số của xã hội.

Bên cạnh đó, một điều kiện thuận lợi để phát triển tiêu dùng số ở Việt Nam hiện nay đó là tỷ lệ người dân sử dụng internet tương đối cao. Với gần 69 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số thường xuyên sử dụng internet; mỗi ngày trung bình mỗi người truy cập internet vài giờ đồng hồ… là cơ sở để tiêu dùng số, kinh tế số tiếp tục phát triển. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam dẫn chứng: “Ví dụ đơn giản như trong những năm gần đây, sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số với các phân ngành như trò chơi điện tử, các dịch vụ về giải trí số, dịch vụ âm nhạc trực tuyến, dịch vụ hình ảnh, các lĩnh vực của dịch vụ mạng xã hội, xuất bản số phát triển rất mạnh mẽ và đóng góp tích cực không chỉ cho nền kinh tế số Việt Nam mà cho nền kinh tế Việt Nam nói chung”.

Thích ứng cùng tiêu dùng số - Ảnh 2.

Người dân huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai tự tin bán nông sản qua mạng. (Ảnh: Trọng Bảo).

Thực tế, để bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng số, nhiều doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam đã sớm đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số tích hợp để đưa đến trải nghiệm tối ưu cho khách hàng, tạo cơ sở để chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử. Cơ quan chức năng các cấp cũng có nhiều giải pháp, biện pháp hỗ trợ để hoạt động tiêu dùng số nói chung được thuận lợi hơn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và cộng đồng tham gia an toàn, hiệu quả. Đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; thực hiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia, 10/10; hỗ trợ người dân tiêu dùng số trong Tháng tiêu dùng số (tháng 10 hằng năm)...

Tuy nhiên, tiêu dùng số ở Việt Nam hiện cũng gặp những khó khăn nhất định, như yêu cầu đổi mới, nâng cao công nghệ, đầu tư phần mềm, đào tạo nhân sự bán hàng, nhân sự giao hàng; yêu cầu đồng bộ giữa tiêu dùng số với thanh toán số... Kinh phí cho các hoạt động này thường khá lớn và đang là “bài toán” đối với hầu hết các doanh nghiệp trong quá trình thích ứng cùng tiêu dùng số.

Mặt khác, vì nhiều lý do nên đến nay dù đã có bước phát triển đáng kể nhưng tiêu dùng số chủ yếu vẫn đang tập trung ở các đô thị lớn, các khu vực đông dân cư như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố HCM, Đà Nẵng… Hoặc mới lan tỏa đến khu vực trung tâm của các địa phương khác. Điều này được lý giải là do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin - internet chưa đồng bộ; logistics chưa thuận lợi vì chi phí cao; khả năng tiếp cận các hoạt động số của người dân ở một số khu vực còn thấp; niềm tin của người tiêu dùng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng mua bán trực tuyến thiếu minh bạch, hàng hóa không bảo đảm chất lượng…

Đời sống xã hội phát triển, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa và hướng tới các sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Vì vậy, để thích ứng với tiêu dùng số, vấn đề quan trọng đặt ra đối với các doanh nghiệp đó là phải tuân thủ chặt chẽ các quy định bán hàng như số lượng đầy đủ, quản trị được chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Tất cả các sản phẩm tham gia trong chuỗi tiêu dùng số đều phải công khai nguồn gốc xuất xứ, dán tem QR code để có thể truy xuất nguồn gốc cùng những thông tin cơ bản khác.

Với vai trò chủ thể thích ứng tiêu dùng số, tận dụng xu hướng tiêu dùng số để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, mang lại những trải nghiệm đa tiện ích cho khách hàng.

Bên cạnh đó, về lâu dài để thích ứng cùng tiêu dùng số, cần thu hẹp khoảng cách về hạ tầng kỹ thuật số, sự phát triển khoa học công nghệ giữa các thành phố lớn và các địa phương; hình thành ở người dân thói quen tiêu dùng số trên cơ sở đồng bộ theo hướng số hóa chuỗi tiêu dùng số, từ quản lý quy trình sản xuất, tiếp thị sản phẩm, cung ứng hàng hóa đến thanh toán số. Tăng cường sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn để doanh nghiệp có những thuận lợi trong ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, từng bước hoàn thiện hạ tầng pháp lý, tiếp tục bổ sung hệ thống các quy định để vừa xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, vừa bảo đảm tính cạnh tranh và phát triển bền vững giữa các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ...

Đặc biệt, với vai trò là nhân tố không thể thiếu trong chuỗi tiêu dùng số, rất cần sự góp sức của người tiêu dùng thông qua việc mạnh dạn tìm hiểu và tham gia các giao dịch thương mại điện tử; cũng như lên tiếng, phản ánh về những hiện tượng tiêu cực, những vi phạm của các đơn vị cung cấp sản phẩm… qua đó góp phần xây dựng thị trường tiêu dùng số ở Việt Nam thực sự minh bạch, lành mạnh, an toàn.

Theo ĐCSVN