Việc di dời nhà ở trên các kênh rạch và chỉnh trang các dòng kênh là giải pháp căn cơ, bền vững để cải tạo bộ mặt đô thị, xử lý dứt điểm tình trạng ngập, ô nhiễm trên địa bàn TPHCM, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Dọc theo dòng kênh Tẻ (quận 4) có hàng nghìn căn nhà chỉ che chắn tạm bợ bằng vật liệu như tôn, ván gỗ đã xuống cấp. Người dân sống chung với mùi hôi nồng nặc, nhất là vào mùa nắng nóng.
Căn nhà gỗ có diện tích khoảng 20m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Lệ nằm ven kênh Tẻ. Bà Lệ cho biết, nhà có 6 người, bao gồm các con, cháu trong gia đình.
"Cách đây vài năm, tôi cũng có nghe chủ trương giải tỏa nhà cửa ven kênh nhưng chờ hoài chưa thấy. Tôi mong chính quyền sớm di dời bà con ở đây đến nơi ở mới khang trang hơn. Sống ở đây chật chội và ô nhiễm lắm" - bà Lệ chia sẻ.
Tương tự, rạch Xuyên Tâm có chiều dài khoảng 6,2km, từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp có gần 2.200 căn nhà lụp xụp với hàng nghìn người sinh sống dọc hai bờ.
Không chịu nổi oi bức trong căn nhà rộng 45m2 lợp mái tôn, hơn tuần nay, cứ đến trưa là bà Hường (quận Bình Thạnh) phải ra con hẻm nhỏ trước nhà làm nơi tránh nóng. Theo bà Hường, hơn 20 năm từ khi nghe thông tin con kênh cải tạo, bà và cả xóm vui mừng nhưng dự án nằm im, không thấy động tĩnh. "Ở đây, không khí ô nhiễm, nhà cửa xuống cấp nên ai cũng muốn chuyển đi nơi khác" - bà Hường nói.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, đến nay, thành phố mới di dời tổng cộng 2.479 trong gần 20.000 căn nhà trên kênh, rạch, đạt tỉ lệ 12,4%.
Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - nhìn nhận, chương trình đang bị chậm, dù thành phố đã có nhiều văn bản ủy quyền cho các quận, huyện chủ động thực hiện công tác di dời nhưng vẫn gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phần lớn các căn nhà có diện tích mặt đất rất nhỏ, phần còn lại cơi nới, lấn chiếm trên mặt nước.
Ngoài ra, việc di dời bằng vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ. Đặc biệt hình thức hợp tác công - tư hiện vẫn còn trục trặc, trong khi hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) hiện đã bị tạm dừng. Điều này khiến việc kêu gọi đầu tư khó khăn dù TPHCM đã nỗ lực rất lớn.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, từ nay đến năm 2025, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành bồi thường, di dời 14.00 căn nhà trên và ven kênh rạch, tổng nhu cầu vốn dự kiến hơn 28.400 tỉ đồng.
Trong đó, thành phố ưu tiên 3 dự án trọng điểm, gồm: dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp). Công trình dự kiến tổng mức đầu tư 9.350 tỉ đồng, trong đó 4.860 tỉ đồng chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng, với quy mô di dời gần 2.200 căn.
Hai dự án khác gồm cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) tổng vốn dự kiến 1.980 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng 1.596 tỉ đồng, di dời 190 căn.
Dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), vốn dự kiến 1.200 tỉ đồng, di dời 834 căn.
Ngoài ra, thành phố cũng triển dự án cải tạo Nam kênh Đôi dài 9,7 km (quận 8) với tổng vốn đầu tư 9.073 tỉ đồng, trong đó phần bồi thường giải phóng mặt bằng 6.300 tỉ đồng, di dời 2.670 căn.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM, thành phố đang tập trung đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 với chỉ tiêu dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn hộ).
Trong đó, khoảng 10.000 căn nhà này sẽ được bố trí cho các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch. Người dân có thể được hỗ trợ theo hình thức ưu tiên thuê, hoặc mua các căn hộ này.
"Với chính sách này, sắp tới đây khi triển khai các dự án giải tỏa người dân ven và trên kênh rạch, sẽ tạo sự đồng thuận cao hơn từ người dân, khi đó việc di dời sẽ nhanh hơn. Mặt khác, chính sách này sẽ thực hiện tốt hơn nguyên tắc đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn cho người dân khi di dời khỏi nơi ở cũ" - ông Khiết nói.
Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng để hồi sinh nhiều dòng kênh, thành phố cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhằm giảm gánh nặng ngân sách.
Trong đó, khi tiến hành dự án cải tạo, thành phố cần tính toán mở rộng biên giải tỏa hai bên kênh để có thêm quỹ đất sạch đấu giá, lấy nguồn lực đó thực hiện dự án. Ðồng thời, nguồn đất sạch hai bên bờ có thể xây các chung cư, làm nơi tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng.
(Theo Lao Động)
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đăng kiểm và cấp chứng nhận an toàn sau thời gian chạy thử nghiệm.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, đã dùng tiền để mua chuộc cán bộ. Sau khi nhận 250.000 USD từ Hạnh, 2 cựu Vụ phó và Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đồng ý tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép.
Trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế tuyệt đối ở mức rất cao đối với xì gà.
Thời gian qua, lượng khách đặt mua vé máy bay Tết đang có xu hướng tăng cao. Vì thế, các hãng đã có kể hoạch điều chỉnh, bổ sung tăng tải để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.