Thứ tư, 01/05/2024

Trên dòng Nho Quế biếc xanh

14/01/2023 8:12 AM (GMT+7)

Dòng sông có màu xanh huyền ảo uốn lượn qua những vách núi trập trùng, nay càng thu hút du khách với những trải nghiệm mới lạ dưới lòng sông.

Xuất hiện muộn hơn so với nhiều tua, tuyến, điểm đến du lịch khác của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Ðồng Văn (Hà Giang), nhưng hành trình khám phá sông Nho Quế bằng thuyền vẫn nhanh chóng trở thành một điểm nhấn hấp dẫn. Dòng sông có màu xanh huyền ảo uốn lượn qua những vách núi trập trùng, nay càng thu hút du khách với những trải nghiệm mới lạ dưới lòng sông.

Trên dòng Nho Quế biếc xanh - Ảnh 1.

Sông Nho Quế (Hà Giang) như dải lụa xanh giữa núi non hùng vĩ luôn thu hút khách du lịch.

Sông Nho Quế bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy vào Việt Nam và trở thành dòng sông biên giới qua hai xã Lũng Cú, Má Lé của huyện Ðồng Văn (Hà Giang), rồi tiếp tục theo hướng đông nam đến tỉnh Cao Bằng và hòa vào dòng chảy sông Gâm. Ðoạn sông chảy trên đất Việt chỉ gần 50km nhưng băng qua những khu vực địa hình đặc biệt, tạo nên cảnh quan hùng vĩ, ngoạn mục, đáng chú ý như hẻm vực Tu Sản - hẻm vực trên sông sâu nhất Ðông Nam Á. Trước kia, nước sông chủ yếu có giá trị thủy lợi, thủy sản đối với cư dân sinh sống hai bên bờ, rất khó tham quan du lịch bởi dòng chảy mạnh, nhiều ghềnh thác. Sau khi một số thủy điện được xây dựng trên sông Nho Quế, nước được điều tiết, tiềm năng du lịch cũng được địa phương quan tâm và bước đầu khai thác.

Từ Ðồng Văn sang Mèo Vạc, vượt đèo Mã Pì Lèng quanh co và cao ngút ngang tầm mây, có khá nhiều điểm dừng chân để du khách ngắm cảnh. Kể cả những ngày âm u, sông Nho Quế vẫn nổi bật dưới vực sâu hun hút bởi màu xanh ngọc rất đặc biệt. Dòng sông được ví như dải lụa mềm mại vắt qua, khiến cả miền cao nguyên sừng sững, đá tai mèo hiểm trở bỗng chốc trở nên dịu dàng, nên thơ. Nho Quế mang nước cũng là mang nguồn sống đến cho vùng đá khát, để nương ngô, ruộng lúa bậc thang của đồng bào các dân tộc mướt mầu xanh. Ý nghĩa đó càng khiến trải nghiệm trên sông thêm thú vị, dù đường đến bến thuyền Thủy điện Nho Quế 1 hiện nay vẫn còn khá gian nan. Chỉ khoảng 10km tính từ quốc lộ 4C rẽ xuống, nhưng độ dốc lớn cùng những khúc cua tay áo liên tục đòi hỏi sự tập trung và tay lái vững vàng của các tài xế.

Tại thời điểm cuối năm 2022, khu vực bán vé thuyền, nhà chờ, bãi để xe vẫn đang thi công, chưa hoàn thiện, song không ảnh hưởng đến trải nghiệm đi thuyền trên dòng Nho Quế, chiêm ngưỡng hẻm vực Tu Sản. Giá vé được niêm yết công khai và thống nhất, tàu thuyền bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, nhân viên lái thuyền được tập huấn kỹ năng về du lịch... Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tu Sản, Hoàng Văn Ðiệp cho biết, từ năm 2010, Nhà máy thủy điện Nho Quế 1 chính thức vận hành, khu vực lòng hồ thủy điện có thể khai thác dịch vụ vận tải đường thủy để du khách tham quan sông Nho Quế và hẻm vực Tu Sản. Sau một thời gian người dân tự phát dùng thuyền đưa đón khách, năm 2019, huyện Mèo Vạc đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tu Sản để quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, phát huy tiềm năng thiên nhiên và văn hóa bản địa.

Một tua thuyền dạo chơi trên sông thường kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút, đưa du khách lướt nhẹ trên dòng nước xanh thăm thẳm in bóng mây trời của Nho Quế, tận hưởng không khí trong lành và mát mẻ, thỏa sức ngắm nhìn những vách đá tráng lệ, những rừng cây bạt ngàn xanh um, những thác nước đổ xuống từ trên cao hay nhiều cửa hang động lớn nhỏ còn đầy bí ẩn... Ðến ngay trước hẻm vực Tu Sản, hầu hết mọi thuyền đều sẽ dừng lại để du khách cảm nhận kỹ hơn sự hùng vĩ, đồ sộ của hai vách đá khổng lồ và chụp những tấm ảnh "check-in" để đời. Theo các tài liệu về địa chất, hẻm Tu Sản trên sông Nho Quế có chiều cao vách đá lên tới gần 900m, dài 1,7km và độ sâu gần 1km. Dưới chân hẻm vực, nắng không thể chiếu tới, không khí mát lạnh. Ngước lên thấy bầu trời xanh cao xa tít tắp, phóng tầm mắt sang ngang là vô số cây cổ thụ, dây leo chằng chịt bám vào hai "bức tường" đá vĩ đại, được thiên nhiên kỳ diệu tạo nên sau hàng triệu triệu năm. Vẻ đẹp kỳ vĩ đến choáng ngợp ấy chỉ có thể được cảm nhận chân thật nhất bởi đôi mắt mỗi người, không có thiết bị ghi hình nào dù tối tân có thể chụp lại được.

Ðiều đó cũng lý giải tại sao hẻm vực Tu Sản đã được xếp hạng quốc tế và được chọn làm điểm trung tâm trong hình ảnh biểu tượng (logo) của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Ðồng Văn. Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp khu vực này là Di tích Danh lam thắng cảnh Việt Nam, sông Nho Quế được vinh danh là một trong những thung lũng kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị của Việt Nam. Nếu có nhiều thời gian hơn, du khách có thể bơi lội trên sông, chèo thuyền kayak hoặc SUP (ván đứng), câu cá, cắm trại và dã ngoại trên bờ sông... Những trải nghiệm phong phú này thường được du khách quốc tế và du khách Việt Nam trẻ tuổi lựa chọn. Còn đối với những ai yêu thích tìm hiểu văn hóa, có thể đi bộ qua những nương ngô, đồi tam giác mạch để ngắm nhìn cuộc sống của người dân các thôn Tà Làng, thôn Hấu Chua... gần đó. Trước khi du lịch chạm đến vùng đất này, ít ai biết dưới những hẻm vực sâu cả nghìn mét cũng có người sinh sống. Rồi những đoàn khách nối đuôi nhau khám phá cung đường đèo Mã Pì Lèng và giờ đây là dòng sông Nho Quế, nhiều người Mông, người Giáy địa phương có sinh kế mới khi tham gia phục vụ du lịch.

Bên cạnh phong cảnh ngoạn mục ở hồ Thủy điện Nho Quế 1 (xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc), còn có cả những góc Nho Quế rất khác mà du khách có thể trải nghiệm ở hồ Thủy điện Nho Quế 3 (xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc). Không đi qua hẻm vực Tu Sản lừng danh nhưng dòng Nho Quế phía này cũng rất đẹp với vẻ thơ mộng, yên ả hơn. Du khách đi tua thuyền được hợp tác xã bố trí hướng dẫn viên tư vấn, giới thiệu cuộc sống, văn hóa của người dân sinh sống quanh vùng lòng hồ, các điểm tham quan đẹp, thưởng thức ẩm thực truyền thống... Ðặc biệt, du khách có thể đến sông Nho Quế vào mọi thời điểm trong năm, bởi cả bốn mùa dòng sông và đôi bờ đều đẹp theo những sắc thái riêng. Vào mùa xuân, mặt nước trong xanh được điểm tô bởi hoa đào hồng, hoa mận trắng. Sang mùa hè, du lịch sông để giải nhiệt, chơi các môn thể thao dưới nước. Trời chuyển thu, rừng cây thay lá khiến không gian đắm chìm trong vẻ lãng mạn. Ngay cả trong mùa đông lạnh giá thì lễ hội Tam giác mạch đặc sắc cũng vẫn mời gọi bao bước chân tìm đến.

Sau khi khống chế hiệu quả đại dịch Covid-19, du lịch mở cửa trở lại, sông Nho Quế là một điểm sáng hút khách trong nước và quốc tế đến với mảnh đất địa đầu Hà Giang. Một chuyến đi đến nơi xa xôi, hoang sơ nhưng đẹp mê hồn với núi rừng, sông nước và nếp sống bình dị, mộc mạc vùng đông bắc chắc hẳn sẽ mang đến những ấn tượng khó quên cho mỗi người.

Theo Nhân dân


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Bí quyết trồng thanh trà ngọt của lão nông ở miền Tây

Bí quyết trồng thanh trà ngọt của lão nông ở miền Tây

Lần đầu tiên làm nghịch vụ, lão nông Huỳnh Văn Cập đã bán toàn bộ số lượng thanh trà ngọt cho siêu thị với giá 160.000 đồng/kg.

Người Sài Gòn đổ vào trung tâm thương mại trốn nóng lễ 30/4, phải xếp hàng mới có chỗ ăn uống

Người Sài Gòn đổ vào trung tâm thương mại trốn nóng lễ 30/4, phải xếp hàng mới có chỗ ăn uống

Trời nắng gay gắt, vì vậy, người dân, du khách tại TP.HCM đổ về các trung tâm thương mại để vui chơi, ăn uống, trốn nóng. Khách phải xếp hàng chờ đến lượt trước các nhà hàng, quán ăn.

Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ

Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ

Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. 

Những điểm ngắm sen tuyệt đẹp ở Đồng Tháp dịp lễ 30-4 và 1-5

Những điểm ngắm sen tuyệt đẹp ở Đồng Tháp dịp lễ 30-4 và 1-5

Đồng Tháp là mệnh danh là “đất sen hồng”. Từ đồng ruộng đến thành thị ở Đồng Tháp, đâu đâu cũng bắt gặp những cánh sen hồng tỏa hương quanh năm.

Điểm đến lý tưởng ở miền Tây không thể bỏ qua dịp lễ 30-4 và 1-5

Điểm đến lý tưởng ở miền Tây không thể bỏ qua dịp lễ 30-4 và 1-5

Dịp lễ 30-4 và 1-5, du khách chỉ mất khoảng 3,5 giờ di chuyển bằng ô tô từ TP HCM đến Cáp treo núi Sam.

Nắng nóng, các điểm vui chơi tại TP.HCM vẫn đông đúc dịp lễ 30/4

Nắng nóng, các điểm vui chơi tại TP.HCM vẫn đông đúc dịp lễ 30/4

Người dân TP.HCM bắt đầu đổ về các điểm tham quan, vui chơi nhiều hơn vào ngày 29/4, tức ngày thứ ba của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, bất chấp nắng nóng. Suối Tiên, Thảo Cầm Viên Sài Gòn nhộn nhịp, khách chuộng những nơi có nhiều khu vực "giải nhiệt".