Thứ tư, 08/05/2024

Về thăm di tích Lam Kinh

15/05/2022 1:00 PM (GMT+7)

Ghé thăm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa) vào một ngày nắng đẹp, lòng tôi nhớ đến một thời vang dội của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược.

Đã gần 600 năm trôi qua, những dấu tích lịch sử vẫn hiện diện ở vùng đất thiêng nơi đây và củng cố niềm tự hào về một thời thịnh trị của các triều đại vua Lê trong lịch sử dân tộc.

Nhìn từ trên cao, chính điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, 4 bên là non xanh nước biếc. Tôi rảo bước trên con đường dẫn vào di tích, thấy dải sông Ngọc uốn quanh thành điện. Bắc ngang qua sông là cây cầu cong cong hình cánh cung tên Tiên Loan Kiều. Qua cầu khoảng 50m là một giếng cổ, nước giếng trong xanh quanh năm không bao giờ cạn.

Về thăm di tích Lam Kinh - Ảnh 1.

Một góc của Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Theo tư liệu lịch sử và khảo cổ học, chính điện Lam Kinh được dựng ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (năm 1433). Bố cục mặt bằng của kiến trúc này có dạng hình chữ “công”, gồm 3 tòa điện chính: Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Bên hông chính điện là nhà để bia Vĩnh Lăng, được dựng trên một gò đất cao rộng thoai thoải, mặt tiền nhìn về hướng Nam. Nội dung văn bia ghi lại thân thế, sự nghiệp của Lê Thái Tổ. Đây là một công trình điêu khắc đá có giá trị nghệ thuật, đồng thời cũng là tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu lịch sử giai đoạn Lê Sơ. Trong khuôn viên của di tích Lam Kinh còn có 5 khu lăng mộ của các vua Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và lăng Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Ngắm nhìn vẻ trầm mặc của thành cổ xưa, ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng ban quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh cho biết, di tích này thuộc địa phận hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc của tỉnh Thanh Hóa. Đây là quê hương và cũng là nơi an nghỉ của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các vị hoàng đế, vương hậu thời Lê Sơ. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, di tích đã được tôn tạo, tu bổ và trở thành di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2012. “Theo ghi chép, khi tìm đất định cư, các vua Lê vô cùng quan tâm đến yếu tố phong thủy. Lam Kinh do đó mà có thế đất rất linh thiêng, nơi gặp nhau giữa đất và trời, long mạch được hàn một cách hoàn chỉnh”, ông Vũ Đình Sỹ cho biết thêm.           

Vào dịp tháng 8 (âm lịch) hằng năm, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và ngày 22 (giỗ Lê Lợi), Lễ hội Lam Kinh được tổ chức để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân. Du khách đến thăm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh có dịp tỏ bày đạo lý uống nước nhớ nguồn, dâng nén hương thơm lên mộ vua Lê cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an, hạnh phúc. Du khách Lê Thị Thúy Quỳnh, quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Lần đầu đến tham quan Lam Kinh, tôi đã bị say đắm bởi kiến trúc và cảnh sắc nơi đây. Được thăm mộ vua Lê Thái Tổ, tôi đã có dịp hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc, được bày tỏ lòng thành với những người đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước".

Sau khi tham quan các điện và lăng mộ, tôi ghé thăm nhà trưng bày cổ vật để tìm hiểu thêm về lịch sử thời vua Lê và được nghe kể những câu chuyện huyền bí về cây ổi cười, cây lim hiến thân và cây đa thị. Trong nhà trưng bày vẫn còn lưu giữ những hiện vật cổ có giá trị văn hóa, lịch sử, như: Ấm chén thời Lê, ấm đồng, bát hương hình sen, gạch trang trí hình lá... Tất cả vẫn giữ nguyên hình tượng ban đầu và thường xuyên được lau chùi cẩn thận, như nhắc nhớ cho hậu thế về một triều đại hoàng kim thời Lê Sơ và khí thế đánh giặc ngút trời của nghĩa quân Lam Sơn.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Độc đáo chiếc bánh mì baguette dài 140 mét

Độc đáo chiếc bánh mì baguette dài 140 mét

Mới đây, thành phố Dijon, Pháp trở thành tâm điểm của giới truyền thông khi kỷ lục Guinness mới được xác lập cho chiếc bánh mì baguette dài nhất thế giới. Chiếc bánh mì "khổng lồ" này đã chính thức soán ngôi vị quán quân với độ dài 140,53 mét, vượt xa chiếc bánh mì 130 mét sản xuất tại Ý vào năm 2020.

Người Việt ngày càng chăm đọc Facebook, lười đọc sách

Người Việt ngày càng chăm đọc Facebook, lười đọc sách

Sự phát triển của các mạng xã hội với những video ngắn hấp dẫn đang khiến văn hóa đọc tại Việt Nam gặp nhiều thách thức.

Khách du lịch nườm nượp đến TP.HCM

Khách du lịch nườm nượp đến TP.HCM

Khách du lịch nườm nượp đến TP.HCM từ đầu năm đến nay. 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu ngành du lịch thành phố ước khoảng 60.046 tỷ đồng.

Canh chua và văn hóa chống nóng

Canh chua và văn hóa chống nóng

Miền Tây Nam Bộ gần xích đạo nên rất nóng, đặc biệt năm nay, tình hình này lại kéo dài và gay gắt hơn các năm trước. Trong lĩnh vực ẩm thực, người xưa có nhiều cách đối phó với thời tiết nắng nóng. Nắng nóng (dương) cần có nước (âm) để quân bình lại. Một trong những món ăn điển hình là canh chua.

Cháo sườn, một phần ký ức của người Hà thành

Cháo sườn, một phần ký ức của người Hà thành

Cùng với những món ăn đặc sản Hà Nội như chả cá, phở cuốn, bún chả… thì món cháo sườn cũng trở nên rất quen thuộc, trở thành một phần trong ký ức của mỗi người Hà thành.

TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch đêm và du lịch cộng đồng

TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch đêm và du lịch cộng đồng

Từ những kết quả tích cực của quý I/2024 và lễ 30/4 - 1/5, ngành du lịch TP.HCM tiếp tục triển khai sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy sản phẩm du lịch ban đêm, đường thủy và du lịch cộng đồng trong quý II/2024.