Mặt bằng giá mới
Các nhà sản xuất xi măng trong nước vừa thông báo tăng giá bán xi măng ngay trong tháng 3 này. Nguyên nhân được đưa ra là, do giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt, giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm, dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao.
Trước đó, trong lần điều chỉnh giá vào ngày 11/3, giá xăng trong nước đã tăng lên mức gần 30.000 đồng/lít, đánh dấu kỳ tăng giá kỷ lục của mặt hàng này từ trước đến nay. Trong khi đó, giá than nhập khẩu đầu tháng 3/2022 cũng tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng đã phải điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng bao và xi măng rời. Thời điểm tăng giá được ấn định vào nửa cuối tháng 3.
Dưới tác động của Covid-19, sản lượng tiêu thụ giảm, trong khi chi phí sản xuất tăng cao, năm 2021, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xi măng sụt giảm đáng kể.
Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 46% so với năm 2020, đạt 78 tỷ đồng.
Vicem Hà Tiên 1 đạt doanh thu 7.064 tỷ đồng, giảm 11,3% so với năm 2020 và chỉ thực hiện được gần 88% kế hoạch năm. Do chi phí tăng cao, nên lợi nhuận sau thuế giảm 31%, xuống còn 370 tỷ đồng.
Với toàn Tổng công ty Vicem, lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) năm 2021 đạt 2.050 tỷ đồng, bằng 86,5% kế hoạch năm và giảm 1,3% (26,6 tỷ đồng) so với năm 2020.
Mức tăng giá xi măng được các doanh nghiệp công bố khá thống nhất, phổ biến là tăng 100.000 đồng/tấn, như Xi măng Xuân Thành, Hà Tiên 1, Công Thanh, Duyên Hà, Xi măng Vissai Ninh Bình, Xi măng Hệ Dưỡng, Xi măng Sông Lam, Xi măng Insee, Chi nhánh phía Nam - Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả, Xi măng Đỉnh Cao (Topcement)…
Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Long điều chỉnh tăng giá bán xi măng PCB40 các loại thêm 120.000 đồng/tấn. Cá biệt, một số đơn vị, như Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng Group tăng giá tới 150.000 đồng/tấn cho 2 thương hiệu xi măng Thành Thắng và Thịnh Thành.
Quyết định tăng giá xi măng thêm 100.000 đồng/tấn kể từ ngày 20/3/2022, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai cho biết, mức tăng này chưa đủ bù đắp chi phí đầu vào đang tăng “phi mã”. Đơn cử, tháng 2/2022, than cám phục vụ sản xuất xi măng có giá 60 USD/tấn, thì tháng 3 đã tăng lên tới 270 USD/tấn, mà cũng không dễ mua. Chưa kể, doanh nghiệp rất khó thuê tàu vận chuyển, giá cước vận tải biển cũng biến động hàng ngày.
“Chúng tôi thường xuyên bị hãng tàu nước ngoài ‘delay’ như một chiêu trò để tăng giá cước”, ông Trường than thở.
Xí nghiệp Tiêu thụ và Dịch vụ Xi măng Hà Tiên 1 (Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1) cũng đã thông báo tăng giá bán xi măng Vicem Hà Tiên các loại xi măng bao và xi măng bao jumbo thêm 100.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT), áp dụng từ ngày 23/3. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, dù đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay. Do đó, Công ty phải xem xét cân đối lại giá bán xi măng để đảm bảo bù đắp một phần chi phí sản xuất.
Giá nhà đắt đỏ hơn
Điều chỉnh tăng giá bán xi măng là việc tất yếu khi chi phí sản xuất tăng mạnh trong thời gian qua, nhất là giá xăng dầu và giá than. Giá than thường chiếm 35 - 40% giá thành sản xuất xi măng. Từ năm 2021, giá than nhập khẩu có thời điểm tăng khoảng 300%, thạch cao tăng khoảng 40%... Đà tăng này tiếp tục đi lên do căng thẳng Nga - Ukraine.
Giá than trên thị trường thế giới tăng mạnh từ cuối tháng 2/2022, có lúc đạt 446 USD/tấn, trong khi đầu năm 2022, giá chào bán chỉ là 175 USD/tấn. Hiện giá than được giao dịch ở mức hơn 350 USD/tấn. Công ty Kinh doanh và Nghiên cứu năng lượng Rystad Energy dự báo, giá than có thể vượt ngưỡng 500 USD/tấn trong năm 2022, khi giá khí đốt tăng mạnh có thể khiến các nước châu Âu chuyển sang sử dụng than.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, xi măng đã có 3 lần tăng giá, nhưng lần tăng giá này là cao nhất, với biên độ tăng 100.000 - 150.000 đồng/tấn. Trước đó, vào đầu năm 2021, các doanh nghiệp điều chỉnh giá bán xi măng tăng nhẹ ở mức 50.000 đồng/tấn và tháng 11/2021, tiếp tục điều chỉnh tăng 80.000 - 90.000 đồng/tấn.
Đà tăng “phi mã” của các loại vật liệu xây dựng thiết yếu, từ sắt thép, xi măng, đến gạch ngói, gốm sứ… đã đẩy giá công trình xây dựng, nhà ở lên mặt bằng mới. Bộ Xây dựng cho biết, quý IV/2021, giá chung cư tại TP.HCM tăng khoảng 2%, tại Bình Dương tăng khoảng 4%, tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng khoảng 5%. Thậm chí, giá căn hộ tại nhiều địa bàn đã tăng đến 10%. Các chuyên gia dự báo, giá công trình xây dựng trong năm 2022 sẽ còn đắt đỏ hơn.
Riêng với mặt hàng xi măng, một khi chi phí sản xuất còn “nhảy múa”, trong khi than cho sản xuất xi măng chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu, chịu sự tác động trực tiếp từ giá thế giới, chưa ai dám khẳng định giá xi măng sẽ không tiếp tục biến động.
Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các sở ngành giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, đặc biệt là người nổi tiếng tham gia quảng cáo thổi phồng công dụng.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, để mức thuế VAT bằng 0% đối với các sản phẩm chăn nuôi sơ chế sẽ tạo động lực lớn khuyến khích phát triển hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp gia súc, gia cầm, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Trong đợt thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng, PNJ bị xử phạt tiền tỷ do các quy định nội bộ, báo cáo giao dịch giá trị lớn và kiểm toán nội bộ chưa đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền.
Giá vàng miếng SJC trong nước sáng 8/10 lên mức 85 triệu đồng/lượng tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng ngược chiều với giá vàng thế giới đang có xu hướng giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng 8. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính là do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu của siêu bão Yagi (bão số 3).
Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo, cà phê và điều đến nhiều thị trường thế giới, Việt Nam phải nhập khẩu thêm những nông sản này để làm nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm xuất khẩu.