Xót xa học sinh dân tộc thiểu số không có nước tắm mùa Đông

Thế Hiển Thứ năm, ngày 07/12/2023 06:11 AM (GMT+7)
Đầu tháng 12 hàng năm là thời điểm thầy và trò Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) lại lo lắng vì thiếu nguồn nước nóng phục vụ cho việc giữ gìn vệ sinh trong suốt mùa Đông dài giá rét.
Bình luận 0

Học sinh phải nhóm củi đun nước tắm

Bắc Mê là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 53 km về phía Đông. Đặc trưng địa hình của huyện là núi cac-xtơ và đồi, xen kẽ những dãy núi đá vôi thấp, độ cao trung bình 400 - 500 m so với mặt nước biển. Nằm trong khu vực núi cao, Bắc Mê có nhiệt độ thấp, đặc biệt là vào đêm và sáng sớm. Những ngày lạnh nhất, nhiệt độ có thời điểm xuống âm độ C và có tuyết rơi, gây không ít trở ngại cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây.

Những ngày này, hầu như không thể sử dụng nguồn nước lạnh bình thường trong sinh hoạt từ vệ sinh cá nhân đến giặt giũ. Đặc biệt, đối với những em học sinh Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Bắc Mê, nơi đang thiếu hệ thống nước nóng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, đây là vấn đề mà mỗi mùa Đông đến các em lại phải đối mặt.

img
img

“Nỗi ám ảnh” thiếu nước nóng phục vụ cho tắm giặt khiến nhiều học sinh ngao ngán mỗi khi mùa Đông tới.

Với số lượng 14 lớp học và tổng số học sinh 441 em, 4 chiếc bình nóng lạnh dung tích 100 lít mỗi bình không thể đáp ứng đủ so với nhu cầu sử dụng. Chẳng bao lâu sau khi được lắp đặt, bình nóng lạnh cũng nhanh chóng hư hỏng do hoạt động quá tải mỗi khi trời trở rét. Chiếc máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời được nhà trường lắp đặt thêm cũng không cải thiện được tình hình, vì ánh nắng vào mùa này là rất hiếm hoi.

Công tác tại trường 3 năm nay, thầy Tạ Huy Nam - Giáo viên dạy môn Lịch sử cho hay: “Mỗi mùa Đông đến là thầy và trò lại nơm nớp lo lắng. Dù nhà trường đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể tránh khỏi tình trạng thiếu nước nóng cho các em sử dụng. Những lúc như thế, tôi thấy thương học trò vô cùng, nhưng cũng chỉ biết động viên các em dùng nước tiết kiệm, chia sẻ cho nhau từng chút một”.

Trong khoảng thời gian thiếu nguồn nước nóng, để đảm bảo các vấn đề vệ sinh cá nhân, các em học sinh thay phiên nhau đun nước bằng củi tại công trường ở gần trường học. Tuy nhiên, vì trực tiếp sử dụng lửa để đun nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hỏa hoạn, không đảm bảo an toàn cho học sinh, cách làm này đã được nhà trường cho tạm dừng hoạt động.

Xót xa học sinh dân tộc thiểu số không có nước tắm mùa Đông - Ảnh 2.

Học sinh tổ chức nấu nước nóng bằng bếp củi khi bình nước nóng không còn hoạt động.

Mong chờ nguồn nước nóng giữ ấm mùa Đông

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, chị Bàn Thị Liều - Phụ huynh của học sinh Giàng Thị Trang lớp 11B cho biết: “Con đi học nội trú xa nhà, tuần nào ngoan mới được xét cho về. Ở trường lo nhất cho con là đến mùa Đông vì không có đủ nước để tắm. Bạn này phải nhường bạn kia, có hôm phải chờ đến 10 giờ tối mới có thể tắm giặt. Nghe con kể tôi xót lắm, chỉ mong nhà trường được hỗ trợ hệ thống nước nóng cho các con để sinh hoạt thoải mái, đảm bảo sức khỏe các em học tập thật tốt”.

img
img

Học sinh hứng nước từ máy nước nóng năng lượng mặt trời, nhưng chỉ hoạt động tốt vào những ngày trời nắng.

Được biết, tình trạng các em học sinh phải chờ đợi, nhường nhau từng lượt sử dụng nước nóng vào mùa Đông là điều thường xuyên diễn ra. Các bé còn phải hạn chế tắm vào mùa Đông để tiết kiệm nguồn nước nóng. Nhiều phụ huynh cũng cho hay, điều này khiến họ lo lắng cho sức khỏe con em mình.

Xót xa học sinh dân tộc thiểu số không có nước tắm mùa Đông - Ảnh 4.

Toàn bộ học sinh của nhà trường là con em dân tộc thiểu số.

Thầy Phạm Văn Thiệm - Hiệu trưởng nhà trường thông tin thêm: “Học sinh nhà trường đều ở vùng đặc biệt khó khăn, có 117 học sinh thuộc hộ nghèo, 50 HS thuộc hộ cận nghèo. Tất cả học sinh trong trường gồm 9 dân tộc: Mông, Giáy, Pu Péo, Pà Thẻn, Bố Y, Pú Y, Tày, Dao và Nùng. Từ khi nhà trường được thành lập, do cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy và học có quá nhiều thiếu thốn, nhà trường đã hết sức nỗ lực cố gắng để khắc phục khó khăn. 

Tuy nhiên, do nguồn lực nhà trường có hạn nên việc bố trí cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của học sinh nội trú, 100% học sinh đều lớn lên trong các gia đình thuần nông, lại ở vùng đặc biệt khó khăn nên vô cùng vất vả. Rất mong các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ cho các em. Trước hết là công trình máy nước nóng bán công nghiệp phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, để nhu cầu sinh hoạt của các em được đảm bảo”.

Xót xa học sinh dân tộc thiểu số không có nước tắm mùa Đông - Ảnh 5.

Là địa phương còn nhiều khó khăn, thầy và trò Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Bắc Mê mong nhận được sự quan tâm của nhà hảo tâm trên cả nước.

Một mùa Đông mới đã đến, nỗi băn khoăn về nguồn nước nóng sinh hoạt của thầy và trò Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Bắc Mê vẫn chưa tìm được giải pháp. Nhà trường kính mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên cả nước cùng chung tay mang đến cho các em học sinh dân tộc thiểu số máy nước nóng, tạo điều kiện cho con em miền núi được sinh hoạt và phát triển tốt hơn trong thời gian sắp tới.

Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, mô hình hệ thống nước nóng “2 trong 1” với dung tích lên đến 500 lít đã được triển khai thành công tại Trường THCS&THPT huyện Bát Xát (Lào Cai). Dự kiến, để hoàn thành công trình trên tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, chi phí vật liệu, thi công là 70.000.000 đồng.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về

Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, tổ 4, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

SĐT thầy Phạm Văn Thiệm - Hiệu trưởng nhà trường: 0942.183.695
Hoặc gửi về: Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Số tài khoản: 21210000524887 - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay
Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 71223


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem