Ẩm thực Đông Bắc tổng hòa vô vàn màu sắc ẩm thực địa phương với những món ăn thơm ngon và hấp dẫn mang đậm dấu ấn núi rừng. Bên cạnh hàng loạt cái tên hấp dẫn phải kể đến như chả mực giã tay, cháo ấu tẩu, nem nướng Hữu Lũng... thì nơi đây còn ẩn chứa một đặc sản thú vị khác. Đó là bánh trứng kiến.
Món bánh có tên gọi "độc-lạ" này là đặc sản lâu đời, gắn liền với những buổi lễ, tiệc quan trọng của đồng bào dân tộc Tày. Du khách có thể thưởng thức thức bánh này chuẩn vị nhất khi đến du ngoạn tại Cao Bằng, Tuyên Quang...
Người Tày gọi bánh trứng kiến là Pẻng Lăng Lay, với nguyên liệu chính được làm từ trứng kiến. Để có được nguyên liệu đặc biệt này, người dân phải đợi đến khoảng thời gian kiến đen rừng sinh trưởng mạnh nhất.
Đó là vào đầu tháng 4 cho đến cuối tháng 5 Dương lịch, tương đương từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3 Âm lịch. Bánh trứng kiến vì thế cũng không có mặt quanh năm, chỉ xuất hiện vào khoảng thời gian ngắn khi vừa ra Giêng, du khách nên lưu ý nếu muốn tìm thưởng thức món ăn này.
Công đoạn tìm nhộng kiến khá là vất vả vì phải vào tận rừng già, lần mò theo từng thân cây to hoặc bụi rậm để tìm tổ kiến. Đặc biệt, người Tày chỉ chọn trứng của loài kiến đen, có thân nhỏ, đuôi nhọn mà họ thường gọi là tua rày.
Để tìm được một tổ kiến ngon và nhiều chất dinh dưỡng thì phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm. Phải chọn tổ có lớp màng trắng liên kết các lá bọc bên ngoài, khi nào lớp màng trắng phủ đều ngoài lá thì trứng kiến bên trong sẽ rất nhiều và ở độ căng tròn mọng sữa.
Tùy vào kích thước của từng tổ mà số lượng trứng kiến thu được nhiều hay ít, có tổ lấy được một chén, nhưng có tổ lớn lấy được tới ba, bốn chén. Trứng kiến lớn bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, được đem về làm thành món bánh trứng kiến ngon lành.
Những quả trứng kiến nguyên chất, đem về rửa cho sạch bụi bẩn rồi cho vào chảo phi cùng hành tím cho thơm, sau đó cho thêm một ít lá kiệu và củ kiệu đã được cắt nhỏ vào đảo đến khi chín là xong. Tuy nhiên, trứng kiến ngày càng khan hiếm nên người ta đã dùng thêm thịt heo băm nhuyễn, hành khô, mè hay đậu phộng rang giã nhỏ làm nhân cùng với các gia vị khác để tạo độ nhiều và vị đậm đà cho bánh.
Còn phần vỏ bánh thì được làm từ gạo nếp nương, đãi sạch rồi ngâm qua đêm đến sáng hôm sau thì vớt ra để ráo nước. Sau đó, gạo nếp mới được đem xay thành bột và nhào nặn với nước cho đến khi thấy bột có độ dẻo, mịn và không còn dính tay. Khác với những món bánh nếp thường được gói bằng lá chuối hay lá dong, bánh trứng kiến đặc sản vùng Đông Bắc sẽ được gói bằng lá vả non (đã được bỏ phần cuống lá và gân ra ngoài).
Sau đó là khâu chia bột và cán mỏng ra thành từng miếng nhỏ hình vuông bằng bàn tay rồi đặt lên miếng lá vả. Cho một chút nhân đã chế biến sẵn dàn đều lên bề mặt lớp bột đó và đặt thêm một miếng lá lên nữa rồi gói lại để giữ chặt phần bột và nhân bên trong. Cuối cùng, mang bánh đi hấp cách thủy trong khoảng thời gian từ 45-50 phút là hoàn thành. Bánh trứng kiến có thể ăn nóng hoặc nguội đều hấp dẫn và thơm ngon, khi thưởng thức sẽ mang lại nhiều dư vị ấn tượng khác nhau.
Từng miếng bánh ngát hương gạo nếp nương, dẻo mịn hòa quyện với vị béo ngậy của thịt heo và trứng kiến non, cùng mùi lá vả của núi rừng phảng phất. Tất cả hòa quyện làm nên một trải nghiệm ẩm thực vừa lạ, vừa thơm ngon, hấp dẫn.
Nếu có dịp đến vùng Đông Bắc vào mùa kiến đen sinh trưởng, ghé thăm những ngôi nhà sàn của người Tày, du khách sẽ có cơ hội được mời thưởng thức đặc sản bánh trứng kiến trứ danh. Miếng bánh chứa đựng tình cảm thương mến của người dân, cũng là nét riêng phá cách trong nền ẩm thực của mảnh đất này. Không chỉ là đặc sản thú vị, lạ miệng, bánh trứng kiến còn là món quà ý nghĩa và độc đáo mà du khách có thể mua về biếu tặng người thân, bạn bè, như mang chút tình, chút hương núi rừng Đông Bắc về từ phương xa.