WB hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,2% năm 2022, từ 4,1% hồi tháng Giêng. (Nguồn: Cgtn)
Thế giới nhọc nhằn vượt qua hai năm đại dịch, những tưởng 2022 sẽ là năm bình thường mới hậu Covid-19, hàn gắn những “vết thương”, phục hồi thị trường lao động và khởi động trở lại cỗ máy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, tương lai ảm đạm lại phủ bóng kinh tế toàn cầu với những khó khăn mới do sự sắp xếp lại địa chính trị, gián đoạn nguồn cung và biến động thị trường tài chính. Tất cả diễn ra trong bối cảnh sức ép lạm phát gia tăng và không gian hoạch định chính sách bị hạn chế.
Nhà kinh tế trưởng của WB Carmen Reinhart nhận định, kinh tế toàn cầu đang trải qua thời kỳ “đặc biệt bất ổn”. Mọi rủi ro đang theo hướng tiêu cực “Hàng loạt sự gián đoạn”, từ phong tỏa ở Trung Quốc đến giá lương thực tăng do chiến sự tại Ukraine, đã gây ra tình trạng này.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,6% trong cả năm 2022 và 2023, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Một.
Cũng như WB, IMF đánh giá cuộc xung đột Nga - Ukraine đã trở thành mối đe dọa mới, “cộng hưởng” với hậu quả lâu dài của đại dịch Covid-19, khiến viễn cảnh bất ổn tiếp tục đeo bám kinh tế thế giới. Châu Âu và Trung Á là khu vực chịu tổn thất nặng nề nhất do tác động từ xung đột Nga - Ukraine. Trong khi đó, việc Bắc Kinh kiên trì với chính sách “Zero Covid”, liên tục kéo dài các lệnh phong tỏa, đang gây sức ép lên chuỗi cung ứng và nền kinh tế thứ hai thế giới.
Trong các nền kinh tế lớn, năm nay, IMF dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 3,7%, Trung Quốc là 4,4%. GDP khu vực Eurozon giảm xuống -2,8%, Nga là -8,5%, Ukraine là -35%. Dự báo của WB bi quan hơn, GDP Ukraine sẽ giảm 45,1%. Kinh tế Nga giảm 11,2%, chịu tác động lớn do đòn cấm vận của Mỹ và phương Tây.
143 quốc gia trên thế giới đã phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng theo hướng giảm. WB cũng đặc biệt lưu ý, các khoản nợ khổng lồ và lạm phát là hai vấn đề lớn thách thức tăng trưởng toàn cầu. Các khoản nợ lớn tích tụ ở các quốc gia nghèo nhất, trong đó, đã có những nền kinh tế không thể tiếp tục chống chịu, phải tuyên bố vỡ nợ như Sri Lanka. Các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng, phân bón, thực phẩm tăng đột biến, ghi nhận các mức cao lịch sử.
Chủ tịch WB David Malpass cho biết, cơ quan này đang chuẩn bị một kế hoạch đối phó khủng hoảng, kéo dài từ 4/2022 - 6/2023, trị giá 170 tỷ USD. Gói tài chính này thậm chí còn lớn hơn gói mà WB tung ra nhằm đối phó Covid-19, với 160 tỷ USD.
Bản cập nhật mới nhất về Chỉ số phục hồi kinh tế toàn cầu của Viện Brookings và Financial Times cho thấy, tình trạng mất đà tăng trưởng tổng thể và sự không đồng đều về mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia, trước những diễn biến bất lợi trong nước và quốc tế.
Năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng khó khăn. Dù tin vui là những lỗ hổng trong các nền kinh tế đang dần được “vá lại”, Covid-19 dường như đã được kiềm chế ở hầu hết mọi khu vực trên thế giới, thì tin buồn là những căng thẳng địa chính trị đang làm trầm trọng thêm vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tất nhiên, dịch bệnh vẫn là một nhân tố khó đoán định với khả năng xuất hiện những biến thể virus mới. Nhưng trước mắt, các nhà hoạch định chính sách có nhiệm vụ khó khăn là cân bằng giữa các vấn đề mang tính rủi ro cao. Nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương đang bế tắc trong bài toán mạnh tay kiềm chế lạm phát hay tránh một cuộc suy thoái. Trong khi đó, lòng tin của phần lớn người tiêu dùng và doanh nghiệp đều đã tổn thương - dấu hiệu xấu đối với nhu cầu tiêu dùng, cũng như đầu tư kinh doanh.
Điển hình, dù nền kinh tế Mỹ với những số liệu khả quan đang được coi là động cơ chính của tăng trưởng toàn cầu, Ngân hàng Trung ương đầy quyền lực của nền kinh tế số một thế giới cũng có nguy cơ mất kiểm soát đối với lạm phát. Điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn dự kiến, làm gia tăng rủi ro về tăng trưởng chậm lại trong năm 2023.
Trong khi đó, quyết tâm theo đuổi chiến lược “Zero Covid” đang khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư và sản xuất của Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu, từ đó có thể gây ra những tác động bên ngoài nền kinh tế có tầm ảnh hưởng hàng đầu thế giới này.
Đắm chìm trong trừng phạt và trả đũa với Nga, các nền kinh tế Eurozone đang thực hiện mục tiêu rất khó khăn là loại bỏ khí đốt tự nhiên của Moscow càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, sự xáo trộn rất lớn đối với không ít ngành nghề là điều đã được dự báo. Khi các nguồn cung năng lượng hạn hẹp dần, chắc chắn sự phục hồi mạnh mẽ của những nền kinh tế đầu tàu như Đức, Pháp… sẽ khó khăn hơn nhiều.
Nền kinh tế Nga đương nhiên đã bị thiệt hại bởi “đòn tổng hợp” mang tên trừng phạt. Cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ làm tăng thêm sức ép về giá cả, từ đó, gián tiếp tác động tới các nền kinh tế khác.
Đối với các nền kinh tế đang phát triển, tiến trình phục hồi bị phủ bóng bởi nhiều khó khăn hơn. Chi phí lương cao, giá năng lượng và lãi suất đều trong xu hướng tăng, khủng hoảng lương thực và năng lượng cận kề… Điểm sáng hiếm hoi là giá hàng hóa tăng đột biến được kỳ vọng sẽ là tin tức tốt đối với một số nền kinh tế có thế mạnh xuất khẩu.
Trước tương lai nhiều màu xám, trong báo cáo gần đây, giải pháp được IMF đưa ra là: “Thứ nhất, cần chấm dứt xung đột ở Ukraine. Thứ hai, tiếp tục đối phó hiệu quả với đại dịch. Thứ ba, giải quyết lạm phát và nợ, trong đó các ngân hàng trung ương nên hành động quyết đoán hơn”. Tuy nhiên, việc duy trì một lộ trình tăng trưởng hợp lý của kinh tế toàn cầu sẽ đòi hỏi ý chí chính trị trong nước và sự phối hợp quốc tế để khắc phục khó khăn.
VASEP cho biết dự thảo Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vẫn còn một số nội dung quy định chưa phù hợp, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, ngành Ngân hàng sẽ nỗ lực cùng các địa phương để gỡ khó cho doanh nghiệp, kỳ vọng tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong 3 tháng cuối năm.
Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Việt Nam Trần Đáng cho biết, sẽ trình Chính phủ công nhận nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam...
Theo các chuyên gia, thị trường logistics hiện nay vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng. Nguồn cung chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu, các chủ đầu tư cần linh hoạt đưa ra những mô hình mới và tối ưu diện tích kho bãi sẵn có.
“Không nên coi Michelin là đỉnh cao của ẩm thực mà nên coi nó là một mặt bằng có chuẩn mực, là mức độ an toàn về dinh dưỡng, về thưởng thức văn hoá bản địa”, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ với Dân Việt.
Tuần lễ chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh diễn ra với chủ đề "Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số", nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10, thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt tại TP. Hồ Chí Minh.