Những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các tỉnh miền Tây tổ chức nhiều cuộc họp mặt, đối thoại doanh nghiệp để bàn phương án đầu tư, xuất khẩu nông sản, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, vấn đề nông sản ùn ứ tại biên giới khi Trung Quốc đóng cửa khẩu được nhiều doanh nghiệp quan tâm, tìm cách tháo gỡ.
Không bán nông sản thô
Bà Mã Thị Thanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết không ít nông dân các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa hiểu hết về nguy hại của dư lượng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật thừa trong nông sản.
“Bản thân nông sản có dư lượng kháng sinh tiêu thụ nội địa không được thì làm sao xuất khẩu. Mà năm nay nông dân trồng ra trái cây này xuất khẩu không được thì năm sau là ‘toi’ rồi. Bây giờ người ta không mua dưa hấu nữa mà chuyển qua mua bưởi, thậm chí tiêu thụ cả bưởi non”, bà Thanh chia sẻ.
Theo bà, nếu nông dân cứ luẩn quẩn trong việc sản xuất không tuân thủ các quy định về chất cấm thì sẽ nghèo mãi. Bà Mã Thị Thanh cũng cho rằng một phần do nông dân không được người có kiến thức hướng dẫn kỹ thuật, giúp họ cải thiện đất bạc màu và trồng cây gì, sử dụng chất gì để bổ sung cho phù hợp.
“Nếu nông dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trồng ra trái cây tốt, nông sản sạch thì mình ăn cũng được, bán chỗ nào cũng được, có giá và giúp họ làm giàu. Còn đằng này, người dân thiếu kiến thức, cứ thấy cây trồng không tốt là bón phân cho thật nhiều, nên trái cây bị hư. Việc tuyên tuyền sản phẩm sạch, ngành nông nghiệp phải giúp cho nông dân mình”, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nêu quan điểm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, ông rất mong muốn các doanh nghiệp đầu tư những nhà máy chế biến nông sản chuyên sâu, không bán những mặt hàng nông sản thô nhằm tạo ra giá trị cao và có thể dự trữ lâu dài.
“Tôi mong muốn các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản chuyên sâu và tỉnh sẽ tập đầu tư, quy hoạch thêm 5 cụm công nghiệp, chủ yếu là nằm ở tuyến đường Nam Sông Hậu. Các khu công nghiệp ở đây sẽ thuận lợi để phát triển kinh tế, vừa có đường thủy, vừa có đường bộ, đường sông và kết nối với cảng biển nước sâu của tỉnh”, ông Lâu chia sẻ.
Sản xuất nông sản theo hướng đa dạng thị trường
Trong buổi gặp gỡ đầu năm 2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng trụ cột thứ hai của địa phương này là nông nghiệp. Vì vậy, tỉnh đang chuyển đổi cơ cấu sản xuất để tăng tỷ trọng của các sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu.
Theo ông Thư, thời gian qua nông dân lo lắng việc Trung Quốc ngưng nhập khẩu hàng nông sản qua đường tiểu ngạch. Theo dõi thực tế, ông Thư trao đổi với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và thấy được vấn đề là không phải lo lắng.
“Lâu nay chúng ta sản xuất hàng xuất khẩu tiểu ngạch mà không quan tâm đến các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng bảo vệ thực vật, nên khi xảy ra vấn đề gì về thương mại thì sản phẩm của nông dân không xuất qua thị trường thứ hai. Nếu sản xuất mà bán qua một cửa thì có trục trặc gì phải bán nội địa. Vì vậy, khi Trung Quốc siết thị trường tiểu ngạch, mở rộng chính ngạch và đưa vào chương trình kiểm soát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì nông sản của chúng ta khó tiêu thụ”, ông Thư nói.
Từ việc Trung Quốc siết chặt việc kiểm soát chất lượng nông sản và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho đây là cơ hội mới để địa phương nhận thấy rằng khi hàng hóa các tỉnh miền Tây đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì đương nhiên đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật và các nước châu Âu…
“Điều đó có nghĩa là chúng ta sản xuất một mặt hàng mà đa dạng thị trường thì rủi ro lâu nay mình lo ngại sẽ không còn. Như vậy, chất lượng của ngành nông nghiệp là sản xuất sản phẩm an toàn, đúng tiêu chuẩn, hạn chế chất cấm. Vấn đề này đã đặt ra nhiều năm nhưng nông dân chưa thực hiện quyết liệt”, ông Thư bày tỏ.