Để phát triển bền vững và đóng góp xứng đáng hơn vào sự phát triển của vùng Đông Nam bộ theo tinh thần Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Bình Dương đang nỗ lực giải quyết các thách thức của mình và của cả vùng.
Giải quyết thách thức nội tỉnh
Các bất ổn về chính trị thế giới tiếp tục gây ra nhiều hệ quả tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam đang ngày càng được thế giới nhắc đến nhiều hơn với sự thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô và kiểm soát tốt lạm phát.
Đóng góp vào sự tăng trưởng đó, vùng Đông Nam tiếp tục đi đầu trong cả nước. Trong đó, cùng với TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương đã trở thành vùng động lực trong tứ giác kinh tế phát triển của cả vùng.
Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đang đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng chung của cả vùng (10%), cũng như cả nước (4%).
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chiếm 24,6% toàn vùng và 10% cả nước. Thu hút đầu tư nước ngoài của Bình Dương đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP.HCM.
Bình Dương cũng không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương; là một trong số những địa phương thuộc tốp đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người.
Những kết quả này đã đưa Bình Dương trở thành 1 trong những tỉnh thành tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tỉnh tế của tỉnh. Năng suất lao động còn thấp, dân số cơ học lại tăng cao. Những áp lực này đặt Bình Dương trước thách thức sớm phải đương đầu với bẫy thu nhập trung bình.
Ông Nhân cho biết, Bình Dương đã xây dựng chiến lược 6 trụ cột để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Các chiến lược này không chỉ giúp Bình Dương giải bài toán về năng suất lao động, phát triển kinh tế, mà còn nhằm phát triển bền vững và đồng đều.
Giải quyết thách thức của vùng
Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã xác định: Khu vực Nam Bình Dương thuộc tiểu vùng trung tâm phát triển của toàn vùng. Khu vực này nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục đào tạo, y tế và đầu mối giao thương với quốc tế.
Khu vực Bắc Bình Dương thuộc tiểu vùng phía Bắc, là nơi phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương đang tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ mới, gắn liền với quy hoạch vùng.
Để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị, Nghị quyết số 24 đã xác định cần thiết phải: Hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch tích hợp, Bình Dương cũng đã quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp dọc các tuyến vành đai, cao tốc này, nhằm tạo không gian phát triển mới với nhiều dư địa.
Theo ông Minh, điều này sẽ giúp Bình Dương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di dời các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trong đô thị không còn phù hợp quy hoạch, đồng thời tạo nguồn thu lớn từ quỹ đất để tái đầu tư phát triển.
Đồng thời, qua quá trình phát triển, Bình Dương bước đầu đã tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ. Điều này thể hiện qua việc Bình Dương sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3, và một số đoạn thuộc Vành đai 4 đi qua tỉnh.
Các tuyến vành đai cũng được tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.
Điều đặc biệt là những tuyến đường này được hoàn thành thông qua quá trình huy động nguồn lực và hoàn thiện từ nguồn vốn doanh nghiệp, góp phần rất hiệu quả trong chia sẻ gánh nặng về ngân sách.
Mặc dù mục tiêu, định hướng đã rõ ràng, nhưng để hiện thực hóa Nghị quyết số 24 thì còn nhiều vấn đề cần phải được giải quyết. Ông Võ Văn Minh cho rằng, trong quá trình liên kết phát triển vùng, Bình Dương và các tỉnh thành đang gặp không ít vướng mắc.
Cụ thể, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai chưa có cơ chế đặc thù, và chưa được đầu tư đúng mức để thực hiện chức năng phát triển.
Mặc dù kết cấu hạ tầng của vùng được đầu tư khá lớn, đồng bộ nhưng ngày càng quá tải. Hạ tầng hiện nay chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục chất lượng cao.
Các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng do Trung ương đầu tư còn hạn chế và chậm triển khai, nhất là hạ tầng giao thông cả trên đường bộ, đường sắt.
Hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến đầu tư công, cũng như đầu tư tư nhân và hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều điểm vướng mắc, chồng chéo và chậm được sửa đổi.
Để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ, nâng cao tính năng động của các địa phương trong vùng, tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương sớm hoàn thành quy hoạch vùng. Đây là điều kiện làm cơ sở triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối.
"Trung ương cũng cần có cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng trong điều tiết ngân sách, cũng như đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực", ông Võ Văn Minh kiến nghị.
Cách đây ít ngày, việc cửa hàng bánh cốm Nguyên Ninh - tiệm bánh cốm gia truyền lừng danh 11 Hàng Than, Hà Nội - bị tạm dừng hoạt động do những vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm gây băn khoăn trong dư luận.
Khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ cận kề, một chuyên gia thương mại đã cần mẫn nhắn nhủ tới những bạn bè thân thiết: "Ngày Tết dù ăn uống đơn giản cũng chịu khó mua sắm một chút để không uổng công các doanh nghiệp thương mại chuẩn bị hàng nhé!"
Bằng cách liên kết trong một doanh nghiệp xã hội, những người phụ nữ Ấn Độ đã đưa một món ăn vặt quen thuộc, làm hoàn toàn thủ công thành mặt hàng xuất khẩu doanh thu hàng triệu USD mỗi năm, mang lại cho họ thu nhập và vị thế trong xã hội.
Giá vàng “nhảy múa”, biến động bất thường, càng khiến dư luận đòi hỏi câu trả lời, tại sao không xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng?
Kể từ khi triển khai hệ thống KRX với thị trường chứng khoán Việt Nam, HoSE đã có 8 lần dời lịch vận hành vào những năm 2015, 2017, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 và mới đây nhất là ngày 2/5/2024.
Cách đây ít ngày, việc cửa hàng bánh cốm Nguyên Ninh - tiệm bánh cốm gia truyền lừng danh 11 Hàng Than, Hà Nội - bị tạm dừng hoạt động do những vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm gây băn khoăn trong dư luận.
Khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ cận kề, một chuyên gia thương mại đã cần mẫn nhắn nhủ tới những bạn bè thân thiết: "Ngày Tết dù ăn uống đơn giản cũng chịu khó mua sắm một chút để không uổng công các doanh nghiệp thương mại chuẩn bị hàng nhé!"
Bằng cách liên kết trong một doanh nghiệp xã hội, những người phụ nữ Ấn Độ đã đưa một món ăn vặt quen thuộc, làm hoàn toàn thủ công thành mặt hàng xuất khẩu doanh thu hàng triệu USD mỗi năm, mang lại cho họ thu nhập và vị thế trong xã hội.
Giá vàng “nhảy múa”, biến động bất thường, càng khiến dư luận đòi hỏi câu trả lời, tại sao không xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng?
Kể từ khi triển khai hệ thống KRX với thị trường chứng khoán Việt Nam, HoSE đã có 8 lần dời lịch vận hành vào những năm 2015, 2017, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 và mới đây nhất là ngày 2/5/2024.