Lo ngại độc quyền gây méo mó thị trường
Nhiều năm trở lại đây, giá thương hiệu vàng SJC trong nước thường xuyên chênh lệch rất lớn so với thị trường thế giới. Đặc biệt trong khoảng 4 tháng trở lại đây, khi thị trường thế giới diễn biến phức tạp do xung đột Nga - Ukraine, có lúc giá vàng miếng trong nước biến động với biên độ tăng/giảm trong phiên lên tới 6 triệu đồng/lượng, chênh lệch với thị trường vàng thế giới có lúc tới gần 20 triệu đồng/lượng và thường xuyên duy trì mức 16 - 18 triệu đồng/lượng.
Theo lý giải của các doanh nghiệp, sở dĩ thị trường vàng trong nước thiếu sự liên thông, thậm chí nhiều khi “lệch pha” với thị trường thế giới là do yếu tố cung - cầu trong nước quyết định. Cụ thể, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; độc quyền xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng… Trong khi đó, suốt thời gian dài, Ngân hàng Nhà nước không sản xuất thêm vàng miếng để tăng cung cho thị trường; cũng không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để chủ động nguồn cung… Do đó, khi cung - cầu thị trường đột biến thì doanh nghiệp vàng sẽ điều chỉnh giá nhằm hạn chế rủi ro về phía mình. Và dĩ nhiên, phần rủi ro sẽ đẩy cho khách hàng.
Dù vậy, cũng phải khẳng định Nghị định 24/2012/NĐ-CP trong suốt 10 năm qua đã phần nào đạt được các mục tiêu đặt ra là ổn định thị trường vàng, giảm việc tích trữ vàng trong dân. Tuy nhiên, do thị trường đã có những thay đổi nên nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải sửa những quy định tại Nghị định này. Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, có những giai đoạn chúng ta thả nổi thị trường vàng dẫn đến “vàng hóa”, “đô la hóa” nền kinh tế, trong khi nguồn lực kinh tế của Việt Nam còn hạn hẹp. “Vàng chỉ là phương tiện cất trữ, việc người dân mua rất nhiều vàng cũng chỉ “chôn” tiền, không đầu tư cho sản xuất kinh doanh sẽ không tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh nguồn lực kinh tế còn hạn hẹp, việc phải hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng là chủ trương đúng” - ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Cường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao cho thấy thị trường vàng trong nước không tương đồng với thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, vận hành theo cơ chế thị trường. Và việc SJC là đơn vị duy nhất được lựa chọn sản xuất vàng miếng sẽ tạo ra thế độc quyền cho một thương hiệu. “Đây là vấn đề cần tính đến. Mặc dù quản lý độc quyền nhưng cũng phải tạo ra sự cạnh tranh, tránh việc dùng những mệnh lệnh hành chính tác động vào thị trường, tránh việc tạo ra một thương hiệu, một sản phẩm vượt trội hơn những sản phẩm, thương hiệu khác. Có như vậy thì thị trường sẽ phát triển lành mạnh hơn” - TS Hoàng Văn Cường nói.
Nguy cơ buôn lậu vàng
Việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia, theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, nó không chỉ khiến thị trường hoạt động thiếu minh bạch mà còn dẫn đến nguy cơ buôn lậu vàng. Theo ông, để có một thị trường hoạt động lành mạnh, cần có một cơ chế chính sách bảo đảm cho các bên tham gia thị trường được hoạt động công khai, minh bạch, để giá cả trên thị trường không bị thao túng, không bị lũng đoạn. Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua cho thấy giá vàng trong nước đang “một mình một chợ”, phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Ông cho rằng đây là sự quá đà của một thị trường tự do, không phải là chủ trương mà Nghị định 24/2012/NĐ-CP hướng đến.
Không chỉ vậy, việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá lớn cũng khiến tình trạng buôn lậu vàng gia tăng. “Trước đây, giá vàng trong nước chỉ cao hơn thế giới vài ba triệu đồng mỗi lượng, buôn lậu vàng qua biên giới đã nhiều. Nay lợi nhuận cao gấp nhiều lần, chắc chắn sẽ gia tăng tình trạng buôn lậu vàng” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói. Do đó, ông cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để bình ổn thị trường, cùng với đó cần xem xét có hiện tượng đầu cơ, làm giá hay nhập lậu vàng không, qua đó có biện pháp can thiệp kịp thời.
Trong tuần qua, vấn đề độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới ở mức cao... cũng đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội. Nhiều đại biểu đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và nội dung này đã thu hút dư luận bởi đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được cơ quan quản lý giải thích rõ ràng. Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cũng cho rằng, việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lớn đòi hỏi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải sớm nghiên cứu điều chỉnh sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP. “Nếu không sửa sớm có thể dẫn đến các yếu tố tiêu cực như buôn lậu vàng, đô la đen” - ông Trần Hoàng Ngân bày tỏ lo ngại.
Sẽ nghiên cứu sửa đổi
Thừa nhận có sự chênh lệch lớn giữa giá vàng SJC với giá vàng quốc tế (16 - 17 triệu đồng/lượng), song Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên thị trường vẫn có các thương hiệu khác ngoài SJC, tức vàng nguyên liệu, chênh lệch với quốc tế chỉ vào khoảng 2 triệu/lượng. Nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là việc thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế, từ năm 2012 khi thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP và đặc biệt là từ năm 2014 trở lại đây khi Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN cho rằng, riêng với mặt hàng vàng miếng SJC, người dân mua cao thì cũng bán với giá cao, trong khi các thương hiệu khác mua thấp và bán thấp, nên việc này không có dấu hiệu bất thường.
Về tranh luận có hay không việc để SJC độc quyền sản xuất vàng miếng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, lý do chọn SJC là đơn vị gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước vì đây là thương hiệu được người dân ưa chuộng (chiếm 90% thị phần) từ trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành. Với nội dung này, khi kết luận phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền tệ, quản lý ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng, trong đó có Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu để sửa đổi nghị định này. Trước đây khi xây dựng Nghị định 24 là để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Trong suốt 10 năm qua, không chỉ Ngân hàng Nhà nước mà các báo cáo, đánh giá, nhìn nhận đều cho thấy câu chuyện quản lý vàng đã tạo được sự ổn định trong quản lý kinh tế vĩ mô, từ đó kiểm soát lạm phát, kiểm soát được thị trường vàng, không tác động đến mặt bằng giá cả và các chỉ tiêu khác. Tuy nhiên, sau 10 năm, có những tác động của tình hình kinh tế thế giới, tác động của giá vàng thế giới với Việt Nam, do đó Ngân hàng Nhà nước đã và đang cử các đoàn nghiên cứu, vừa đi kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh vàng hiện nay, vừa đánh giá câu chuyện vàng bạc thực tế trong nền kinh tế, nhu cầu thực của người dân, vừa đánh giá xem câu chuyện giữa các thương hiệu vàng hiện nay ra sao…
“Không phải Quốc hội đặt vấn đề Ngân hàng Nhà nước mới nghiên cứu, mà việc này đã được nghiên cứu hàng năm nay. Chúng tôi nghiên cứu một cách thấu đáo và cũng đặt ra lộ trình xem xét để sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP trong thời gian tới sao cho phù hợp, đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức…” - Phó Thống đốc cho biết.
Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả bia và rượu ở mức 65% từ 1/1/2018, được xem là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, có khả năng thuế này sẽ tăng nữa.
Giám đốc phân tích tại BSC lưu ý: Các chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá cho các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó có VNĐ. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc các kịch bản thận trọng hơn.
Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra quá kịch tính. Màu xanh [của đảng Dân Chủ] và màu đỏ (của đảng Cộng Hòa) thi nhau nhảy lên nhảy xuống ở 7 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Bắc Carolina.
Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ
Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?
Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?