Minh bạch dòng tiền
Nội dung ở bản dự thảo Thông tư Quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội lần thứ ba chi tiết hơn so với hai lần trước.
Theo đó, về việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, Bộ Tài chính đề xuất đơn vị được giao tiếp nhận phải mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội thực hiện theo chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt phải có ghi sổ đầy đủ.
Đối với tiền trong hòm công đức, tiền đặt lễ, tiền khấn…định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần, cơ sở di tích phải kiểm đếm, ghi sổ số tiền tiếp nhận. Số tiền công đức tạm thời nhàn rỗi được gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.
“Quy định nêu trên nhằm đảm bảo cho việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức, tài trợ được an toàn, thuận tiện. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản tại các di tích, có không ít nhà chùa trình báo mất trộm hàng tỷ đồng. Mặt khác, khi xảy ra đại dịch COVID-19, có nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu công đức, tài trợ cho di tích nhưng không thực hiện được do phải giãn cách xã hội”, Bộ Tài chính nêu trong Tờ trình lấy ý kiến dự thảo hôm 30/3.
PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Bộ VHTTDL cung cấp nội dung, nhiều lần góp ý để Bộ Tài chính soạn thảo, xây dựng Thông tư.
Điểm mới của dự thảo thông tư lần này là phân chia việc quản lý, sử dụng tiền công đức đối với một số trường hợp cụ thể. Đối với di tích là cơ sở tôn giáo không có hoạt động lễ hội do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thì tiền công đức, tài trợ cho di tích là tài sản của tổ chức tôn giáo. Tiền công đức, tài trợ cho di tích hoàn toàn do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng.
Đối với di tích là cơ sở tôn giáo có hoạt động lễ hội truyền thống do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích thì tiền công đức, tài trợ cho di tích được trích một phần để chi cho hoạt động tổ chức lễ hội tại di tích. Phần còn lại do tổ chức tôn giáo quản lý và sử dụng.
Đối với việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ đối với di tích thuộc sở hữu tư nhân thì tiền công đức, tài trợ cho di tích là tài sản của chủ sở hữu di tích. Chủ sở hữu có trách nhiệm quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, đúng mục đích và có hiệu quả.
Không nên coi tiền công đức là “nhạy cảm”
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, trước tới nay, việc quản lý dòng tiền cúng dường, đóng góp vào các cơ sở tôn giáo nói chung, chùa chiền hoặc nhà thờ được xem là lĩnh vực nhạy cảm và do cơ sở chủ động trong việc thu chi, quản lý. Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý số tiền này xảy ra nhiều lùm xùm, vì vậy đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải vào cuộc.
“Nếu việc quản lý nguồn tiền công đức tại cơ sở tôn giáo thực hiện qua tài khoản ngân hàng sẽ giúp minh bạch việc sử dụng. Những cá nhân đóng góp tiền vào cơ sở tôn giáo cũng sẽ yên tâm hơn khi biết tiền đóng góp được sử dụng đúng mục đích”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho rằng, để thực hiện được việc này, chính quyền địa phương phải kết hợp với cơ sở tôn giáo cũng như Giáo hội để quản lý vấn đề thu chi. Ở địa phương cần có những người theo dõi các khâu này, cùng với đó, nên thành lập các hội đồng, như một đại diện của người dân ở các cơ sở tín ngưỡng để cùng tham gia việc kiểm đếm, tính toán dòng tiền đóng góp. Sau đó, có thể sẽ phân chia ra thành các nguồn thu để lại chi tại chỗ, hoặc chuyển vào một quỹ nào đó, thậm chí có thể san sẻ thêm cho các cơ sở thờ tự khác…
Cần phải nghiên cứu kỹ để có cách thức quản lý nguồn thu chi tốt hơn hiện nay. Khi đó toàn bộ nguồn thu từ hoạt động lễ hội, công đức... đều được kiểm đếm, tính toán phân chia theo tỷ lệ hợp lý. Trong đó, cụ thể tỷ lệ đóng góp cho ngân sách địa phương và trung ương; bao nhiêu tiền giữ lại để sử dụng vào bảo tồn, trùng tu, hay chi tiêu. Việc này sẽ tạo được niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng.
Câu chuyện minh bạch quản lý, sử dụng tiền công đức được đặt ra từ hàng chục năm nay, cho nên dự thảo Thông tư này nhận được sự ủng hộ của phần đông cộng đồng, các BQL di tích. Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL Di tích và thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương) kỳ vọng Thông tư tạo hành lang pháp lý giúp “công khai minh bạch tiền công đức cũng như hướng dẫn sử dụng một phần tiền công đức cho tổ chức lễ hội”. Lâu nay công tác tổ chức lễ hội chùa Hương do BQL Di tích thắng cảnh Hương Sơn phối hợp với trụ trì chùa Hương thực hiện. Toàn bộ tiền công đức trong khuôn viên di tích do nhà chùa quản lý, BQL chỉ quản lý phí thắng cảnh. Nhờ Thông tư này, BQL di tích sắp tới sẽ được nhà chùa san sẻ chi phí tổ chức lễ hội nhiều hơn.
TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phân tích cặn kẽ về Thông tư quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Trong bối cảnh hiện thời, việc ban hành Thông tư là hết sức cần thiết. Sở dĩ cần thiết là vì: Thứ nhất, hiện nay, việc thu chi tiền công đức tại các di tích và lễ hội khá lộn xộn. Những lộn xộn này dẫn đến nhiều mâu thuẫn, thậm chí là tranh chấp ở các địa phương, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của di tích và tổ chức lễ hội.
Thứ hai, chúng ta đang quản lý di tích và tổ chức lễ hội trong bối cảnh mới, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố kinh tế thị trường. Việc quản lý di tích, tổ chức lễ hội trong bối cảnh chịu sự tác động của nền kinh tế thị trường khiến các yếu tố có liên quan đến vật chất như tiền dâng cúng, lễ vật cung tiến, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng cần phải được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng, tránh tác động tiêu cực của chính các quan hệ cung-cầu, lợi ích vật chất của nền kinh tế thị trường có thể gây ra.
Thứ ba, thực tế người dân có nhu cầu rất lớn trong đóng góp tu bổ di tích, tổ chức lễ hội, vì vậy luôn cần có công cụ pháp luật điều chỉnh để vừa tạo điều kiện cho người dân (và cả các tổ chức) tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước, vừa tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này.
Thứ tư, dù chúng ta đã có những kinh nghiệm nhất định trong việc quản lý tiền công đức ở các văn bản hướng dẫn trong phạm vi của Bộ VHTTDL, ở các địa phương và từng di tích, lễ hội, tuy nhiên, các văn bản mới chỉ dừng ở mức hướng dẫn thực hiện, chưa có tác dụng chế tài hiệu quả. Chính vì thế, sự ra đời Thông tư là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo tôi, các quy định của Thông tư là rất rõ ràng, từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc, hình thức, phương thức tới các quản lý tài sản, thu chi trong các di tích và lễ hội, trong đó những nguyên tắc như “tự nguyện, công khai, minh bạch, không vụ lợi” được xem yêu cầu quan trọng đối với tiền công đức và tài trợ cho di tích, từ đó, giúp cho các hoạt động này đóng góp tích cực cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích và lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa của đất nước nói chung.
Tuy vậy, từ văn bản pháp quy tới thực tiễn cuộc sống có thể có những sai lệch nhất định. Các di tích gồm nhiều loại hình và quy mô khác nhau, thuộc nhiều chủ sở hữu khác nhau, ở những vùng miền, dân tộc khác nhau, lễ hội cũng đa dạng không kém. Vì thế, sau khi Thông tư được ban hành, việc thực hiện Thông tư cũng sẽ là sự kiểm nghiệm thực tiễn và là cơ sở để chúng ta có những sửa đổi về sau. Dù vậy, ít nhất chúng ta cũng có thể đưa ra một văn bản để xử lý hoạt động quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội-một vấn đề rất khó khăn nhưng quan trọng hiện nay.
Bỗng dưng nhận được thông báo phí SMS Banking tăng gấp nhiều lần, không ít người đã quyết định hủy dịch vụ, chuyển sang lựa chọn miễn phí
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.
Chỉ số S&P 500 và chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục mới trong ngày 26/11 ở Mỹ, đi ngược với diễn biến giảm điểm trong chứng khoán châu Âu.
Ước tính gần 670.000 tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bơm vào nền kinh tế trong 2 tháng cuối năm này để hỗ trợ tăng trưởng GDP theo kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước đặt ra hồi đầu năm.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm do được hưởng lợi nhiều nhất từ lãi suất thấp và nền kinh tế tăng trưởng mạnh.
Ông Howard Lutnick, người vừa được Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ chọn làm Bộ trưởng Thương mại thời Trump 2.0, đang mạo hiểm nhảy vào lĩnh vực cho vay được hỗ trợ bằng tiền điện tử.