Kỳ vọng từ nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025
01/01/2025 3:05 PM (GMT+7)
Dự báo nửa đầu năm 2025 vẫn sẽ tương đối khó khăn bởi thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá nhiều nhiễu động phía trước. Tuy nhiên, nửa cuối 2025, nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm bluechip và vốn hóa lớn, bởi câu chuyện sẽ hướng đến giai đoạn mới, khi thị trường được nâng hạng.
Kỳ vọng nâng hạng thị trường có thể đưa VN-Index năm 2025 lên trên 1.600 điểm
Thị trường đã kết thúc năm 2024 với chỉ số VN-Index ở mức 1.266,78 điểm, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 13%, thuộc nhóm những quốc gia có chỉ số chứng khoán tăng trưởng cao nhất trong năm.
Dù không đạt mức tăng mạnh như các thị trường chứng khoán Mỹ hay Nhật Bản, nhưng năm qua, VN-Index đã vượt xa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Indonesia hay Hàn Quốc.
Đáng nói, điểm nhấn chính của thị trường chứng khoán là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh mẽ. Và dữ liệu cho thấy, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào nhóm cổ phiếu liên quan đến chỉ số, khiến nhóm này tăng chậm lại.
Bên cạnh đó, xét về dòng tiền trong nước, dễ thấy xu hướng lựa chọn nhóm cổ phiếu midcap và penny. Trong năm 2024, midcap và penny có những nhịp tăng rất mạnh, thậm chí có nhóm cổ phiếu tăng trên 100%.
Trong những tuần gần đây, dòng tiền có sự lan tỏa vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Đây là giai đoạn nhà đầu tư chủ động đi tìm cơ hội để tránh những rủi ro từ áp lực bán ròng nước ngoài. "Diễn biến này cho thấy dòng tiền trên thị trường luôn luôn có sự vận động và nhà đầu tư chủ động tìm cơ hội thích ứng với từng giai đoạn của thị trường", ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường tại CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) nói.
Năm 2025, ông Sơn nhận định, diễn biến nửa đầu năm vẫn sẽ tương đối khó khăn bởi thị trường còn khá nhiều nhiễu động phía trước. Tuy nhiên, nửa cuối 2025, nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm bluechip và vốn hóa lớn, bởi câu chuyện sẽ hướng đến giai đoạn mới, khi Việt Nam được nâng hạng và nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn những nhóm cổ phiếu lớn, nằm trong chỉ số.
Đặc biệt, trong ngắn hạn, ông Sơn dự báo, cổ phiếu vừa và nhỏ có thể hút được dòng tiền, còn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chứng kiến đà tăng chững lại. Với bối cảnh thanh khoản trung bình và thấp, dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu nào thì nhóm đó có thể sẽ có mức tăng giá tốt hơn so với mặt bằng chung.
Trong khi đó, nhằm dự báo triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam 2025, VCBS đã sử dụng mức trung bình điều hoà của P/E khu vực Châu Á – Thái Bình Dương làm tham chiếu so sánh để xác định mức định giá của thị trường Việt Nam. Trong những năm trở lại đây, VN-Index đang được định giá tương đương mặt bằng bình quân khu vực. Theo đó, VCBS ước tính P/E của Việt Nam sẽ dao động ở vùng 13.9x – 15.3x trong năm 2024.
Với kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index được dự báo có thể đạt 1.555 điểm với P/E của VN-Index đạt 14,6x và EPS thị trường +12%. Với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường.
Đâu là nhóm ngành tiềm năng trong năm 2025?
Theo Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS, ngân hàng và chứng khoán là hai nhóm rất hấp dẫn. Riêng với ngân hàng, ông Sơn dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự kiến trong năm 2025 tiếp tục ở mức khoảng 17,7%, chứng khoán khoảng 15% về lợi nhuận.
Với động lực tăng trưởng như vậy, hai nhóm này sẽ thu hút dòng tiền, đặc biệt nếu trong năm 2025, thị trường có những nhịp điều chỉnh sâu thì nhà đầu tư sẽ có cơ hội mua cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán với định giá hấp dẫn.
Nhóm ngành thứ ba mà ông Sơn cho rằng tiếp tục hấp dẫn là bất động sản khu công nghiệp. Hiện, Việt Nam đang đầu tư hạ tầng bài bản với đường cao tốc được khai thông liên tục trong năm nay sẽ giúp Việt Nam nhận được những đánh giá rất cao của nhà đầu tư FDI.
Trong những năm gần đây, khi câu chuyện thuế quan của Mỹ - Trung Quốc được đẩy lên rất cao, dòng vốn FDI có dấu hiệu rút ra khỏi nhiều quốc gia, sụt giảm rất mạnh, đặc biệt là Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam nhận được tăng trưởng FDI rất cao, tiếp tục duy trì trong năm 2024. Câu chuyện này có thể tiếp tục trong năm 2025.
"Tôi vẫn kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam trong 2025, khi chúng ta có sự cải thiện về tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng được nâng cấp và có nền chính trị ổn định. Ngoài ra, tôi kỳ vọng rằng trong năm 2025, chính sách thuế của ông Donald Trump sẽ không nhằm vào Việt Nam. Ngoài yếu tố thương mại, chính sách thuế quan của ông Trump còn liên quan đến buôn lậu ma túy, nhập cư bất hợp pháp …", ông Sơn nhận định.
Vị chuyên gia phân tích thêm, khi FDI vào Việt Nam thì bất động sản khu công nghiệp sẽ là nhóm được hưởng lợi. Trong nhóm bất động sản khu công nghiệp, trước khi ông Trump làm Tổng thống thì một công ty của ông Trump cũng đã ký hợp tác với KBC. Ngoài KBC, nhiều công ty như Becamex, SZC cũng đều có thể tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2025.
Cuối cùng, nhóm dầu khí cũng có thể tăng trưởng tốt trong năm tới. Vào năm 2024, nhóm dầu khí cũng có sức bật tương đối rõ. Tuy nhiên, sức bật diễn ra khá chóng vánh, liên quan phần lớn đến thông tin dự án của lô B – Ô Môn.
Trong năm 2025, với nền kinh tế tăng trưởng, Việt Nam đẩy mạnh khai thác dự án, mỏ dầu mới thì đây vẫn có thể là tiêu điểm với cổ phiếu dầu khí, nhất là sau khi nhiều cổ phiếu đã có sự điều chỉnh về giá. Do đó, trong năm 2025, rất có thể nhóm cổ phiếu này sẽ tăng tốc trở lại.