Thứ sáu, 29/03/2024

Cơn mê cuồng chứng khoán

07/12/2021 1:00 PM (GMT+7)

Hơn chục năm đã trôi qua, kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đạt đỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay người ta mới lại được chứng kiến một cơn sốt tương tự.

Mở mắt đi ăn phở đã thấy hỏi hôm qua mua gì, chốt lời, cắt lỗ ra sao. Lên công ty chưa kịp check email, làm việc thì các nhóm zalo cũng như phần mềm chat thông tin “phím hàng” cứ bắn vào chíu chíu. Tối về đến nhà, câu chuyện vợ chồng vẫn xoay quanh bảng xanh-đỏ, rằng hôm nay VN-Index lên bao nhiêu, thằng A con B ở công ty vừa ăn được con gì, bao nhiêu phần trăm...

Nhân đôi, nhân ba tài khoản trong một nốt nhạc

Đầu tháng 11-2021, Phan Tùng - một viên chức tại một cơ quan cấp sở ở Hà Nội bắt đầu thực sự gia nhập thị trường chứng khoán, khi xuống tiền mua 1.000 cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Nói là thực sự vì rằng, Tùng đã được bạn bè lập giúp tài khoản của Công ty Chứng khoán SSI từ trước đó khá lâu, song chưa dám đổ tiền vào để mua cổ phiếu. Từ lâu Tùng vẫn nghe nhiều thông tin cho rằng, mua cổ phiếu chả khác gì... “đánh bạc” nên chàng vẫn trù trừ không mua. Song, khoảng một tháng trở lại đây, đi đâu gặp ai Tùng cũng chỉ nghe thấy hai từ “cổ phiếu” và “chốt lời”. Bạn bè Tùng 10 người thì đến 9 người khoe đã mua con A, B, C và đều thắng. Người ít lời vài chục phần trăm, có người tăng gấp đôi, gấp ba tài khoản chỉ trong vòng một tháng chơi chứng khoán.

Cơn mê cuồng chứng khoán - Ảnh 1.

Thay vì làm nhân viên công sở, khoảng một năm trở lại đây, Nguyên Huân và nhiều bạn bè chuyển qua chơi chứng khoán.

Nghe thế, máu làm giàu trong người nổi lên. Thêm vào đó, bố mẹ Tùng vừa bán đất ở quê và chia cho mỗi con khoản tiền gần 1 tỷ đồng. Tùng đã lấy ra 700 triệu đồng để trả khoản tiền mua căn chung cư trả góp, 300 triệu đồng lẽ ra “mua con xe ô tô cũ đi lại cho đỡ vất vả” - như dự định trước đó thì nay Tùng nghe lời bạn bè khuyên nên đã giữ lại để chơi chứng khoán.

Bỏ ra khoảng 3 ngày “nghiên cứu thị trường”, Tùng nắm được những điều cơ bản nhất về thị trường chứng khoán, cách “soi” hồ sơ, thông tin, chart (đồ thị) của một cổ phiếu, cách đặt lệnh/sửa lệnh... Rồi Tùng lên mạng xã hội YouTube để nghe các chuyên gia phân tích nên mua con nào, kế hoạch chơi ra sao...

Xuống tiền mua cổ phiếu HAG, chỉ sau 3 phiên Tùng đã lời được gần 20%. Số vốn ban đầu là hơn 6 triệu đồng đã nhảy lên được khoảng 8 triệu đồng. “À, hóa ra chơi chứng khoán không khó như mình tưởng” - Tùng nghĩ vậy và ném sạch số tiền còn lại vào thị trường. “Cờ bạc đãi tay mới” - sau khoảng 3 phiên nữa, từ 300 triệu đồng ban đầu, Tùng đã có thêm hơn 60 triệu đồng. Tức là đã lãi 20% chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ.

Nguyên Huân (nhân viên một công ty về du lịch) bước chân vào sàn sớm hơn Tùng mấy tháng nên còn ăn “đậm” hơn. Huân kể lại khoảng thời điểm cuối tháng 4-2021, khi đang thất nghiệp thì cậu bạn cùng công ty rủ chơi chứng khoán. Nạp vào tài khoản 50 triệu đồng, Huân mua được 1.000 cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, sau một thời gian bán ra có lãi. Thấy đầu tư chứng khoán thật đơn giản, không mất nhiều thời gian mà lãi còn hơn cả một tháng lương đi làm, Huân vay thêm họ hàng, gia đình gom được gần 500 triệu đồng.

Cơn mê cuồng chứng khoán - Ảnh 2.

Với mức lợi nhuận 10-20% chỉ trong thời gian ngắn khiến nhiều người lao vào chơi cổ phiếu.

Chiến lược của Huân là vào khắp các room chứng khoán, mua những mã nào được nhiều người nhắc đến nhất, không cần biết doanh nghiệp đang kinh doanh những mặt hàng gì, lãi lời ra sao. Thậm chí khi bất ngờ hỏi đến mã cổ phiếu trong danh mục tên doanh nghiệp là gì, ở đâu, lãnh đạo doanh nghiệp là ai, Huân cũng không hề hay biết.

Đến tháng 8, số lãi của Huân đã tăng lên gấp đôi, gần 1 tỷ đồng. “Sau nửa năm, đến nay tôi đã có một tỷ rưỡi trong tay, đời tôi chưa bao giờ nghĩ kiếm tiền dễ và nhanh như thế. Giá như chơi chứng khoán sớm hơn, có lẽ đời tôi đã bớt khổ” - Huân hào hứng kể. Sau khi “cá kiếm” được từ chứng khoán, Huân mua ô tô, trở thành “người hùng” trong mắt gia đình, anh em, bạn bè. “Mục tiêu của tôi là phải đạt được lãi kép, từ nay đến cuối năm, lợi nhuận ít nhất cũng phải nhân đôi, nhân ba”, Huân chia sẻ mơ ước.

Tùng, Huân là điển hình của những nhà đầu tư F0 trên thị trường chứng khoán khoảng một năm trở lại đây. Có thể nói chưa bao giờ thị trường lại sôi động như thời gian qua. Chỉ đơn cử một vài con số: 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số VN-Index đã tăng từ khoảng 1.100 điểm lên hơn 1.400 điểm (tăng mạnh thứ hai thế giới). Cho đến thời điểm này, VN-Index đã vượt mốc 1.500 điểm - là số điểm cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam sau 21 năm hoạt động. Theo dự báo của một quỹ đầu tư nước ngoài, giai đoạn 2022-2024 chỉ số VN-Index có thể chạm mốc 2.500 điểm.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, người dân đã chuyển thêm 68.000 tỷ đồng vào đầu tư chứng khoán. Đây là con số rất lớn, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu trong nước đối với thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên là từ 20.000 - 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với năm 2020. Thanh khoản toàn thị trường lên mức kỷ lục trong lịch sử với gần 52.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD vào phiên giao dịch ngày 3-11-2021). Tháng 6-2021, có lúc sàn giao dịch HNX đã bị nghẽn do dòng tiền đổ vào “quá đông và hung hãn”.

Chỉ trong vòng 10 tháng của năm 2021, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017-2020 cộng lại. Từ công chức, viên chức, nhân viên văn phòng, dân bất động sản đến học sinh, sinh viên... và ngay cả những bà nội trợ, đầu bếp, cũng đua nhau mở tài khoản, mong kiếm lời từ lướt sóng cổ phiếu.

Cơn mê cuồng chứng khoán - Ảnh 3.

Nhà đầu tư F0 cần có kiến thức khi tham gia thị trường chứng khoán, tránh chơi theo cảm tính.

Ai cũng thắng thì ai thua?

Có một thực tế là, từ đầu năm 2021 đến nay có nhiều nhà đầu tư F0 tham gia thị trường chứng khoán và có lãi. Họ mua cổ phiếu giá thấp, bán được giá cao. Chính vì vậy nên câu cửa miệng của dân chơi chứng khoán năm nay là: “Hễ mua là thắng”. Tuy nhiên, trong số hàng trăm ngàn nhà đầu tư mới kia, cũng có không ít người phải ngậm đắng nuốt cay vì chứng khoán.

Dù kiến thức không có là bao, song Hoàng Trang (nhân viên văn phòng tại một công ty bất động sản) lại chơi chứng khoán theo kiểu “tất tay”. Khi mới chơi, Trang thắng được 2 mã cổ phiếu, thu về hơn 100 triệu đồng (so với số tiền gốc là 500 triệu đồng). Thấy ngon ăn, Trang giấu chồng mượn sổ đỏ của bố mẹ, đăng ký xe ô tô... đi vay nóng nhằm hy vọng gấp đôi, gấp ba tài khoản.

Chẳng ngờ, mấy cổ phiếu Trang dốc hết vốn cứ dùng dằng, loanh quanh giá mua vào suốt một thời gian dài. Có cổ phiếu Trang mua vào với giá khoảng 60.000 đồng/cổ phiếu, sau một thời gian thì mất giá thảm hại, chỉ còn khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu. Và hầu hết các mã cổ phiếu của Trang đều lâm vào tình trạng cứ vừa mua xong là giảm, đến khi vừa bán để “cắt lỗ” thì lại “trở mặt” tăng vèo vèo. Sau hơn một năm tham gia thị trường, Trang đã lỗ đến vài tỷ đồng.

Theo broker Việt Hoàng của sàn SSI, anh đã từng chứng kiến những trường hợp mất rất nhiều tiền sau một thời gian tham gia thị trường chứng khoán. Những nhà đầu tư “âm” đến 30-50% số tiền đầu tư cũng không ít, và để gỡ lại là rất khó. Cũng theo Hoàng, các nhà đầu tư mới nên tỉnh táo, bản lĩnh trước những lời dẫn dắt của những “đội lái” cổ phiếu. Bởi những mã được phím hàng có thể chỉ là những mã đầu cơ, đến một giai đoạn nó sẽ trở lại giá trị thật và đánh bay số tiền của nhà đầu tư đổ vốn vào mã cổ phiếu đó trong phút chốc.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc AFA Capital thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã xuất hiện hiện tượng đầu tư theo kiểu FOMO (Fear of missing out - nhà đầu tư đổ xô mua một tài sản vì sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm lời). Theo ông Tuấn, việc nhà đầu tư F0 lao vào thị trường và không xác định một chiến lược đầu tư rõ ràng, đầu tư theo cảm xúc thì lợi nhuận của họ sẽ không được bền vững trong tương lai. “Có tới 90% nhà đầu tư F0 sẽ mất 90% tài sản trong 90 ngày đầu tham gia thị trường chứng khoán” - ông Tuấn cảnh báo.

Cơn mê cuồng chứng khoán - Ảnh 4.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ trong 2 năm trở lại đây, song luôn chứa đựng rủi ro với nhà đầu tư FOMO.

“Với một thị trường biến động như chứng khoán, người kiếm tiền bằng cảm tính chính là người dễ thất bại nhất. Trước khi đưa ra một quyết định đặt lệnh giao dịch, các nhà đầu tư trẻ mới đầu tư chứng khoán nên tìm hiểu kỹ về thị trường, hơn là lao vào thị trường với tâm lý “thực chiến” và phó mặc tài sản đầu tư đã tích lũy của mình cho việc thắng thua.

Bên cạnh đó, những nhà đầu tư mới nên tìm hiểu thật kỹ về các doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư, nên đặt ra lợi nhuận kỳ vọng, mức cắt lỗ hợp lý với mỗi khoản đầu tư và tuân thủ kỷ luật mà mình đã đặt ra. Đồng thời, cũng nên hạn chế đầu tư theo các tin đồn không được xác thực trên thị trường, nên bình tĩnh trước những pha “rung lắc” của thị trường, xác định lại bằng các phương pháp phân tích cơ bản và kỹ thuật để xác định xu hướng của cổ phiếu, tránh hành động theo cảm xúc và số đông”.

Nhiều “chiêu” lừa đảo mạo danh công ty chứng khoán

Mới đây Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, đã có những cá nhân, tổ chức mạo danh VNDirect để tung ra các chiêu trò lừa đảo, thu lợi bất chính thông qua tin nhắn, cuộc gọi đến khách hàng.

Theo đó, các tài khoản mạng xã hội mạo danh nhằm mục đích lừa đảo thường đăng các bài viết chào mời khách hàng nhận các phần quà, ưu đãi hấp dẫn, các giá trị tặng thưởng bất ngờ và nhiều chương trình đầu tư sinh lợi hứa hẹn khác. Dưới bài viết thường mời chào khách hàng click vào một đường dẫn (link) để nhận thưởng hoặc để nộp một khoản đầu tư nhỏ.

Khi click vào link này, khách hàng sẽ được điều hướng đến một trang web giả mạo và có thể được yêu cầu cung cấp các thông tin mật như mật khẩu tài khoản ngân hàng... từ đó đánh cắp tiền, thông tin giao dịch, thanh toán của khách hàng.

Các đối tượng giả mạo này sẽ hướng dẫn khách hàng tải các phần mềm giao dịch vào điện thoại, nộp tiền vào tài khoản cá nhân nào đó và tham gia trò chơi. Các ván đầu thường thắng và được trả tiền đầy đủ. Khi khách hàng tham gia sâu với số tiền lớn thì sẽ bị chiếm đoạt và các đối tượng sẽ xóa liên lạc.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Thêm ngân hàng nước ngoài nhảy vào thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam

Thêm ngân hàng nước ngoài nhảy vào thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam

Thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam vừa có thêm một "tay chơi" mới, là một ngân hàng nước ngoài, sau khi ngân hàng SCB từ Thái Lan mua lại 100% công ty Home Credit Việt Nam vào cuối tháng 2 vừa qua.

Cổ phiếu LPB có thông tin gì mà "ngược sóng" thị trường phiên sáng nay?

Cổ phiếu LPB có thông tin gì mà "ngược sóng" thị trường phiên sáng nay?

Tạm đóng cửa phiên sáng nay (29/3), cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (HoSE: LPB) tăng gần 3%, lên 17.400 đồng/CP, trong khi đó, các mã cổ phiếu ngân hàng khác đều "rực lửa" như VCB, BID, CTG, MBB, TCB...

Hệ thống giao dịch của VNDirect dự kiến hoạt động trở lại vào 1/4?

Hệ thống giao dịch của VNDirect dự kiến hoạt động trở lại vào 1/4?

Sáng nay (29/3), VNDirect thông báo đã thực hiện thông luồng giao dịch thành công trên môi trường giả lập vào 21 giờ ngày hôm qua 28/3.

Bình Dương sẵn sàng cho nhà đầu tư Úc đến kinh doanh

Bình Dương sẵn sàng cho nhà đầu tư Úc đến kinh doanh

Đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Bình Dương đang có mặt tại Úc để quảng bá và giới thiệu cơ hội đầu tư tại tỉnh đến các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức ở nước Úc. Tỉnh cam kết hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ở mức tốt nhất có thể trong sản xuất kinh doanh.

Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (29/3): Mảng cho vay ký quỹ sẽ giúp Chứng khoán HSC tăng thêm thị phần?

Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (29/3): Mảng cho vay ký quỹ sẽ giúp Chứng khoán HSC tăng thêm thị phần?

Tính đến 31/12/2023, dư nợ cho vay ký quỹ của HSC đạt hơn 12.135 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. MSVN cho biết sự vận hành của hệ thống KRX kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng thanh khoản giao dịch và tăng giá của các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, sẽ giúp cho mảng môi giới và ký quỹ của HSC được cải thiện.

Lần đầu "chia tiền" sau 1 thập kỷ, cổ phiếu Techcombank hút dòng tiền cá mập hơn 1.455 tỷ đồng

Lần đầu "chia tiền" sau 1 thập kỷ, cổ phiếu Techcombank hút dòng tiền cá mập hơn 1.455 tỷ đồng

Chính sách chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng của Techcombank trình cổ đông là một sự thay đổi lớn của Techcombank sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận để củng cổ nền tảng vốn, phát triển kinh doanh.