15 năm trước, trong một chuyến khảo sát để quy hoạch vùng cây trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một lãnh đạo bộ này đã phải thốt lên: "Phú Yên đang giữ trong mình một kho báu" khi đoàn đặt chân đến cao nguyên Vân Hòa.
"Hòn ngọc" cho du lịch xanh
Vị lãnh đạo bộ này lúc đó nói như vậy vì hiếm có một cao nguyên nào lại chỉ cách biển khoảng 5 km đường chim bay. Đứng ở cao nguyên mà lại thấy rõ biển, hít được gió biển. Gần biển nhưng ở độ cao trung bình 400 m nên khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ, thường có sương mù vào lúc sáng sớm và chiều tối, dù là vào mùa hè. Cao nguyên Vân Hòa lại được thiên nhiên ban tặng một vùng thổ nhưỡng đất đỏ bazan với lượng mưa trung bình hằng năm ở mức cao, từ 1.700-1.900 mm nên cây cối quanh năm tươi tốt.
Cao nguyên Vân Hòa trước đây thường được tính là vùng 3 xã, tức Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân của huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Hiện nay, nói đến cao nguyên Vân Hòa, người ta còn nghĩ đến các vùng phụ cận có thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng là An Xuân và An Thọ (huyện Tuy An). Chỉ cách trung tâm tỉnh Phú Yên gần 40 km nên cuối tuần, nhiều người ở TP Tuy Hòa đưa gia đình về đây vui chơi. Người dân nơi đây thấy vậy dựng quán, lập vườn rau hữu cơ, vườn cây đỏ để phục vụ khách. Chỉ vậy mà 5 năm trở lại đây, du khách cứ nườm nượp đến Vân Hòa.
Anh Bốn Bình ở xã Sơn Xuân bảo rằng thấy cây đỏ đẹp, anh bứng cây con trên rừng về trồng chơi. Không ngờ cây sai chi chít quả, khách qua đường ghé lại trầm trồ. Anh lại chiết cành, giâm cây. Đến nay, vườn đỏ nhà anh có đến trên 100 cây cho quả. Khách đến cả đoàn xin chụp hình. Anh không bán vé vào vườn nhưng thường khi khách rời đi, để lại 10.000, 20.000 đồng để anh chăm sóc. Chỉ vậy thôi mà anh có nguồn thu khá. Nhiều người thấy vậy nên cũng mở rộng vườn trồng đỏ. Đến giờ ở xã Sơn Xuân không dưới 10 khu vườn chín rực quả đỏ vào mùa từ tháng 7 đến tháng 9.
Ông Tô Phương Bắc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sơn Hòa, cho hay huyện này đang có một chương trình hành động cụ thể để phát triển du lịch Vân Hòa theo hướng du lịch xanh bền vững, thân thiện với thiên nhiên. "Cao nguyên Vân Hòa được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng. Nhiều người còn gọi là Đà Lạt thu nhỏ, mát mẻ với cây cối xanh tươi. Nếu được đầu tư bài bản thì đây sẽ là "hòn ngọc" du lịch xanh ở Phú Yên" - ông Bắc nói.
Trung tâm du lịch có bản sắc riêng
Ông Cao Hồng Nguyên, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Yên), cho biết năm 2022, tỉnh này công bố một tuyến du lịch về Vân Hòa để thu hút đầu tư du lịch và ngay sau đó nơi đây đã chuyển mình.
"Người dân ý thức hơn về phát triển du lịch. Một số hộ dân đã xây dựng khu vườn mẫu và đăng ký hẳn hoi với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển du lịch cộng đồng. Họ cũng ý thức hơn trong việc đầu tư các dịch vụ để phục vụ du lịch" - ông Nguyên nói.
Trong định hướng phát triển du lịch đến năm 2030 của tỉnh Phú Yên sẽ có 3 trung tâm du lịch là Vũng Rô - Mũi Điện, Gành Đá Đĩa và cao nguyên Vân Hòa. Mỗi trung tâm sẽ hướng đến những dịch vụ với bản sắc riêng của Phú Yên, khác biệt với du lịch duyên hải miền Trung. Trong đó, Vũng Rô - Mũi Điện hướng tới việc đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền, Gành Đá Đĩa có 1 không 2 của Việt Nam. Riêng cao nguyên Vân Hòa là du lịch xanh với các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp du lịch cộng đồng, nông nghiệp xanh gắn với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Trung tâm du lịch Vân Hòa không chỉ tập trung ở vùng 3 xã mà sẽ mở rộng các vùng phụ cận như An Thọ - nơi đang xây dựng Thiền viện Trúc Lâm - với du lịch tâm linh, An Xuân với di tích lịch sử địa đạo và lễ hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng. "Nhiều nhà đầu tư về đây khảo sát, chuẩn bị các bước để đầu tư du lịch nhưng hiện giờ không hiểu sao chưa thấy triển khai" - ông Nguyên nói thêm.
Chờ hoàn thiện quy hoạch
Ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, lý giải việc đầu tư du lịch về Vân Hòa đang bị vướng vì chưa có quy hoạch. "Bây giờ chưa có quy hoạch thì làm sao người ta dám làm. Tỉnh kêu gọi và tiềm năng thì rất nhiều nhưng khi nhà đầu tư vô thì lại vướng quy hoạch. Chưa hoàn thiện được quy hoạch nên rất khó. Hiện nay, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ sớm chừng nào tốt chừng ấy để có cơ sở các dự án du lịch lớn vào đầu tư" - ông Mỹ nói.
Theo Người Lao Động
Khu vực đỉnh Fansipan ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhiệt độ xuống rất thấp vào sáng sớm nay 23/11 nên đã xuất hiện lớp băng mỏng khiến du khách thích thú. Đây là các du khách thích săn mây và trải nghiệm cảm giác lạnh.
Các tác giả tham dự cuộc thi video clip “Tôi yêu Bà Rịa - Vũng Tàu” năm 2024 đã làm khó Ban Giám khảo và Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi vì tác giả nào cũng chăm chút cho tác phẩm quá tỉ mỉ. Ngoài ra, BTC cũng nhận được số lượng vượt trội so với năm trước.
Món phở bò được hàng triệu người Việt ưa thích đã tiếp tục được kênh truyền hình CNN nổi tiếng thế giới đưa vào danh sách 20 món ăn loại súp ngon nhất thế giới.
Trên thế giới có những điểm đến nổi tiếng nguy hiểm nhưng lại có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với du khách. Đó là nơi hàng ngàn con rắn độc, vách đá cheo leo, hay miệng núi lửa với cái nóng cháy da tạo nên sự mê hoặc khó tả với những người đam mê khám phá.
Giải Phan Thiết Marathon 2024 diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11 với 3.000 vận động viên tham dự, trong đó có hơn 80 vận động viên nước ngoài với 5 cự ly 5km, 10km, 21km, 30km và 42km.
Vượt qua 4 ứng viên sáng giá trong Top 5, mỹ nhân tóc vàng Đan Mạch Victoria Kjær Theilvig đã xuất sắc đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe 2024.