Củ mài cũng là đặc sản của vùng núi chùa Hương. Ở đây bạn có thể thưởng thức những bát chè củ mài nấu ngay tại đây.
Củ mài thuộc loại dây leo, mọc ở các vùng đồi núi, dây cứng từng đốt, lá hình trái tim, hoa từng chùm cánh bướm, rể (củ) ăn sâu xuống đất. Dây củ mài tàn rụng về mùa đông, nẩy mầm về mùa xuân. Mùa xuân cũng chính là mùa thu hoạch củ mài.
Củ mài Chùa Hương có hai loại: củ mài tẻ và củ mài nếp. Củ mài tẻ có màu trắng nhạt, không thơm, tương đối rắn. Củ mài nếp có màu trắng hoặc xanh lơ, bột mịn thơm, bở và dẻo.
Chè được nấu bằng 2 cách là dùng thịt củ tươi hoặc bột khô. Với củ tươi, đem gọt vỏ, thái mỏng, nhỏ rồi ngâm qua nước muối cho sạch nhựa rồi đem đun nhừ, giã nát thành bột, cho đường kính vào đánh đều, đun cho đến khi chè sền sệt và tỏa mùi thơm nhẹ. Nhiều người kĩ tính, nấu chè với mật ong để nâng mùi thơm ngon của chè hơn.
Với bột khô, trong những mùa thu hoạch củ, bà con rây bột rồi phơi khô để dùng dần. Hòa bột với nước, đun sôi liu riu, khuấy đều cho tới khi bột sánh thì thêm đường vào cho tới khi sôi đều, bột ngả sang màu trắng đục. Nếu chưa có dịp đến Hà Tây bạn có thể tự mua nguyên liệu và chế biến:
Cách nấu chè củ mài:
Nguyên liệu
– 1kg củ mài
– 50g bột bắp
– 200g đường
– Hoa bưởi
– Mè trắng
Cách nấu:
Bước 1: Cách chọn củ mài
Điều quan trọng quyết định độ ngon của món chè củ mài chính là khâu chọn lựa nguyên liệu. Để có món chè củ mài ngon, bạn không nên chọn những củ to, có mùi lạ hay mốc. Thay vào đó là chọn những củ có kích thước vừa phải, không vết nứt…
Bước 2: Sơ chế củ mài
Khi mua củ mài về, bạn rửa sạch lớp bùn đất bám bên ngoài rồi cho củ mài vào nồi luộc chín. Sau đó, bạn vớt ra, bóc sạch vỏ, cắt bỏ những chỗ bị sượng, rồi cắt củ mài thành những miếng mỏng.
Bước 3: Nấu nước hoa bưởi
Bạn cho hoa bưởi vào nồi cùng với 2 chén nước lọc. Tiếp theo, bạn đặt vào giữa nồi một cái chén rồi đậy ngược nắp nồi lại và nấu sôi. Khi nước sôi, bạn lấy nước đá cho lên nắp nồi rồi đậy, để khi nước hoa bưởi bốc hơi gặp lạnh sẽ ngưng tụ và chảy theo phần trũng của nắp và rơi vào chén đặt trong nồi. Tiếp tục nấu cho nước gần cạn thì tắt bếp. Nước hoa bưởi có vị thơm mát của bưởi dùng thay thế cho vani cho vào chè sẽ rất thơm.
Bước 4: Nấu chè củ mài
Bạn cho đường và nước lọc vào nồi rồi nấu sôi lên. Tùy vào sở thích bạn có thể thay đổi lượng đường để chè ngọt thanh hoặc ngọt đậm. Tiếp đến, khi nước sôi lên, bạn cho củ mài vào nước đường nấu khoảng 10 phút để mài ngấm vị ngọt.
Bước 5: Hoàn thành
Bột bắp bạn cho vào chén và hòa tan cùng với ít nước. Sau 10 phút, bạn cho bột đao vào khuấy đều tay để món chè có độ sánh. Lúc này, bạn cho nước hoa bưởi vào và tắt bếp. Để tăng thêm hương vị cho món chè củ mài, bạn đem mè trắng rang vàng lên và rưới lên trên khi thưởng thức.
Chỉ với những thao tác đơn giản như trên, chúng ta đã hoàn thành món chè củ mài ngon khó cưỡng. Món ăn dân dã được làm từ những nguyên liệu đơn sơ lại không tốn nhiều thời gian nhưng lại có một nét riêng không nhầm lẫn.