Đưa chúng tôi tham quan quy trình sản xuất các sản phẩm chăm sóc móng như kềm cắt móng, da, giũa móng… , ông Trần Minh Tú - Tổng Giám đốc Công ty CP Kềm Nghĩa (khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) cho hay, đang có nhu cầu tuyển thêm 100 lao động để đáp ứng kế hoạch đề ra vào cuối năm nhưng đến giờ vẫn chưa đủ người.
“Chúng tôi dự định tăng sản lượng từ 31.000 sản phẩm lên 40.000 sản phẩm/ngày nên năm nay kế hoạch tuyển 500 lao động. Thế nhưng từ đầu năm 2022 đến nay chỉ tuyển được 400, số còn lại vẫn chưa “bói” ra” - ông Tú nói.
Ðể có nhân lực chất lượng cao, Công ty Cát Vạn Lợi đã liên kết với các trường đào tạo từ giảng đường (ảnh: U.P). |
Theo ông Tú, lao động tại DN này có cả lao động phổ thông và lao động trình độ cao. Lao động phổ thông sẽ được công ty đào tạo tay nghề trong vòng một tháng, sau khi được nhận vào làm chính thức sẽ có mức thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng và nhiều ưu đãi, phúc lợi đi kèm. Để có đủ nhân công, công ty đã liên hệ từ trung tâm giới thiệu việc làm, các trang tuyển dụng trực tuyến, người quen, công nhân giới thiệu và tham gia các sàn tuyển dụng…
Vừa nhận được đơn hàng lớn đi châu Âu, ông Đinh Hà, Giám đốc Công ty thực phẩm chế biến Tân Việt (huyện Hóc Môn) ngay lập tức tuyển hơn 50 lao động có tay nghề với mức lương khởi điểm gần 12 triệu đồng/tháng. “Do đơn hàng gấp lại đi vào thị trường khó tính nên chúng tôi chấp nhận trả lương cao để tuyển được lao động qua đào tạo, bắt tay vào làm việc ngay chứ không thể “từ từ, cầm tay chỉ việc” như trước. Nhưng lương hấp dẫn chưa chắc tuyển được nhân công như ý, nhất là trong thời điểm cuối năm như hiện nay. Để kịp tiến độ, chúng tôi chỉ còn cách vừa tăng ca, vừa tuyển dụng” - ông Hà cho biết.
Doanh nghiệp gặp khó khi tuyển thêm lao động cho mùa sản xuất cuối năm. Ảnh: U.P |
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TPHCM, nhiều DN treo biển tuyển dụng, trong đó người có tay nghề, có trình độ luôn ưu đãi mức lương hấp dẫn. Rảo qua nhiều DN tuyển dụng, chị Nguyễn Thị Bích Thủy (31 tuổi, quê Long An) chọn nộp hồ sơ vào một công ty may mặc có mức lương khá hấp dẫn cho người qua đào tạo. “Tôi có 5 năm may gia công cho một công ty Đài Loan nên khi xin vào nơi mới, có thể bắt nhịp được ngay. Theo tôi, khi mình đủ kinh nghiệm, tay nghề sẽ dễ dàng tìm được việc ở DN có mức lương cao” - chị Thủy chia sẻ.
Để chuẩn bị cho các đơn hàng sản xuất cuối năm, chị Lê Thị Tuyền, đại diện Công ty TNHH International Human (trụ sở tại quận Tân Bình) cho biết, DN này đang thông báo tuyển dụng khoảng 500 nhân sự, có độ tuổi trung bình từ 18-35 tuổi, với mức lương hấp dẫn. Trong đó, các ứng viên người lao động có tay nghề kỹ thuật sẽ hưởng mức lương từ 32-42 triệu đồng/tháng, trong khi ứng viên là kỹ sư đã tốt nghiệp đại học chính quy hưởng mức lương trung bình là 40 triệu đồng/tháng.
Người lao động tham khảo bảng tuyển dụng tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân). Ảnh: U.P |
“Săn” nhân lực từ giảng đường
Càng về cuối năm, nhu cầu nhân lực chất lượng cao của Công ty CP Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi (Khu công nghiệp Cơ Khí ô tô, huyện Củ Chi) càng tăng cao do phải hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm. Để có nguồn nhân lực này, nhiều năm qua, ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi thường xuyên liên kết với các trường đại học, cao đẳng nhận sinh viên đến thực tập có trả lương. Ngoài mức lương 3,3 triệu đồng/tháng, DN này còn hỗ trợ tiền ăn, nhà trọ…
“Chúng tôi chuyên cung ứng vật tư cho nhiều công trình trọng điểm như tuyến metro số 1, xuất khẩu vật tư sang Nhật, Singapore… nên luôn đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng. Chúng tôi không thể trông chờ tuyển lao động rồi đào tạo, mà phải đào tạo sinh viên ngay từ trên ghế nhà trường, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm ngay sau khi ra trường. Cùng với chế độ đãi ngộ thì môi trường làm việc rất quan trọng để giữ chân nhân tài” - ông Lâm khẳng định.
Ông Phạm Văn Tình, đại diện Công ty TNHH TMDV Gia An (quận 7) chia sẻ, năm ngoái, dịch bệnh COVID-19 làm hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Năm nay, căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh cuối năm và đáp ứng nhu cầu khách hàng, chúng tôi tuyển dụng khoảng 50 lao động, ở các vị trí từ lao động phổ thông, lao động kỹ thuật đến quản lý cấp trung. Với lao động phổ thông tuyển dụng được kha khá nhưng khó nhất là tuyển lao động kỹ thuật có tay nghề.
“DN nào cũng cần lao động có tay nghề, những người có kinh nghiệm làm ổn định thường không muốn nhảy việc vào cuối năm. Do đó, việc tuyển dụng sẽ khó khăn hơn” - ông Tình nhìn nhận. Để thu hút nhân lực, ngoài tiền lương cơ bản, Công ty Gia An có thêm các khoản phụ cấp chuyên cần, đặc thù cho các công việc nặng nhọc, hỗ trợ tiền nhà trọ, xăng xe...
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH TPHCM cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 241.000 lượt lao động (tăng 36,18% so với cùng kỳ năm 2021), số việc làm mới tạo ra là hơn 107.000 chỗ (tăng 30,9% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên đến nay, nhiều DN vẫn đang thiếu lao động…
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM cho rằng, các DN không biết tìm đâu ra lực lượng lao động đã qua đào tạo. “Giờ chỉ cần 300 lao động giày da được đào tạo nhưng hỏi các trường đều không đủ. Do đó DN đang phải đẩy mạnh liên kết với trường nghề để tăng lượng nhân lực được đào tạo cấp tốc nhằm chữa cháy, đồng thời hỗ trợ chỗ ở, ăn uống để kêu gọi lao động” - ông Khánh nói.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), dự báo nhu cầu lao động của các DN trên địa bàn thành phố trong 3 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 69.500-77.100 chỗ làm việc nhằm phục vụ sản xuất các đơn hàng Tết. Hầu hết DN có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, đã qua đào tạo. Cụ thể, lao động đã qua đào tạo chiếm gần 85% (trình độ đại học trở lên chiếm 16,8%, cao đẳng chiếm 24,7%, trung cấp chiếm 28,6%, sơ cấp chiếm 14,8%), chỉ 15% vị trí việc làm dành cho lao động phổ thông. FALMI nhìn nhận, thị trường lao động đang có sự đào thải gay gắt vì sự phát triển của khoa học công nghệ đang làm phát sinh nhiều hình thức làm việc mới, thay đổi cơ cấu, tổ chức công việc, đòi hỏi người lao động phải thích ứng, nâng cao trình độ chuyên môn…
Theo Tiền Phong
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, đã dùng tiền để mua chuộc cán bộ. Sau khi nhận 250.000 USD từ Hạnh, 2 cựu Vụ phó và Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đồng ý tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép.
Trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế tuyệt đối ở mức rất cao đối với xì gà.
Thời gian qua, lượng khách đặt mua vé máy bay Tết đang có xu hướng tăng cao. Vì thế, các hãng đã có kể hoạch điều chỉnh, bổ sung tăng tải để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là Việt Nam sẽ có điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành năng lượng và năng lượng sạch, giảm phát thải carbon và chuyển đổi kinh tế xanh.
Cột mốc 100.000 USD/1 Bitcoin đã đến rất gần vì giá loại tiền điện tử này tăng vô cùng chóng mặt thời gian gần đây trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn Mỹ trở thành trung tâm tiền số của thế giới.